Đàn bà trên dải đất này

24/10/2020 - 07:54

PNO - Đàn bà, cho dù đang ở đâu trên dải đất hình chữ S này cũng đều kiên cường, mạnh mẽ và giàu tình yêu thương.

 

Ánh mắt tuyệt vọng của một người đàn bà vùng lũ - Ảnh: Hải Long - Soha
Ánh mắt tuyệt vọng của một người đàn bà vùng lũ - Ảnh: Hải Long/Soha

Hình ảnh một phụ nữ trẻ vừa sinh con tròn tháng dỡ mái ngói chui ra khỏi nhà cầu cứu giữa mênh mông nước trong cơn lũ kinh hoàng tại Huế mấy ngày qua được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội như một vệt màu tô điểm thêm hình ảnh đàn bà miền Trung. Những người đàn bà đã đi qua hai trận lũ lịch sử này.

1. Với một người vừa sinh con non tháng, họ mỏng manh như con rắn mới lột da, nhạy cảm vô cùng. Nhưng chị kiên cường bám một tay và tay kia ôm lấy con mình, chờ người đến cứu. Ánh mắt chị quyết tâm và khát khao sự sống đến tận cùng. 

Đàn bà vùng đất ấy, như một điều gì đó tận tiềm thức, nhìn dáng đi tướng ngồi thôi cũng thấy có gì đó vừa cứng cỏi vừa cam chịu. Họ tự dưng vận vào đời những khắc khổ, chịu đựng. Có lẽ vì thế mà bão lũ không thể quật được họ. Họ mong manh nhưng kiên cường đến cùng trước sự hung dữ của con nước.

Đàn bà vùng lũ, khi đi tránh lũ mang theo cả con chó mình nuôi. Với những người đàn bà thôn quê ấy, con chó như bạn tâm giao. Họ có thể để lại ở nhà mọi thứ của cải mình tích góp được bao năm nhưng nhất quyết phải mang theo thứ mà mình trân quý. Một người bạn của tôi kể rằng, khi cả nhà được cứu trợ chở đi sơ tán đến chỗ cao để tập trung, mẹ bạn cương quyết ở lại. Cả nhà ai cũng hiểu lòng bà, vừa tiếc của, vừa thương đám heo gà vừa mới gầy lại chờ tết đến. Sao đành lòng bỏ đi! Bà quyết ở lại, nước đến đâu kê cao đến đó… 

Quay quắt trong rốn lũ Hải Phong (H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) - Ảnh: Nhóm phóng viên
Quay quắt trong rốn lũ Hải Phong (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) - Ảnh: Nhóm phóng viên

Không nhiều nước mắt, không bi lụy nên có người cho rằng, có lẽ đàn bà miền Trung đã quen với cảnh này, với thời tiết khắc nghiệt luôn chực chờ ập xuống. Chính sự khó khăn của dải đất ấy đã tôi luyện nên bản lĩnh của họ.

Nhưng nước mắt đã rơi khi những người đàn bà khắc khổ điển hình của vùng đất đó chạy theo níu một chuyến xe mang thi thể con mình, chồng mình, những người đã nằm xuống trong cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Những ngày bão lũ năm nào cũng nhuốm màu mất mát và chia ly.

2. Hình ảnh truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất những ngày lũ này có lẽ chính là những người đàn bà bỏ chăn ấm nệm êm đi vào tâm bão. Họ từ mọi miền đất nước đã đến, để có thêm những mảnh đời đàn bà được họ giúp, đỡ cơn đói rách khốn khó này. Giữa rất nhiều lựa chọn, những người phụ nữ ấy đã chọn cách sẻ chia. Những ngày này, họ chân mang ủng, người chật chội trong chiếc áo phao, chồng con họ không khỏi thót tim trước biển nước và con thuyền chở họ trở nên bé nhỏ mong manh hơn bao giờ hết… 

Ca sĩ Thủy Tiên - một trong những người phụ nữ bỏ chăn ấm nệm êm để lao vào rốn lũ nhằm sẻ chia với những số phận kém may mắn - Ảnh: Internet
Ca sĩ Thủy Tiên - một trong những người phụ nữ bỏ chăn ấm nệm êm để lao vào rốn lũ nhằm sẻ chia với những số phận kém may mắn - Ảnh: Internet

Khi ngồi viết những dòng này, trong hộp thư của tôi đầy ắp những hình ảnh được các chị gửi về. Họ đang vui vầy đó vội quăng hết mọi thứ, tự mình lái xe băng đi hơn ngàn cây số. “Sốt ruột quá chị không chịu được” - một chị doanh nhân đã chia sẻ như thế khi tôi bày tỏ sự nguy hiểm của một cuộc lái xe đường dài. Và đâu đó trên những nhóm được lập vội trong những ngày lũ, những người phụ nữ vẫn miệt mài nhắn cho nhau địa chỉ tập kết hàng, những cây bánh tét được nấu xuyên đêm, những lọ muối mè được hì hục giã trộn, những tấm áo ấm được xếp gọn gàng tươm tất để người nhận không phải chạnh lòng.

Đàn bà, cho dù đang ở đâu trên dải đất hình chữ S này cũng đều kiên cường, mạnh mẽ và giàu tình yêu thương như vậy đó.

Bà Lê Thị Hoa, ở thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị,  trở về thăm nhà cháu nội bị sập
Bà Lê Thị Hoa, ở thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, trở về thăm nhà cháu nội bị sập

Tạ Tâm

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI