Ngoài ra, ba cơ sở kinh doanh đóng góp 60 triệu đồng và 103 hộ dân đóng góp 515 triệu đồng, khiến không ít người dân và chủ doanh nghiệp bức xúc.
|
Đoạn đường Xuân Thới 6 dài 550,6m, dự kiến chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh và hộ dân phải đóng 2,473 tỷ đồng để làm hệ thống thoát nước (ảnh lớn) và thư mời dự cuộc họp vận động góp tiền bị doanh nghiệp phản ánh là “kỳ lạ”. |
Đưa doanh nghiệp vào thế khó?
Những ngày qua, 16 doanh nghiệp (DN) trú đóng trên tuyến đường Xuân Thới 6, xã Xuân Thới Đông nhận được thư mời đến dự một cuộc họp do UBND xã Xuân Thới Đông tổ chức để “vận động” đóng góp tiền làm đường.
Ông D. - chủ một DN đóng trên đường Xuân Thới 6 - cho biết, ngày 24/5, DN của ông bất ngờ nhận được thư của UBND xã Xuân Thới Đông mời đến UBND xã họp vào ngày 26/5. Đáng nói, thư mời không trình bày nội dung cuộc họp mà chỉ nêu hiện trạng tuyến đường Xuân Thới 6 và hình thức đầu tư làm hệ thống thoát nước để khắc phục tình trạng hư hỏng đường. Kỳ lạ hơn, trong thư mời, UBND xã ấn định sẵn mức tiền mà DN phải đóng góp là 118.625.000 đồng.
Ông D. bức xúc: “Đường Xuân Thới 6 xuống cấp mấy năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ nghe chính quyền địa phương hỏi ý kiến về việc làm lại tuyến đường này. Đùng một cái, họ bắt chúng tôi đóng góp hàng trăm triệu. “Vận động” kiểu này rõ ràng là đưa DN chúng tôi vào thế khó. Chúng tôi đang làm ăn tại đây nên không dám thẳng thừng từ chối, nhưng cảm thấy rất bất bình”.
Do chiều ngày 26/5, chỉ có bốn chủ DN đến UBND xã Xuân Thới Đông tham dự cuộc họp theo thư mời nên chính quyền địa phương chưa thể chốt được nội dung, và cho biết, sẽ tiếp tục mời các chủ DN đến họp vào một buổi khác.
Chị K. - chủ một DN - cho biết, ngày 26/5, khi đến họp chị mới biết, đường Xuân Thới 6 có khoảng 200m hư hỏng nặng do thường xuyên bị ngập nước; UBND xã Xuân Thới Đông có chủ trương sửa chữa tuyến đường này theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, Nhà nước chỉ phụ trách việc sửa chữa mặt đường, còn nhân dân sẽ đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống thoát nước, khoảng 2,473 tỷ đồng. Với kinh phí này, UBND xã Xuân Thới Đông dự kiến 16 DN nằm trên tuyến đường này đóng góp 118.625.000 đồng/DN, ba cơ sở kinh doanh (quán ăn, quán cà phê) đóng góp 20 triệu đồng/cơ sở và 103 hộ dân đóng góp 5 triệu đồng/hộ.
“Trong thời điểm DN làm ăn rất khó khăn như hiện nay mà UBND xã “vận động” chúng tôi đóng góp gần 120 triệu đồng là bất hợp lý. Hơn nữa, trong 16 DN, có DN lớn, DN nhỏ nhưng mức đóng góp lại cào bằng. Theo tôi, lẽ ra địa phương phải để DN tự nguyện đóng góp theo khả năng của mình chứ không thể ấn định sẵn số tiền. Chính quyền địa phương cho biết sẽ mời họp tiếp, chẳng lẽ họ định mời họp cho đến khi nào chúng tôi đồng ý hay sao?” - chị K. bức xúc.
Người dân bức xúc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường Xuân Thới 6 bị xuống cấp nhiều năm nay do ngập nước kéo dài, trong đó đoạn bị hư hỏng nặng nhất dài khoảng 200m, bắt đầu từ giao lộ với đường Trần Văn Mười đổ vào trong. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương có giải pháp sửa chữa để đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân, nhưng sau nhiều lần được hứa hẹn thì người dân lại nhận được thông tin UBND xã “vận động” họ đóng góp tiền làm đường.
Theo người dân địa phương, cư dân ở đây đa số là lao động nghèo, muốn đóng góp theo mức trên, họ phải đi vay mượn. Hơn nữa, đã gọi là “vận động” thì nên để dân đóng góp theo khả năng. Một điểm bất công là tuyến đường Xuân Thới 7 ngay sát bên cạnh thì được Nhà nước đầu tư, còn tuyến đường Xuân Thới 6 lại vận động dân
đóng góp.
Liên quan đến việc vận động người dân góp tiền tỷ làm đường theo kiểu ép buộc, ông Nguyễn Huỳnh Sơn Vũ - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thới Đông - cho biết, UBND xã Xuân Thới Đông đã đưa việc xây dựng tuyến đường Xuân Thới 6 vào đề án “Nâng cao chất lượng đường nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” và đang phối hợp với Phòng Quản lý đô thị H.Hóc Môn xây dựng kế hoạch bảo dưỡng tuyến đường này.
“Trong lúc nguồn ngân sách còn hạn chế, nếu chờ dự án thì phải đến năm 2020 nên trước mắt, chúng tôi mới có kế hoạch vận động sửa chữa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chúng tôi mời các DN lên để vận động, nhất trí mới làm, còn không thì sẽ không làm chứ không phải ép” - ông Vũ nói.
Về tổng kinh phí dự kiến làm hệ thống thoát nước lên đến gần 2,5 tỷ đồng, ông Vũ cho rằng, mức dự toán này là do một công ty tư vấn đầu tư thực hiện chứ không phải UBND xã tự “vẽ” ra. “Nếu người dân không đồng ý với mức vận động trên thì chúng tôi sẽ có kiến nghị làm theo đề án chứ không ép buộc” - ông Vũ giải thích.
Cần công khai, minh bạch các khoản “vận động”
Là chủ doanh nghiệp có cơ sở đóng tại xã Xuân Thới Đông, mỗi năm, tôi tiếp không ít đoàn là các ban ngành, đoàn thể của xã đến vận động đóng góp cho địa phương. Với các khoản tiền đóng góp để địa phương chăm lo cho người nghèo, tôi thường nhiệt tình tham gia và đóng góp mỗi lần từ 3 - 5 triệu đồng. Nhưng tôi thấy kỳ lạ là số tiền đóng góp của doanh nghiệp chỉ được ghi vào sổ chứ địa phương không xuất bất cứ hóa đơn hay chứng nhận gì. Thiết nghĩ, các khoản tiền này phải được công khai, minh bạch để tránh tiêu cực và phát sinh nghi ngờ.
Chị N. - chủ một doanh nghiệp ở xã Xuân Thới Đông
|
Sơn Vinh