Đàn bà sao cứ làm khổ nhau?

01/11/2017 - 16:00

PNO - Cô bạn kể, cuộc hôn nhân của bạn có lẽ sẽ đẹp nếu mẹ chồng không khó chịu khi con trai giúp vợ việc nhà.

Ai bảo đàn bà khổ vì đàn ông? Tôi lại thấy đàn bà làm khổ nhau nhiều hơn. Dù vô tình hay hữu ý, lộ liễu hay ngấm ngầm, nhẹ nhàng hay thâm sâu, phụ nữ vẫn thường làm khổ nhau bằng cách này hay cách khác. 

Cô bạn kể, cuộc hôn nhân của bạn có lẽ sẽ đẹp nếu mẹ chồng không khó chịu khi con trai giúp vợ việc nhà. Dạo mới cưới, mỗi lần bà lên chơi, tâm trạng cô nặng nề như đeo đá. Thấy chồng bạn cầm chổi quét nhà là bà giằng lấy, kiểu con dâu không làm thì để cái thân già này làm cho các người vừa lòng. Thấy chồng bạn tự ủi đồ (của mình), bà mặt nặng mày nhẹ, bóng gió kiểu “nhà đâu thiếu đàn bà, sao mấy việc này lại đến tay đàn ông?”.

Dan ba sao cu lam kho nhau?
 


Biết ý, mỗi khi bà lên thăm, vợ chồng bạn nháy nhau nhẫn nhịn, đợi bà về rồi ai lại việc nấy. Được cái chồng bạn tâm lý, khéo nịnh vợ nên bạn đỡ tủi thân. Chợt nghĩ, như bạn đã là may. Nhiều nhà, mẹ chồng con dâu ấm ức nhau đến mức ở xa cho khuất mắt, hoặc đẩy người đàn ông vào cảnh phải chọn giữa mẹ và vợ.

Mẹ chồng là thế, mẹ ruột cũng chẳng để con gái được yên. Mẹ chồng tôi vốn cưng con dâu nhưng lại cực kỳ nghiêm khắc với con gái. Có lần, theo bà đến nhà cô em chồng chơi, gặp lúc con rể bà đang rửa chén, thế là bà xắn tay áo vào giành rửa. Cô em chồng sau đó được bà “giảng” một bài về công dung ngôn hạnh, rằng thì là đàn bà mà cứ sai vặt chồng thế này ra đường thằng chồng khắc đổ về tay đứa nào chịu đội nó lên đầu. Tôi nghe mà nhột vì ở nhà tôi, con trai bà cũng phụ vợ đủ thứ. Cô em chồng vốn chủ trương bình đẳng, cãi: “Mẹ tận tụy với bố cả đời như thế, mẹ có vui sướng hơn không?”. Như chỉ chờ có thế, mẹ chồng nước mắt vắn dài, cay cú khi đứa con gái vô tình nhắc chuyện chồng bà tòm tem hồi trẻ.

Trong công ty, nếu anh nào đó thăng chức thì không sao, nhưng có chị hoặc em gái nào đó được thăng chức là y rằng thiên hạ (chính là đám chị em rỗi hơi nơi công sở) xôn xao. Nếu cô ấy nhan sắc trung bình, ắt hẳn việc thăng chức này là do tạo hóa công bằng cho cô ấy năng lực hơn người để bù đắp phần nhan sắc bị khiếm khuyết. Nhưng nếu cô ấy xinh đẹp, chắc chắn việc thăng tiến là do sự chiếu cố đặc biệt của sếp chứ năng lực làng nhàng như cô ấy dễ gì tiến thân. Họ, những phụ nữ mang sẵn trong mình thói đố kỵ, chẳng bao giờ công nhận khả năng của một phụ nữ khác, nhất là khi người ấy đẹp hơn, giỏi hơn, hạnh phúc đủ đầy hơn.

Thử lướt qua các bài báo về một cuộc tình tay ba nào đó, đa số phần bình luận thuộc về các chị em nhà mình chứ chẳng ai khác. Chẳng cần biết đúng - sai, phải - trái, các mẹ, các thím cứ nhảy vào phán xét như thể đúng rồi, cứ như mình là người trong cuộc dù có ai biết rõ ất giáp thế nào đâu. Mà đàn bà, dù đang có cuộc sống viên mãn hay bất hạnh, khi lao vào cuộc “đấu tố” những kẻ thứ ba kiểu này đều hung hãn, đanh đá, cay độc như nhau.

Dan ba sao cu lam kho nhau?
Ảnh minh họa

Bao nhiêu phụ nữ từng khóc hận vì bị một ả đàn bà khác cướp chồng? Thậm chí, chưa đến nỗi mất chồng về tay ai khác, một cô bạn tôi cũng từng mất ăn mất ngủ vì anh chồng đào hoa. Chỉ cần thấy anh dịu dàng, ga-lăng với một phụ nữ khác, dù chỉ là xã giao thường tình, cô nàng vẫn nhấp nhổm không yên. Chàng trả lời điện thoại, cô cũng phải truy vấn cho rõ lai lịch người gọi, rồi kiểm tra lịch sử cuộc gọi, tin nhắn trên máy chồng, dù tội của anh (nếu có) chỉ là quá ngọt ngào, dẻo miệng. Tất tần tật phụ nữ quanh anh chồng đều bị xếp vào nhóm “tình nghi” khiến nàng chẳng thể an nhiên tận hưởng cuộc sống.

Không phải tự dưng mà người ta gọi ông nào đó có tính… đàn bà để chỉ thói nhỏ nhen thường tình của cánh chị em. Tôi không nghĩ rằng khi hạ người khác xuống, vị thế của họ sẽ được nâng lên, nhưng chắc chắn một điều, nói kiểu cư dân mạng, thói “GATO” (ghen ăn tức ở) của những phụ nữ này sẽ phần nào được xoa dịu, hả hê khi họ “dìm hàng” một phụ nữ khác.

Chợt liên tưởng đến những con cua, nếu chỉ có một con, nó có thể bò ra khỏi chiếc giỏ dễ dàng nhưng nếu từ hai con trở lên, thế nào con này cũng kéo con kia để rồi cả đám cùng rơi tõm xuống. Đàn bà làm khổ nhau chi vậy, để rồi giống… những con cua? 

Cái tâm lý đàn bà nhỏ mọn cứ khiến bà đành hanh, khó chịu khi thấy thằng con mình chăm bẵm, nâng niu ngày nào giờ lại phải cúc cung phục vụ con gái “người dưng”, hay tại bà thấy con dâu ngày nay có chồng đỡ đần lại chạnh nhớ thời làm dâu khổ ải của mình nên muốn “bọn nó” cũng phải nếm mùi khổ ải?  

Đỗ Thu Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI