Dân buôn lậu cũng dùng 'chiêu' đổi biển số xe

20/12/2019 - 06:30

PNO - Chiều 19/12, tại Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại năm 2019 ở TP.HCM.

Tại buổi khảo sát, ông Hà Trung Cang - đại diện Cục QLTT TP.HCM - cho biết, từ tháng 12/2018 đến tháng 11/2019, các đơn vị thuộc cục đã kiểm tra chuyên ngành và liên ngành 82.794 vụ, tăng 61.741 vụ so với cùng kỳ năm trước, tức tăng hơn 293%. 

Cụ thể, các đội QLTT đã kiểm tra chuyên ngành 7.432 vụ, phát hiện 4.786 vụ vi phạm, tăng 2.362 vụ (tăng 46,58%) so với cùng kỳ năm trước, với các vi phạm như buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, vi phạm về an toàn thực phẩm, thương mại điện tử…

Cục QLTT đã xử phạt 4.689 vụ, với số tiền nộp ngân sách gần 114 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ; trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 46,5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 97,5 tỷ đồng.

Dan buon lau cung dung 'chieu' doi bien so xe
Ngày 16/12 năm 2019, Đội Quản lý thị trường số 27 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) phối hợp với Công an P.Thạnh Xuân (Q.12, TP.HCM) tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Dũng Bắc phát hiện trong khuôn viên chứa 139 bình khí các loại không nhãn mác, chưa qua sử dụng, không hóa đơn chứng từ… tổng trọng lượng đã bao gồm vỏ bình là 3.541,5kg - Ảnh: Quản lý thị trường

Về kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, ông Cang cho hay, cục đã chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra các tuyến, điểm tập kết và nơi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu.

Kết quả, đã kiểm tra 503 vụ, phát hiện 301 vụ vi phạm, tạm giữ 103.402 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 203 chai thuốc lá điện tử, đầu đốt máy thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử...

Theo ông Cang, các đối tượng buôn lậu thuốc lá thường thay đổi thời gian vận chuyển, chuyển hàng thông qua xe tải, xe khách, có khi dùng ô tô loại 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ tập kết giáp biên giới để vận chuyển với số lượng lớn.

Đáng chú ý, trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thay đổi biển số xe để đối phó với lực lượng theo dõi. Ông Cang cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. 

Thông tin trên các trang này thường là thông tin giả. Việc giao dịch mua bán qua điện thoại, tin nhắn, môi trường internet và giao nhận các sản phẩm bằng xe máy với số lượng rất ít nên rất cơ động và rất khó phát hiện.

Khi đã xác định được đối tượng vi phạm, kiểm tra để xử lý, đối tượng cho rằng các trang mạng không phải do họ thiết lập mà bị người khác giả mạo. Đặc biệt, hàng hóa vi phạm thường được chứa trữ tại các căn hộ chung cư, nhà trọ, thuộc thẩm quyền ban hành quyết định khám xét của Chủ tịch UBND cấp huyện nên việc kiểm tra, xử lý vô cùng khó khăn.

Hiện phần lớn chủ đầu tư các trung tâm thương mại, chợ tư nhân ở TP.HCM chỉ cho thuê địa điểm, mặt bằng để các tổ chức, cá nhân khác kinh doanh hàng hóa nên khi có kiểm tra, xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thì không có cơ chế, quy định để ràng buộc trách nhiệm hoặc xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư của các trung tâm thương mại, chợ tư nhân. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI