Dân chóng mặt vì giá cát 'nhảy múa'

07/06/2017 - 10:30

PNO - Nhiều năm trước Việt Nam xuất khẩu cát với giá khai báo rẻ mạt, trung bình 2-2,2 USD/m3 (khoảng 44.000-50.000đ/m3). Song hôm nay người dân lại đang phải mua cát xây dựng với mức giá cao... cắt cổ 750.000đ/m3.

Loạn giá cát

Tại TP.HCM, từ cách đây khoảng hai tháng rưỡi, giá cát đã tăng leo thang và đến nay càng tăng bạo liệt, gấp đôi so với trước. Cát xây dựng thuộc hàng tốt nhất hiện nay khoảng 750.000đ/m3, cát san lấp cũng tăng từ 130.000đ/m3 lên mức 250.000đ/m3.

Theo một số chủ thầu xây dựng, cát không chỉ tăng giá mà ngày càng trở nên khan hiếm, chất lượng cũng giảm sút. Anh Nguyện, chủ thầu xây dựng nhà dân dụng (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Chất lượng cát không ổn định, tỷ lệ sình, bùn, tạp chất trong cát rất nhiều. Song thị trường đã như vậy, mình cũng không được chọn lựa, vì chọn lựa  thì cát đâu mà xây nhà”.

Hiện nay, khi báo giá xây dựng, chủ thầu còn phải “căng óc” để  tính mức trượt giá cát kỹ hơn, bởi trung bình một công trình nhà dân dụng phải thực hiện từ 1-4 tháng mà giá cát cứ tăng theo tuần, thậm chí có khi ba ngày là có giá mới. Mức giá tăng đã đội chi phí xây dựng lên cao.

Nếu như trước đây tỷ lệ chi phí dành cho cát trong công trình xây dựng chỉ khoảng 5% thì giờ đã tăng lên khoảng 10%. Cụ thể, nếu tổng chi phí xây dựng cho một ngôi nhà (khoảng 1 tỷ đồng), hơn hai tháng trước, tiền cát xây dựng chỉ chiếm khoảng 50 triệu đồng, thì nay chi phí này đã lên đến 100 triệu đồng.

Dan chong mat vi gia cat 'nhay mua'
Lực lượng công an tăng cường kiểm tra tình trạng khai thác cát trên sông Hậu.

Đằng sau bức tranh tăng giá này, còn là một tình trạng khan hiếm cát nghiêm trọng. Anh Nguyễn Phước Đức, chủ thầu xây dựng, tại quận Tân Bình cho biết: “Trước đây, đang thi công mà bị thiếu hụt cát thì chỉ cần gọi điện thoại, chừng 5-10 phút sau đã có cát đổ tận nơi. Song bây giờ, mình gọi điện thoại đợi cả nửa ngày may ra mới có cát. Để đối phó với tình trạng này, cai thầu phải mua cát trữ, để phòng chuyện cát hết giữa chừng”.

Đặc biệt, việc cát khan hiếm dẫn đến hậu quả cực kỳ nguy hiểm. Một chủ thầu xây dựng tại Q.9 "bật mí", nhiều chủ đầu tư công trình dân dụng (mua đất xây nhà bán) đã sử dụng cát mặn (cát biển) để xây dựng. Người mua nhà sẽ bị thiệt vì công trình không đảm bảo. Độ mặn trong cát chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu, tuổi thọ của phần khung, làm lõi sắt dễ bị rỉ sét, chất lượng công trình kém. Khi người dân sinh hoạt trong một công trình không đảm bảo chất lượng, tính mạng cũng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Tình trạng loạn cát này không chỉ xảy ra ở cuối nguồn tiêu thụ TP.HCM mà giá cát ở nhiều vùng gần mỏ cát như ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây khác cũng loạn suốt một tháng qua.

Vừa khởi công xây nhà được khoảng một tuần, anh Võ Vĩnh  (ngụ quận Cái Răng) than: “Trong dự toán xây nhà, tôi tạm tính giá cát 120.000đ/m3, giờ tăng lên 180.000đ, bên bán lại giao hàng không đúng kế hoạch, kéo mọi thứ đình trệ theo”.

