Kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa IX:

Dân cần tính hiệu quả, không cần nhiều tầng nấc trung gian

10/07/2020 - 08:10

PNO - Ngày 9/7, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa IX, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM - đã báo cáo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của TPHCM giai đoạn 2017-2019 và các giải pháp cải thiện trong năm 2020.

Phải có “chi phí không chính thức”, mới trúng thầu

Theo ông Liêm, PCI của TPHCM đều tăng hằng năm, từ 65,19 lên 67,16 điểm, nhưng trong tổng sắp 63 tỉnh thành, lại có sự tụt hạng từ 8 xuống 14 (năm 2017 hạng 8, năm 2018 hạng 10 và năm 2019 hạng 14). 

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI trong năm 2020, UBND TPHCM đề ra các giải pháp như: duy trì nhóm các chỉ số tốt gồm chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động; xác định và có các giải pháp cải thiện đối với nhóm có chỉ số trung bình, gồm chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí thời gian; tập trung cải thiện “ngay và luôn” các nhóm chỉ số thấp, gồm chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và thiết chế pháp lý - an ninh trật tự.

Một kỳ họp của Hội đồng nhân dân P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức vào tháng 7/2018
Một kỳ họp của Hội đồng nhân dân phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức vào tháng 7/2018

Đáng chú ý, chỉ số “chi phí không chính thức” của TPHCM tăng 0,66 điểm (từ 4,94 lên 5,60) nhưng điểm số vẫn thấp so với cả nước, thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng với vị trí 53 so với các tỉnh, thành. Chỉ số này chiếm tỷ trọng 10% trong bảng đánh giá PCI nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả PCI chung của TPHCM.

Với chỉ số này, các doanh nghiệp cho rằng, thường phải trả thêm các khoản “chi phí không chính thức”, nhất là trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Doanh nghiệp cho biết, chi trả “chi phí không chính thức” là điều bắt buộc để bảo đảm trúng thầu. Doanh nghiệp cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng “chạy án” phổ biến.

Ông Liêm cho biết, để cải thiện chỉ số này, UBND TPHCM sẽ thường xuyên rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi hạch sách, nhũng nhiễu của các cán bộ, công chức thực hiện các thủ tục hành chính, thanh, kiểm tra.

“Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân và doanh nghiệp; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc” - ông Liêm nêu giải pháp.

Bên cạnh việc tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng ở từng cơ quan, đơn vị, TPHCM sẽ tăng cường công tác kiểm tra đấu thầu tại các sở, ngành, quận, huyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong đấu thầu theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Tư duy “đồng tiền đi trước” cản trở phát triển

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho biết thêm, “chi phí không chính thức” là chỉ số thành phần thấp nhất của TPHCM: “Chúng ta có thể hiểu là do trình độ của các cán bộ làm công tác phục vụ cho dân không đồng đều. Không phải tất cả đều xấu mà có nơi tốt, nơi xấu.

Ví dụ, để làm một dự án nhà ở, phải chuyển từ đất nông nghiệp thành đất dự án và phải qua giai đoạn chuyển sang đất ở. Có nơi chỉ trong sáu tháng là hoàn tất thủ tục, nhưng có nơi mất tới hai năm”. Theo ông Thắng, tính không đồng bộ này phụ thuộc lớn vào vấn đề áp dụng công nghệ thông tin. Nơi nào áp dụng sớm, tránh được sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thi hành công vụ và người dân thì quá trình tự động hóa đó sẽ đưa đến kết quả tốt hơn.

Theo ông Thắng, cần nâng cao ý thức phục vụ cộng đồng, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ và chọn lựa kỹ hơn trong công tác nhân sự, nhưng đồng thời, cũng phải quan tâm “tập huấn” cho các doanh nghiệp: “Doanh nghiệp phải mạnh mẽ từ bỏ kiểu nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” vì nó gây trở ngại lớn cho công cuộc chống tham nhũng, cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch và công bằng. Những vấn đề này lại đang bị kẹt ở khâu nguồn nhân lực, công nghệ hóa và sự chọn lọc đồng bộ hóa ở các quận, huyện”.

Cũng theo ông Thắng, doanh nghiệp muốn lành mạnh hóa môi trường đầu tư thì nên phản ánh sự nhũng nhiễu tại phòng nội vụ các quận, huyện. Một kênh nữa là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và sắp tới, TPHCM đang tiến đến đơn giản hóa hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

Tại kỳ họp thứ 20 này, các đại biểu sẽ góp ý để hoàn thiện đề án không tổ chức HĐND quận và phường.

“Đây là bước tiến để xây dựng đô thị thông minh bởi khi có những công cụ mạnh như chia sẻ dữ liệu dùng chung, các sở, ban, ngành kết nối với nhau và người dân được quyền chia sẻ dữ liệu bất cứ lúc nào thì không cần phải tổ chức HĐND các cấp như hiện nay. Hơn nữa, khi đó, chúng ta còn có thể phát huy vai trò của MTTQ” - ông Thắng phân tích.

Còn nhiều tầng nấc trung gian 

Đồng ý quan điểm tăng cường vai trò của MTTQ mà ông Thắng đề cập, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM - cho biết, nhiệm kỳ trước, khi thí điểm không có HĐND quận, huyện và phường thì rõ ràng MTTQ đúng là cánh tay nối dài và phát huy được nhiều hơn chức năng của các tổ đại biểu HĐND TPHCM ở các quận, huyện: “Mỗi quận, huyện hiện đều có ba đại biểu, mặt trận tổ chức tiếp xúc cử tri để đại biểu lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân ngay tại chỗ nhằm phát huy vai trò giám sát của HĐND TPHCM”.

Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM - cho rằng, cần đưa đề án trên vào văn kiện của Đảng bộ TPHCM như giải pháp cụ thể đối với việc xây dựng chính quyền: “Định hướng của Đảng bộ TPHCM là tập trung các giải pháp xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền gắn với tinh giản biên chế, thí điểm một số mô hình tổ chức phù hợp với thực tiễn và đặc thù của TPHCM”.

Ông Đức cho rằng, cần sớm đề xuất trung ương cho TPHCM thực hiện đề án không tổ chức HĐND quận và phường trong thời gian tới: “Khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, tính chủ động trong chính quyền được nâng lên một bước, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả”.

Thực tế, HĐND quận, phường chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Còn ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa, sự tồn tại HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau. Cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, đang tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước.

Theo ông Đức, trong giai đoạn 2011-2016, khi thí điểm không tổ chức HĐND quận và phường, UBND các quận, huyện, phường vẫn hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy: “Hiệu quả thể hiện rõ nhất là việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính. Các cấp lãnh đạo, quản lý tại địa phương, thành phố vẫn thường xuyên trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc trong nhân dân”. 

Theo UBND TPHCM, các phân tích, đánh giá về PCI được thu thập dựa trên các dữ liệu bao gồm: điều tra thường niên trên 8.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành, 2.000 doanh nghiệp mới thành lập và 1.500 doanh nghiệp FDI từ 20 tỉnh, thành. Số tham gia phản hồi điều tra năm 2019 là 8.773 doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2019, TPHCM có 411.438 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy số liệu đánh giá của 8.773 doanh nghiệp trên tất cả các tỉnh, thành để đánh giá năng lực cạnh tranh của các tỉnh. Do đó, việc lấy phiếu đánh giá của một nhóm các doanh nghiệp để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TPHCM chưa phản ánh toàn diện thực tế phát triển của TPHCM trong thời gian qua.

Ngoài ra, theo nghiên cứu đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện qua các năm, Việt Nam được đánh giá tăng điểm môi trường kinh doanh (từ 68,6 điểm năm 2018 lên 69,8 điểm năm 2019). Hiện Việt Nam đứng thứ 70/190 nền kinh tế được đánh giá. Và một trong các chỉ số thành phần quan trọng để WB khảo sát, đánh giá là chỉ số về khởi sự kinh doanh/thành lập doanh nghiệp, chỉ số này tương tự chỉ số gia nhập thị trường do VCCI thực hiện.

Chỉ số gia nhập thị trường của TPHCM trong giai đoạn 2017-2019 tiệm cận dần với mức trung vị (trên trung bình) cả nước; đến năm 2019, bằng với mức trung vị cả nước, đứng vị trí thứ 32 và cách điểm cao nhất cả nước (8,65 điểm) là 1,41 điểm. Ở chỉ số này, doanh nghiệp đánh giá chưa cao việc ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi đăng ký kinh doanh, chưa đáp ứng mong muốn trong việc hoàn thành các thủ tục để doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động. 

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá phải chờ hơn một tháng để hoàn thành các thủ tục (từ lúc đăng ký thành lập đến khi hoàn tất các thủ tục khác có liên quan) để chính thức đi vào hoạt động còn cao; số ngày trung bình để đăng ký doanh nghiệp, thay đổi đăng ký ở TPHCM vẫn còn nhiều

Dân không cần quá nhiều người đại diện

Có cần quá nhiều tổ chức đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và cũng do dân bầu ra cùng tồn tại trên một địa bàn hay không? Tổ chức càng nhiều, hội họp càng nhiều, càng tốn kém, nội dung trùng lắp… Vai trò của các cơ quan dân cử như HĐND các cấp cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Hơn thế nữa, khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, nhất là công nghệ thông tin, hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng công khai, dân chủ, người dân có thể đối thoại trực tiếp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với chính quyền địa phương các cấp, có thể phản ánh mọi tâm tư, nguyện vọng và đề xuất kiến nghị qua các phương tiện báo, đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử, mạng internet. Khi đó, chính quyền có trách nhiệm giải trình trước người dân, không nhất thiết phải có nhiều cấp hội đồng, nhiều đại biểu HĐND như hiện nay.

Việc không tổ chức HĐND quận, phường là hoàn toàn phù hợp với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền thời đại công khai dân chủ, khoa học công nghệ phát triển. Đó là chưa kể, việc không tổ chức HĐND quận, phường sẽ giúp tinh giản bộ máy, biên chế, giảm các chi phí cho hoạt động của chính quyền địa phương.

(Ông Diệp Văn Sơn - Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ)

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI