Chuyện nấu nướng xưa nay vốn thường được coi như một thử thách của người con dâu khi về nhà chồng. Ấy thế nhưng oái ăm thay khi có một anh con rể lại phải vượt qua thử thách này của nhà gái để được rước nàng về dinh.
“Đã làm rể nhà này nhất định phải có lúc vào bếp, bố với các chú nhà cái Hà chả ai không nấu ăn ngon và siêu cả. Đó là điểm cộng cho tình yêu thương và san sẻ công việc với vợ”, anh Hùng (44 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) từng “tái mặt” với lời căn dặn của bố vợ ngay trong lần đầu tiên về nhà gái ra mắt. Thế nhưng bằng tình yêu chân thành của mình, anh đã vượt qua thử thách, dù cho phong độ nấu ăn vẫn còn rất “thất thường” đi nữa, nhưng cách anh nuông chiều người vợ mình đã khiến bố vợ dù khó tính đến mấy cũng phải... gật gù tâm đắc.
|
Vợ chồng anh Hùng và chị Hà vẫn luôn khiến bao người ngưỡng mộ về cách quan tâm, chiều chuộng nhau. |
“Đàn bà vào bếp yêu chồng. Đàn ông yêu vợ chổng mông bắc nồi”
Chị Hà (29 tuổi) – vợ anh Hùng – vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống rất đặc biệt, mỗi khi có ngày giỗ, ngày lễ đều tụ tập ăn uống rất linh đình. “Nhà bố mình đông anh em nên trước giờ cưới hỏi, đám hiếu hay đám giỗ đều là anh em xúm xít làm cỗ. Trong nhà bố, việc bếp núc hầu như toàn đàn ông làm. Mọi người đặt thực phẩm về và tự chế biến. Phụ nữ nhà mình chỉ làm việc vặt như rau củ quả, rửa bát và bày biện đồ ăn thôi. Mình lớn lên trong gia đình với truyền thống như thế nên cũng quen với việc nhìn đàn ông vào bếp lo chuyện cỗ bàn rồi. Tất nhiên phụ nữ trong nhà vẫn biết hết mọi việc nhé, chỉ là đàn ông nấu bếp là chính thôi”.
Vậy nên nhập gia phải tùy tục, anh Hùng từ một người đàn ông không bao giờ đụng tay vào chuyện bếp núc cũng phải... xuống bếp ở nhà vợ. “Chả lẽ mỗi lúc thấy bố và các chú ruột, chú rể, chú họ xắn tay lên nấu nướng mình lại đứng, nên rồi cũng chịu học thôi. Ban đầu là làm quen với việc nhà có việc là dậy sớm, 4-5g sáng sẽ phải dậy bắt dê, làm gà các kiểu. Không biết làm thì bưng mâm, nhặt rau. Sau đó dần dà cũng ngó ngiêng xem các chú nấu và gia giảm. Bữa cơm đầu tay của anh ở nhà vợ theo trí nhớ của mình thì mọi thứ đều mặn và sống, nhưng giờ thì đỡ rồi. Món tủ nay là mì xào, cơm rang, rau xào, thịt bò xào...”.
|
Chuyện anh học nấu ăn, vào bếp nấu nướng cũng là một cách thể hiện yêu thương với chị. |
Và hiện tại, khi trình độ của anh chồng dường như đã lên một nấc mới, chị Hà chia sẻ vui rằng chị hoàn toàn có thể yên tâm ngồi "chém gió facebook", xem tivi, đi chơi về muộn... mà vẫn có cơm để ăn. Việc ngồi trước những mâm cơm chồng nấu luôn khiến chị xúc động và cảm thấy mình được chiều chuộng, yêu thương. Bởi xưa nay chị vẫn luôn khắc ghi câu ca dao: “Đàn bà vào bếp yêu chồng. Đàn ông yêu vợ chổng mông bắc nồi”. Chị cũng tâm sự: “Người chồng hãy nhìn vào bữa cơm vợ nấu, tập chia sẻ với vợ dù chỉ là cắm nồi cơm thôi mọi thứ đều khác rồi”.
Trước câu hỏi rằng những người đàn ông vào bếp có khiến cho họ mất đi giá trị hay vị thế của mình trong nhà hay không, chị Hà cười thích thú trả lời: “Đương nhiên là không rồi! Mình quan sát điều này từ nhỏ qua truyền thống gia đình, thấy việc bố và các chú vào bếp nhiều chỉ thêm tự hào, hãnh diện. Bởi vố và các chú mình vẫn oai phong, uy quyền với mọi chuyện cần có sự quyết định, kể cả trong lời nói. Thế nên chuyện chiều vợ, nịnh vợ hay vào bếp nấu ăn chẳng hề chả liên quan gì đến việc có bị “mất mặt” cả. Nếu có hỏi ai trong gia đình mình về việc đó cũng sẽ nhận được hai từ “bình thường” mà thôi. Mình cũng thích những người đàn ông đủ biết chuyện bếp núc để vợ chồng có những giây phút thú vị hơn bên cạnh nhau trong mỗi bữa cơm chiều”.
|
Anh luôn quan tâm đến chị từ những điều nhỏ nhặt nhất. |
Yêu anh bằng niềm tin, lấy anh bằng tình yêu
Duyên phận gặp gỡ của chị Hà và anh Hùng vốn rất tình cờ. Hồi đó, anh nhắn tin hỏi chị địa chỉ mua tranh thêu cho con gái (anh Hùng từng qua một đời vợ và sống cùng 2 con gái riêng – PV) vì thấy chị có thêu vài bức rất lớn trên mạng. Cũng không hiểu vì sao, ngày gặp anh, chị đang bắt đầu thêu bức tranh ông thần tài, thế là anh nhất quyết bảo chị ngắm anh nên thêu bức tranh đó.
Cứ thế nhắn tin một thời gian rồi anh ngỏ lời hẹn chị đi chơi và yêu nhau. Ở bên anh, chị luôn cảm nhận được sự giản dị, chân thật toát ra từ con người anh. Anh luôn khiến chị thấy bình yên vì những cố gắng mà anh mang lại cho chị, ví như vượt qua giới hạn của bản thân anh, thức từ 7g tối đến 4g sáng để nhắn tin với chị trong ngày đầu tiên yêu nhau.
|
Từ khi yêu nhau, anh đã thể hiện mình là một người đàn ông chân thành, biết quan tâm người khác. |
Những điều gì dù là nhỏ nhặt nhất với chị đều được anh để ý, tận tâm đáp ứng, chăm sóc. Khi yêu nhau, khoảng cách giữa anh và chị là 12km nhưng anh vẫn đều đặn chạy xe đến đưa đón chị đi ăn mỗi ngày, có khi 2-3 lần mà chẳng hề than vãn nửa lời. Chỉ cần chị nói vu vơ thèm món ăn nào đó hay muốn làm điều gì đó, anh sẽ ngay lập tức đáp ứng như một chàng thần đèn cần mẫn của chị, dù cho đôi khi chị còn thậm chí không mong chờ. “Mình nhớ có lần mình nói bâng quơ thèm phở cuốn. Khoảng 10 phút sau thấy anh gọi điện bảo mình xuống lấy đồ. Mình thật sự bất ngờ và xúc động khi thấy anh mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn cười toe đưa hộp phở cuốn cho mình”.
Niềm tin của chị Hà dành cho anh Hùng được góp nhặt từ những điều nhỏ bé như thế ngày qua ngày. Để rồi sau 5 năm yêu nhau, chị càng tin một điều rằng anh xứng đáng là người đàn ông cho chị dựa vào đến cuối đời. Chị muốn cùng anh đắp xây nên một tổ ấm nhỏ hạnh phúc và anh chị đã chính thức về chung một nhà cách đây khoảng 1 năm. “Yêu nhau đến tận 5 năm mà chưa cưới, nên vợ chồng mình hồi đấy cũng bị mọi người giục giã nhiều lắm, có lần bố mẹ mình còn dọa anh rằng sẽ gả mình cho người khác vì tội ăn mòn bát mòn đũa mà không ý kiến cưới xin gì, thế là cưới thôi. Nhưng nói đùa vậy chứ tính mình khá cẩn thận trong tình yêu nên muốn mọi thứ phải thật chắc chắn”.
|
Vì chị, anh cũng chẳng ngại làm những việc bị người khác đánh giá là "mất mặt". |
|
“Mình yêu anh vì niềm tin và lấy anh vì tình yêu”. |
Chị luôn khẳng định một điều rằng “mình yêu anh vì niềm tin và lấy anh vì tình yêu” và anh chưa một lần nào khiến chị thất vọng. Anh luôn làm tròn vai của một người chồng tốt trong mắt chị, luôn dành cho chị những hạnh phúc bất ngờ ngày qua ngày. Chị biết mình luôn được yêu, được chiều chuộng dù chị không ỷ lại mọi việc vào anh: “Bây giờ, chồng mình coi việc giúp đỡ vợ trong việc nhà là quá đỗi bình thường. Hai vợ chồng mình đều thích làm cùng nhau như anh mang quần áo đi giặt, mình đi phơi, hoặc ví như cuối tuần vợ quét nhà chồng lau nhà, vợ lau cửa chồng cọ nhà vệ sinh, bồn tắm... Mỗi chiều mình đi làm về, anh đều đứng đợi trước cửa dắt xe cất”.
Hẳn nhiên, chuyện anh vào bếp cũng thể hiện tình yêu thương rất lớn mà anh dành cho chị. Từ những ngày đầu còn lóng ngóng, vụng về, anh đã nỗ lực nhiều hơn nên nay việc mặc tạp dề bày biện cơm nước đã chẳng còn xa lạ nữa. Niềm tin của chị cũng vì thế mà càng được củng cố hơn qua tháng ngày: “Mình tin anh là chỗ dựa vững chắc cho mình và gia đình. Có rất nhiều điều để nói về anh như một cuốn truyện nhưng kể ra dài lắm. Chỉ biết là mình rất may mắn khi gặp và lấy anh. Một người đàn ông yêu mình thì dù chuyện gì cũng có thể vì mình mà cố gắng, vì mình mà thay đổi theo chiều hướng tốt. Và anh là vậy!”.
Cát Tường