Theo giá báo từ các cửa hàng vật liệu xây dựng tại Cần Thơ ngày 5/6, trong vòng một tháng qua, giá cát san lấp (loại cát chất lượng thấp dùng để san lấp mặt bằng), cát tô và cát xây đều tăng từ 25-30%. Nếu như tháng 4/2017 giá cát sạch đã sang rửa từ 250.000-290.000đ/m3 thì tháng 5/2017 tăng đến 305.000-350.000đ/m3.

Giá cát tăng khiến chi phí xây nhà đội lên khoảng 10%. Nhận thầu năm căn nhà ký hợp đồng bao luôn vật liệu, ông thầu Đoàn Văn Dương (Cần Thơ) đang khổ sở bởi giá cát bỗng đội giá lên ba-bốn lần. Trung bình mỗi căn nhà nhận “mão’’ vật liệu xây dựng, chủ thầu đang chịu lỗ khoảng 30.000.000-40.000.000đ.

Lý giải nguyên nhân giá cát tăng bất thường, chị Mai - chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đường Tầm Vu, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ - cho biết: "Trước đây, cát dưới lòng sông được khai thác gần như tự do, nhưng nay các chủ mỏ khai thác đang bị siết nên giá cát tăng. Hơn nữa, nguồn cát xuất khẩu ra nước ngoài cũng đang hút mạnh nên giá cát lên cao".  

“Siết” đầu khai thác gây biến động thị trường

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá cát tăng là do đầu khai thác đang được các cơ quan chức năng siết mạnh để bảo vệ tài nguyên cát. Việc khai thác cát của các chủ mỏ được cấp phép cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu, qua địa bàn Đồng Tháp và An Giang, hàng trăm sà lan đang neo đậu san sát cặp bờ sông tại các vị trí mỏ được cấp phép khai thác để chờ theo thứ tự được “ăn” cát, có lúc phải chờ đến ba-năm ngày. 

Dan chong mat vi gia cat 'nhay mua'
Giá cát tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy.

Bên cạnh đó, các hóa đơn chứng từ liên quan đến tình trạng mua bán cát cũng đang được các cơ quan quản lý nhà nước siết chặt. Theo một chủ thầu xây dựng lớn tại Hậu Giang, trước đây, sà lan mua cát ở mỏ không cần lấy hóa đơn nhưng nay sà lan nào không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc cát sẽ bị các cơ quan chức năng tạm giữ.

Liên quan đến tình trạng này, ông Đinh Văn Nơi,  Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ, từng khẳng định: “Từ cuối tháng 4/2017 đến nay, Công an TP Cần Thơ đang mở đợt cao điểm kiểm tra các phương tiện vận chuyển cát trên sông. Hiện nơi này đang tạm giữ khoảng 30 phương tiện, sà lan vận chuyển khoảng 12.000m3 cát nhưng chủ phương tiện chưa xuất được hóa đơn chứng từ.

Nhiều chủ sà lan vận chuyển từ 500-800m3, nhưng chỉ xuất được hóa đơn hợp lệ từ 150-200m3. Theo lực lượng cảnh sát, hiện nay, tình hình vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, hóa đơn vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng. Trong số hơn 30 sà lan bị tạm giữ, đến nay chỉ có một số ít đến xuất trình hóa đơn".

Cát khan hiếm và giá cát nhảy múa bất thường như hiện nay là kết quả tất yếu của tình trạng các cơ quan chức năng đã lơi lỏng công tác quản lý tài nguyên suốt nhiều thập niên và việc các chủ mỏ, chủ thầu khai thác đã mua bán tài nguyên một cách vô tội vạ. Song, người đang gồng gánh những hậu quả nặng nề cho những việc làm trái khoáy đó lại chính là người dân thường.

Với nhiều người dân, ngôi nhà là tài sản tích cóp của nhiều đời mới có thể đủ tiền xây dựng nay phải gánh thêm chi phí và chất lượng nhà ở thì sẽ rất phập phồng. 

Bảo vệ cát tuy muộn nhưng còn hơn không. Song làm sao để điều tiết thị trường và đảm bảo “an ninh cát” trong xây dựng là vấn đề các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc. 

 Trung Đức - Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI