Dân chạy ngược chạy xuôi vì ách tắc thi hành án

05/08/2019 - 10:29

PNO - Trong thực tế cuộc sống, nhiều vụ án dân sự đã được tòa tuyên, nhưng khi đến khâu thi hành án thì ách tắc khiến dân chỉ biết than trời.

Ra đi không nhắm mắt

Đem ra bốn tập hồ sơ dày cộm ghi lại quá trình “đeo đuổi” Chi cục Thi hành án dân sự Q.10 của người anh đã khuất, ông Nguyễn Ngọc Minh - ngụ tại Q.3, TP.HCM - đau đớn: “14 năm ròng bất lực đi đòi nợ, năm 2016, anh tôi qua đời trong sự áy náy với các em bởi cảm giác đã làm mất số tiền quá lớn của gia đình”.

Theo ông Minh, năm 2002, ông Nguyễn Ngọc Anh Dũng - anh trai ông  Minh - được các em ủy quyền mua lại một căn nhà của vợ chồng ông Đỗ Quốc Chinh - bà Vũ Thị Hà (hiện ngụ tại Q.10) với giá 208 lượng vàng.

Trước khi thực hiện thủ tục mua bán, ông Dũng đã đưa trước 149 lượng vàng cùng 25 triệu đồng cho vợ chồng ông Chinh - bà Hà.

Thế nhưng, không lâu sau, ông Dũng phát hiện căn nhà nói trên đã được vợ chồng ông Chinh - bà Hà đem bán cho người khác.

Dan chay nguoc chay xuoi vi ach tac thi hanh an
Những năm cuối đời, ông Dũng dành thời gian để viết lại hành trình đi đòi nợ của mình

Đòi lại tiền không được, ông Dũng cùng các người em khởi kiện ra tòa. Trải qua nhiều phiên tòa, ngày 30/10/2008, Tòa án nhân dân TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên ông Chinh - bà Hà phải trả lại cho các em ông Dũng 149 lượng vàng cùng 25 triệu đồng. 

Thế nhưng, theo ông Minh, sau hơn 10 năm, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ. Ông Chinh - bà Hà vẫn kiên quyết không chịu trả lại tiền. 

Đặc biệt, ngoài căn nhà đã bán cho người khác, ông Minh được biết, vợ chồng ông Chinh - bà Hà còn có căn nhà khác ở số 38/18 Nguyễn Giản Thanh, P.15, Q.10 đã cho thuê nhiều năm nay. 

“Chúng tôi không hiểu vì sao Chi cục Thi hành án dân sự Q.10 không tích cực kê biên, bán đấu giá căn nhà này để đảm bảo trách nhiệm thi hành án của vợ chồng ông Chinh - bà Hà với chúng tôi” - ông Minh nói.

Rối ren thi hành án

Theo ông Lê Văn Kiệt - Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Q.10 - đối với vụ việc của gia đình ông Minh, ngay sau khi có phán quyết của tòa, Chi cục Thi hành án dân sự Q.10 đã ra quyết định thi hành án. 

Trong quá trình thi hành án, do ông Chinh - bà Hà không tự nguyện nên cơ quan này đã xác minh tài sản để kê biên, phát mãi. 

Tại chương trình với chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp”, do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức sáng 4/8, ông Phạm Đức Hải - Phó chủ tịch HĐND TP.HCM - cho biết, năm 2018, án dân sự được thi hành trên toàn thành phố đạt 78,33% (vượt chỉ tiêu giao 6,33%), số tiền giải quyết chung đạt 43,94% (vượt tiến độ 11%).

Theo đó, ông Chinh - bà Hà chỉ có tài sản duy nhất là căn nhà số 38/18 Nguyễn Giản Thanh, P.15, Q.10. Ngay sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự Q.10 đã cưỡng chế kê biên, đo đạc để thẩm định bán đấu giá, thu hồi tiền trả cho gia đình ông Minh. 

Tuy nhiên, đến nay, việc bán đấu giá này vẫn không thể thực hiện do căn nhà nói trên vướng phải một số thủ tục liên quan đến cấp chứng nhận quyền sở hữu.

Cụ thể, căn nhà 38/18 Nguyễn Giản Thanh nằm chung trong phần đất do Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Bộ Quốc phòng) quản lý. 

Năm 2004, cục đã cho phép bà Hà xây dựng nhà ở. Sau đó, năm 2013, cục đã giao đất lại cho UBND Q.10 quản lý; bàn giao luôn nhiệm vụ xem xét cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho những hộ xây đúng quy hoạch.

Trong quá trình xem xét cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho bà Hà, UBND Q.10 phát hiện căn nhà 38/18 Nguyễn Giản Thanh được bà Hà xây sai quy hoạch và sai diện tích (Bộ Quốc phòng chỉ cấp 43,5m2 nhưng bà Hà đã xây dựng hơn 66m2).

Chuyện bà Hà lấn chiếm đất của Bộ Quốc phòng chưa ngã ngũ thì UBND Q.10 tiếp tục phát hiện, đây là đất mà Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp riêng cho bà Hà lần thứ hai, thuộc trường hợp phải điều chỉnh, thu hồi. 

Ông Kiệt cho biết: “Để làm rõ nhà đất này có được cấp chủ quyền hay không, UBND Q.10 phải được Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có ý kiến, nhưng đến nay, Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chưa có ý kiến gửi về”.

Như vậy, 17 năm thi hành án không xong một vụ việc là do Chi cục Thi hành án dân sự Q.10 chờ UBND Q.10, UBND Q.10 chờ Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho ý kiến. 

Ông Minh lo lắng: “Căn nhà 38/18 Nguyễn Giản Thanh được xem là tài sản duy nhất đảm bảo trách nhiệm thi hành án của ông Chinh - bà Hà đối với chúng tôi. 

Nếu căn nhà trên được xác định thuộc diện thu hồi, tức là vợ chồng bà Hà không còn tài sản đảm bảo thi hành án, chúng tôi biết trông cậy vào đâu? Vụ việc còn kéo dài đến bao giờ?”.

Dan chay nguoc chay xuoi vi ach tac thi hanh an
Bà Nữ với ước mong cuối đời khó mong thành hiện thực

Án tuyên cũng như không

Bà Lý Tố Nữ - hiện đang ở trọ tại Q.Bình Tân, TP.HCM - cũng đang rơi vào tình cảnh  quá mệt mỏi với ngành thi hành án. 

Bà Nữ cho biết, trong năm 2016 và 2017, bà đã cho bà Đoàn Thị Chín - trú tại Q.Bình Tân - vay tổng cộng 164 triệu đồng. 

Sau nhiều lần đến hẹn mà bà Chín không trả, bà Nữ đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân Q.Bình Tân, yêu cầu trả lại tiền. Tháng 4/2018, Tòa án nhân dân Q.Bình Tân tuyên buộc bà Chín trả lại cho bà Nữ 164 triệu đồng. 

Ông Phạm Huy Hoàng - Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - nhận định, công tác thi hành án dân sự tại TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đặc biệt, việc chống đối thi hành án của đương sự là một trong những lý do khiến nhiều vụ án kéo dài, đặc biệt là các án kinh tế lớn, liên quan đến ngân hàng. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Nữ cho biết, do bà Chín liên tục nói không có tiền trả nợ nên bà đã nhiều lần cất công đi xác minh tài sản của bà Chín. 

Chứng cứ bà Nữ thu được gồm: đơn cam kết của ông Nguyễn Văn Phi - chồng bà Chín - về việc bà Chín sở hữu một thửa đất ở thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM cùng ba căn nhà ở P.An Lạc, Q.Bình Tân. 

Tuy nhiên, sau nhiều lần “lên xuống” cung cấp chứng cứ này cho Chi cục Thi hành dân sự Q.Bình Tân với hy vọng được kê biên, phát mãi, đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bà Chín thì cơ quan này hồi đáp: ba căn nhà ở Q.Bình Tân theo cung cấp của bà Nữ là tài sản chưa được hợp thức hóa, nên chưa xác minh được đó có phải tài sản của bà Chín hay không. 

Đặc biệt, bà Chín hiện đã bỏ trốn do đang mắc nợ rất nhiều người. 

“Tôi sống nay chết mai. Số tiền đó, tôi dành để dưỡng già vì chỉ sống một mình, giờ không biết bao giờ mới có thể lấy lại được” - bà Nữ ngao ngán.

Theo các luật sư, thi hành án dân sự được xem là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng. Những phán quyết của tòa nếu không được thi hành thì quá trình tố tụng trước đó xem như vô nghĩa. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều trường hợp  mỏi mòn chờ thi hành án và chờ đến hàng chục năm. 

Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp dùng quyền lực của Nhà nước buộc người thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành, do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành. Thế nhưng, theo nhiều chấp hành viên, không phải trường hợp nào áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cũng thành công, nhất là các vụ việc thuộc lĩnh vực án hôn nhân gia đình liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con. 

Một chấp hành viên kể, cách đây 3 năm, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên xử cho một người mẹ được quyền nuôi con. Đứa trẻ 3 tuổi ngay sau đó đã bị cha ruột mang đi giấu. Quyết định thi hành án ban hành nhưng không được hợp tác, do đó, cơ quan chức năng buộc phải cưỡng chế thi hành án. Thế nhưng, lần thứ nhất, tìm đến nhà đương sự thực hiện quyết định cưỡng chế, vừa thấy lực lượng chức năng, người cha này lập tức mang con vòng ra sau nhà, trốn mất. Lần thứ hai tìm đến, người cha chỉ vào ba, bốn đứa nhỏ đều khoản 3 - 4  tuổi đang chơi trong nhà mình, thách thức: “Xem đứa nào đúng thì cứ bắt đi”. Mặc dù có các quy định xử phạt việc chống đối thi hành án nhưng không dễ thực hiện quy định này.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI