Chào các bạn!
Đã từng vượt qua thời kỳ ở cữ sau sinh nên tôi rất hiểu quãng thời gian sinh con đầu lòng của mình. Tôi cũng hiểu được, quãng thời gian sinh con cũng là thời gian nhạy cảm nhất, nhất là với những chị em mới sinh con lần đầu.
Tôi nghiệm ra rằng, phụ nữ sinh con mà chọn chốn nương thân là nhà chồng, nhà nội của con trong khoảng thời gian ở cữ là quá dại. Bởi vì lựa chọn này sẽ dẫn bạn tới thời gian ở cữ đầy mệt mỏi và vất vả về cả tinh thần và thể xác theo đúng nghĩa đen. Thậm chí nhiều bà mẹ trẻ còn bị trầm cảm mức độ nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào quãng thời gian ở cữ nhà chồng được mẹ chồng, nhà chồng ứng xử ra sao.
Sau khi sinh con đầu lòng tôi cũng bị trầm cảm mức độ nhẹ. Tôi sinh mổ và sau 1 tuần nằm viện thì được xuất viện về nhà chồng. Tuy nhiên, về đến nhà chồng thì bà nội không ngủ với cháu một buổi nào, bà ra ngủ riêng luôn. Ban đêm cháu quấy khóc cũng mặc cháu, mặc con dâu.
|
Làm mẹ, tôi rất hiểu tâm trạng của phụ nữ sau khi sinh. Ảnh minh họa |
Con trai tôi lại hay quấy khóc và khóc dạ đề cho đến tận gần 4 tháng. Vậy nhưng cháu khóc là vậy nhưng bà nội chưa một lần chạy sang bế con giúp. Lý do bà đưa ra chỉ đơn giản là “mày để điện sáng trong phòng quá nên tao không ngủ được”.
Thậm chí, khi con được 2 tháng, bà cũng chưa một lần bế cháu. 2 tháng ở cữ nhà chồng, tôi phải tự tay chăm sóc con vô cùng mệt mỏi và stress. Con có vấn đề sức khỏe nhưng làm mẹ lần đầu, tôi cũng thiếu kinh nghiệm không biết xử lý ra sao.
Chưa kể, ban ngày tôi và mẹ chồng cứ mâu thuẫn trong chuyện chăm sóc con cái. Còn chồng tôi vì đi làm về mệt nên cứ phó mặc chuyện chăm con cho vợ. Nói chung vì phải chịu đựng đủ thứ stress, tinh thần của tôi bị xuống cấp nhanh chóng. Tôi gần như bị trầm cảm ở mức độ nhẹ và muốn hóa điên mỗi đêm về vò vò ôm con trong màn.
Quá sợ hãi bà nội của con, khi con 2 tháng, tôi đã phải quấn gói về nhà bà ngoại dù cho nhà ngoại cách nhà tôi cả 200 km. Về nhà ngoại nương thân trong thời gian này, nhờ sự thoải mái, chăm sóc của bà ngoại, tôi đã lấy lại được tinh thần.
Để rồi tôi nghiệm ra, phụ nữ sinh con chọn chốn nương thân ở cữ nhà nội là quá dại. Ngược lại, dù nhà ngoại xa cũng nên về nhà ngoại là khôn ngoan nhất. Hoặc nếu không có điều kiện về nhà, nên đưa bà ngoại ra chăm sóc cho 2 mẹ con. Bởi đơn giản, bà ngoại sẽ chăm sóc nhiệt tình hơn.
Sau chuyện ở cữ của mình, tôi nhận ra 3 lý do phụ nữ không nên ở cữ nhà chồng là:
Mẹ chồng chăm sóc, không dám nhờ vả thoải mái
Có một điều mà nàng dâu nào cũng phải công nhận, dù có mẹ chồng tốt đến đâu, bạn cũng thấy không thể thoải mái bằng mẹ đẻ mình được. Hay nói đúng ra, khi mẹ chồng không chăm sóc bạn sau sinh chu đáo, bạn cũng chẳng thể ý kiến, nhờ vả bà phải thế này thế khác. Bà quan tâm đến bạn bao nhiêu thì bạn được hưởng bấy nhiêu mà không thể đòi hỏi.
|
Mẹ chồng dù tốt đến đâu cũng không thể nhờ được thoải mái như mẹ ruột |
Nếu có mẹ chồng tốt, chăm sóc cho thời kỳ ở cữ thì tôi không nói làm gì. Nhưng nếu mẹ chồng không tốt, không quan tâm thì chuyện ở cữ nhà chồng chẳng khác nào địa ngục.
Bởi vì thời điểm này, bạn mới sinh con lần đầu, còn trẻ người non dạ chưa có kinh nghiệm thực tiễn, chưa biết đi đứng, ăn uống, tắm giặt, kiêng khem ra sao… Trong khi đó, 1 tháng sau sinh, sức khỏe vô cùng yếu ớt, nên mọi sinh hoạt của bạn phải phụ thuộc người khác.
Nếu phải nhờ vả mẹ chồng bạn cũng thấy ngại. Tuy nhiên tự làm sẽ mệt mỏi, stress và chạnh lòng. Những ấm ức, stress này ngày một tức tụ. Nếu không được tháo bỏ, bạn sẽ rơi vào trầm cảm sau sinh.
Không được chồng tận tình chăm sóc vợ
Với phụ nữ, ngoài mẹ đẻ thì chồng là người vô cùng quan trọng vì sẽ ở bên họ suốt cuộc đời. Nhưng dù có quan tâm, chăm sóc vợ đến đâu, khi ở nhà chồng, chồng sẽ mặc nhiên phó thác và tin tưởng vào mẹ chồng. Vì thế, bạn sẽ ít có cơ hội nhờ cậy, được chồng chăm sóc tận tình.
Thậm chí, có nhiều mẹ chồng còn ngủ cùng con dâu, cùng cháu mà đuổi chồng bạn sang phòng khác. Chồng bạn sẽ không thấy được sự vất vả đêm hôm lọ mọ của vợ sau sinh nên cũng dần thờ ơ, không động viên, chia sẻ cùng vợ cũng như không học được cách chăm sóc con cái sau này.
Tinh thần không thoải mái
Ở cữ nhà chồng, bạn phải chấp nhận tinh thần không được thoải mái. Khi có bất cứ khó khăn nào, bạn cũng không chia sẻ được với người thân để giải tỏa.
Trong khi đó, sau sinh, người mẹ rất cần tinh thần thoải mái và cơ thể khỏe mạnh. Bởi điều này mới có thể giúp bạn vững vàng khi chăm con những ngày đầu sau sinh, và mau chóng lấy lại sức.
|
Nếu phải ở cữ nhà chồng, nên lấy chồng làm điểm tựa. Ảnh minh họa |
Nói tóm lại, vì những lý do cơ bản trên mà theo tôi đàn bà không nên ở cữ nhà nội. Nên khôn ngoan và kiên quyết về nhà ngoại dù có thể quyết định này của bạn không mấy được chồng và nhà chồng ủng hộ.
Trong trường hợp bắt buộc phải ở cữ nhà chồng, bạn nên lấy chồng làm điểm tựa. Vì chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn trong chuyện chăm con mà nếu không “đồng vợ đồng chồng” thì người phụ nữ dễ bị ức chế tinh thần, dẫn đến chứng stress, trầm cảm và kéo theo nguy cơ mất sữa sớm.
Thanh Thư