Đàn bà vào bếp giữ chồng

10/04/2016 - 09:00

PNO - Đàn bà vào bếp, đủ tinh tế để giữ chồng. Mà đàn ông thông minh chẳng ai dại từ chối những bữa cơm được nấu với tất cả yêu thương trân trọng.

Hồi bé, tôi rất thích chui vào bếp cùng bà nội. Ban đầu có lẽ vì những món ăn vặt mà bà hay làm cho mỗi khi bà nấu cơm, lúc thì củ khoai vùi, khi thì cái bắp nướng mà lắm lúc chỉ là nắm cơm vét cối muối vừng. Sau rồi cũng chẳng biết vì cái gì mà tôi lại thích cái không gian bé tí, thấp tối và cay nồng mùi khói đó đến vậy. Có lẽ bởi càng ở bên bà trong gian bếp ấy, tôi càng thấy được tình yêu lớn lao của bà dành cho con cháu trong những tỉ mẩn hàng ngày khi nấu ăn.

Bà nội tôi vốn con nhà nông dân một chữ bẻ đôi không biết, ấy vậy mà chẳng hiểu sao nấu ăn lại rất ngon. Món bà nấu cũng chỉ toàn những món chân quê nhưng ai ăn cũng đều tấm tắc bởi cái cách gia giảm nêm nếm rất đậm đà. Sau này các bác, các cậu bên ngoại nhà tôi vẫn thường nhắc những món ăn bà từng đãi mọi người mỗi khi có dịp về chơi.

Dan ba vao bep giu chong
Ảnh minh họa: Internet

Ngày đó còn nghèo, đến cọng rau cũng phải tiết kiệm. Người ta thì cọng non cọng già gì cũng bỏ tất vào nồi, bà tôi thì khác, ngọn non ngắt để riêng, phần già bà tỉ mẩn ngồi tước bỏ không còn chút xơ, đến khi nấu lên ai tinh ý lắm mới biết đó là đĩa rau tiết kiệm bởi lẽ tất cả đều mềm mượt như nhau. Bà chẳng bỏ đi thứ gì vốn dĩ có thể tái sử dụng được. Vỏ hành cất lại lót nồi kho cá, vỏ quýt treo gác bếp đến mùa rươi lấy xuống làm gia vị cho mâm chả nướng thơm lừng, đến hạt thóc nhặt ra từ mẻ gạo nấu cơm cũng được để dành rang cốm...

Bà dạy tôi việc bếp núc cũng tỉ mỉ như cách bà làm vậy. Chẳng lời hoa mỹ, chẳng công thức cẩm nang, bà buộc tôi phải quan sát và ghi nhớ từng chi tiết, từng công đoạn bà tạo nên một món ăn. Cái đứa trẻ con là tôi khi đó, bám bà đấy nhưng cũng ham chơi đấy nên chẳng hiếm những lần rau còn xơ, gạo còn sạn. Có lần tôi cãi cùn, rau nhặt dối đỡ mất công, cùng lắm tí ăn nhả bã, thế là bà mắng…

Tôi nhớ như in câu mắng của bà: “Thế cháu nấu cho ai mà bảo mất công? Đã vào bếp nấu cho người thân của mình ăn thì phải thực tâm. Người ra ngoài làm vất vả, mình ở nhà nấu nướng không được mâm cao cỗ đầy thì canh rau cũng phải tươm tất. Mâm cơm dọn lên có yêu thương trân trọng hay không nhìn vào là biết. Không phải bởi có thịt mới là thương hay chỉ rau đã là ghét, mà chính là thái độ của mình khi nấu món ăn. Sau này cháu lớn, có chồng có con, nếu nấu cho chồng con mình ăn mà gửi cả thương yêu trong đó thì hãy làm, còn không, đừng vào bếp”. Ai có ngờ chỉ một câu nói mà làm thay đổi đời tôi.

Đàn bà vào bếp, được nhiều hơn mất. Trước hết là cho mình. Người ta bảo, tình yêu thông qua cái dạ dày, chẳng sai tí nào. Mà yêu ai cũng không bằng yêu chính mình, thôi thì cứ ráng học lấy vài món, chẳng đợi ai nuông chiều, mình cứ nuông chiều mình trước đi vậy. Những bữa ăn cơm canh nóng hổi do chính tay mình nấu, dù có khi không hấp dẫn như ngoài hàng nhưng chắc chắn sẽ phù hợp nhất bởi không ai hiểu mình như chính mình.

Nuông chiều bản thân bởi những bữa ăn phù hợp chính là để cho mình khỏe đẹp lên, chẳng phải tốt lắm sao? Mà một bữa cơm tươm tất ở nhà có khi còn khiến anh chàng đổ gục nhanh hơn cả công phu trang điểm làm đẹp cả tuần lượn lờ dạo phố ấy chứ. Rồi lấy chồng, rồi sinh con, đàn bà trở nên bận rộn, ít nhiều cũng có những ngại ngần sao lãng căn bếp.

Nhưng đừng quên con đường tình yêu của mình quá lâu đàn bà nhé! Cứ nghĩ đến việc thằng con trai sau này kén vợ mong một người nấu ăn ngon như mẹ hay cô con gái về nhà chồng khoe rằng món này con học từ mẹ, chắc đủ để các bà mẹ gác lại mọi bận rộn, tranh thủ vào bếp nấu những yêu thương.

Đàn bà vào bếp, mà lại còn giỏi việc bếp là một sự tự hào không nhỏ của đàn ông. Ít nhất những người đàn ông xung quanh tôi, từ chồng, cha, bạn bè đến em út, và đại đa số đàn ông Việt Nam dù vợ đẹp vợ khôn cũng chẳng ai muốn đi khoe, nhưng tất thảy đều muốn khoe bữa cơm vợ nấu.

Đàn bà vào bếp, đủ tinh tế để giữ chồng. Mà đàn ông thông minh chẳng ai dại lại từ chối những bữa cơm được nấu với tất cả yêu thương trân trọng. Vợ hiểu chồng hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc, nên đôi khi thêm chút tỏi, bớt chút đường cũng là gửi gắm yêu thương. Thế nên chút hững hờ dù vô tình hay có ý cũng trở nên rất dễ nhận ra, nhẹ nhàng đánh động nhau để chân không lạc bước, là giữ nhau đến mãi muôn đời.

Đan Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI