Đàn bà sao không biết thương nhau

01/12/2020 - 12:35

PNO - Cúng thất ngoại, cậu đưa người đàn bà ấy về trong ánh mắt ngỡ ngàng của họ hàng, anh em con cháu. Thật tình, nhìn cô ấy rúm ró lẻ loi, tôi nghe dậy lên trong mình một nỗi ngậm ngùi.

Ở quê, ngày giỗ tết, ma chay, cưới hỏi dù bây giờ đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn giữ một ít phong tục tập quán từ thời ông bà xưa. Không biết từ bao giờ trong những ngày ấy, tất cả đàn bà con gái túm tụm ở nhà sau, nhà trên nhà trước là chỗ trà nước của cánh đàn ông. 

Đàn bà dù già cả nhiều tuổi cũng ngồi ở nhà sau nhặt rau, xếp bánh trái vào mâm dĩa hay chuyện vãn hỏi thăm nhau, rất ít khi các cụ bà ngồi đằng trước. Còn con gái hay con dâu loay hoay nấu nướng, rửa ráy cả ngày. 

Cũng từ cái xó bếp của ngôi nhà từ đường ấy, sau những cuộc tụ họp gia đình đáng lẽ tình thân gắn kết hơn, thương quý nhau hơn, thì lại có biết bao mỉa mai, lời qua tiếng lại, một thành mười, mười thành trăm, rồi nhẹ thì buồn giận, nặng thì không nhìn mặt nhau, đối với nhau còn tệ hơn với người dưng nước lã.

Cậu tôi là người đào hoa. Mẹ kể, ngày cậu lên đường nhập ngũ, bạn gái đến tiễn đưa gần cả chục. Mà cô nào cũng xinh, cô nào khuôn mặt cũng dàu dàu, ủ ê sướt mướt. Và tất nhiên, cô nào cũng nghĩ mình là người duy nhất trong trái tim cậu.

Rồi cậu lấy mợ. Ngày cưới cậu, tôi vẫn là cô bé tóc Maika nhỏ xíu tung tăng háo hức đi xem cô dâu chú rể. Sau này có lần mẹ nói, trong đám cưới cậu, có người con gái lặng lẽ lau nước mắt. “Đàn ông, nhiều người tài ghê!” - mẹ tôi quay lưng thở dài nói bâng quơ, nhẹ hẫng.

Hồi nhỏ, tôi sợ nhất mỗi trưa hè, bà cố hay mẹ rảnh rỗi bắt nhổ tóc sâu. Cầm hạt lúa kẹp lấy cọng tóc nhỏ xíu loăn xoăn trật lên trật xuống trong khi mấy đứa con gái hàng xóm thập thò ngoài hiên nhà rủ đi nhảy dây, chơi nhà chòi, là một cực hình, nhưng không thấm vào đâu so với việc nghe bà và mẹ nói chuyện.

Ôi người già, có bao nhiêu chuyện nói đi nói lại, toàn là những chuyện “lẩm cẩm”, không hiểu gì. Bà và mẹ hay nói về con gái con đứa “ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Nhổ tóc cho mẹ mà con ngồi xổm, bứt cả cọng tóc đen là sao? Hấp tấp vội vàng sao ra duyên con gái? Rồi bà bảo con “dạ” nghe hết hồn. Tiếng “dạ” phải nhẹ nhàng chứ con, hét vào mặt hóa ra mắng người ta à?

Rồi biết bao nhiêu điều nữa tuôn ra như con đê chắn nước bị vỡ: của thiên trả địa, thánh nhân đãi kẻ khù khờ, lắm mối tối nằm không, người tính không bằng trời tính…

Dạo gần đây, tôi giật mình khi thấy bản thân cứ hay nhớ lại lời bà lời mẹ. Giật mình nhận ra sao có nhiều điều ngày xưa không tin, không quan tâm, khi đã đi qua một đoạn đường đời, có xước da chảy máu, lại thấy đúng đắn như vậy. Giá như mọi người ai nấy đều nghe và hiểu được những gì người đi trước đúc kết bằng cả một đời, thì còn có ai sai lầm, mất mát, tiếc nuối, hay trượt ngã nữa đâu?

Ví như chuyện cậu tôi chẳng hạn. Tôi nghe mẹ và các dì nói rất nhiều lần về việc rồi cậu sẽ chẳng ra làm sao. Đào hoa cho lắm, rồi sẽ bấp bênh một đời. Nhưng tôi đã từng không hiểu mấy. Chúng tôi thấy cậu vui vẻ và hài lòng với bản thân mà. Có lần em trai tôi còn chọc, cậu sướng, nó còn mong được một phần của cậu.

Giờ ngoài 60 tuổi, cậu tôi có gì ngoài tuổi già lênh đênh, nghèo khó, sau một đời chẻ nhỏ trái tim ra thành vô số mảnh?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cậu rời bỏ mợ và các em, lúc ba em tôi chưa đứa nào vào tiểu học. Trượt dài theo những người tình. Có khi nghe cậu ở Cần Thơ, Vĩnh Long, lâu lâu lại nghe cậu ra Bình Phước rồi tận Phú Yên, có khi sang hẳn Campuchia. Các em lớn lên như thế nào, sống ra sao, thậm chí có vợ có con, cậu có lúc về lúc không, ngồi như một người khách không thân.

Họ hàng nhà ngoại tôi đông, ngày cúng thất bà như thế này, cậu đưa về người đàn bà đang ở cùng cậu. Người đàn bà chưa bao giờ được ông bà ngoại tôi mang sính lễ, nắm tay qua bậu cửa, thắp lên bàn thờ gia tiên nén nhang ra mắt, nén nhang thưa một tiếng để người dưng thành ruột rà, thành người của dòng họ.

Ai nấy nhìn cô ấy lom lom, tiếng xì xào nổi lên. Không dưng mọi ánh mắt đổ dồn về mợ tôi - mợ vẫn về để tang bà, vẫn đưa các em về mỗi ngày giỗ tết. Không dưng người ta như ngồi xích vào mợ nhiều hơn - người mà trước đây cũng phong thanh bị điều tiếng không biết giữ chồng, tệ thứ này dở thứ kia.

Có những nếp nghĩ, những niềm vui (nếu có thể gọi đó là niềm vui) từa tựa như sự hả hê trên đời này thì phải? Thấy một ai đó rúm ró, thấy ai đó té ngã, mình nghe vui sướng? Lẽ nào chúng ta chỉ có thể tìm được những niềm vui như vậy trong cuộc sống vốn không thiếu những điều tuyệt vời này?

 

Cuộc đời của ai cũng thế, đâu có dài để trói buộc mình vào những nguồn năng lượng vốn chẳng mang lại điều gì tích cực cho cuộc sống của mình và cho người khác. Nhất là đối với người không làm gì mình, không làm tổn hại đến mình, lại là đàn bà thân cô thế cô, lạ nước lạ cái vì yêu thương mà đến đất khách quê người. Duyên là duyên của họ, tình là tình của họ, sướng khổ buồn vui cũng chỉ có họ là cảm nhận rõ nhất. Nếu có một điều cần làm duy nhất, nên chăng chỉ là thầm mong họ được an vui. 

Sao cũng là thân đàn bà, mà không biết thương nhau? 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI