Đàn bà sao cứ hà khắc, cay nghiệt với nhau

04/11/2019 - 09:33

PNO - Chẳng phải họ tàn nhẫn cố ý chi đâu, mà lắm khi chỉ là thói quen, là định kiến đã ăn sâu trong tiềm thức. Bởi từ nhỏ, họ đã thấy bà, thấy mẹ, thấy dì, thấy cô của mình hà khắc với người cùng phái.

“Có một tai nạn giao thông thảm khốc hồi sớm nay. Cả chục người trên xe đi rước dâu bị chết...” - đồng nghiệp thông báo sau khi lướt qua báo mạng, kiểu như “điểm tin” cho cả phòng biết. Dăm tiếng thở dài, vài câu tội nghiệp vang lên. Ai đó buông lời: “Vậy là cô dâu đó có tướng sát phu. Chưa cưới mà chồng đã bị thiệt mạng, lại còn liên lụy thêm nhiều người khác nữa. Đúng là xui rủi cho gia đình chú rể!”.

Dan ba sao cu ha khac, cay nghiet voi nhau
Ảnh minh hoạ

Là giọng của một chị không còn quá trẻ để phát ngôn bồng bột. Chẳng quá ngạc nhiên, khi liền sau đó là vài người cũng lên tiếng đồng tình. Đúng rồi. Chuẩn. Nói không phải mê tín chứ có cô trời sinh ra đã có sẵn cái tướng hại chồng, hại con. Họ không cố tình, mà đó là số phận, đành chịu. Chỉ khổ cho mấy người không may bị vướng đời vào mẫu đàn bà đó…

Câu chuyện cứ vậy râm ran, xoay quanh “thế là cô kia mang tiếng một đời chồng” hay “chưa cưới mà đã thế, chứng tỏ mệnh sát phu của cô đó mạnh lắm”. Tiếp theo là dự đoán “sau này chắc cũng không ai dám tiến tới”.

Chẳng thấy ai thử xót thương đặt mình vào vị trí của một cô gái trẻ, chuẩn bị kết hôn, ngày vui trọng đại đã định, dưng không mà tan tác hết. Lại còn phải nhận thêm sự phán xét khắc nghiệt của người đời, về một điều không hề do lỗi lầm hay thật sự thuộc về cô ấy: cái số sát phu lạ kỳ!

Hẳn đây không phải lần đầu bạn nghe người ta hồn nhiên lẫn mạnh mẽ kết tội một người phụ nữ, vì những điều chưa chắc gì đã liên quan tới cô ấy. Mà khái niệm “người ta” kia, đa phần là cánh đàn bà soi ngó lẫn nhau.

Bỗng nhiên tôi nhớ lần cơ quan đi du lịch. Hẹn đúng 6g tập trung nhưng cả xe phải ngồi chờ chị A. tới trễ. Đám đàn bà nhao lên mát mẻ khi A. khép nép bước lên, luôn miệng xin lỗi và phân bua: “Con bé nó quấy quá, phải cố lắm mới rứt ra được”. “Vậy sao không ở nhà luôn đi! Gớm, làm ảnh hưởng tới người khác. Cứ như VIP ấy, bắt thiên hạ phải đợi…”, một giọng làu bàu cất lên.

Xe chuẩn bị lăn bánh thì phát hiện anh B. chưa đến. Gọi điện thì biết anh ấy ngủ quên, giờ còn đang… cạo râu. Nhà B. sát bên công ty nhưng gần 7g anh mới có mặt. Thế nhưng cánh phụ nữ chỉ hài hước mấy câu trêu ghẹo, rồi thôi. Tuyệt chẳng thấy hằn học xỉa xói như từng đối xử với chị A. trước đó...

Dan ba sao cu ha khac, cay nghiet voi nhau
Ảnh minh họa

Chẳng phải họ tàn nhẫn độc ác cố ý chi đâu, mà lắm khi chỉ là thói quen, là định kiến đã ăn sâu trong tiềm thức rồi. Tại sao ư? Bởi từ nhỏ, họ đã thấy bà, thấy mẹ, thấy dì, thấy cô của mình hà khắc trong từng nhận xét với người cùng phái. Họ đã nhận sự bất công và thành kiến đương nhiên kia từ thuở còn là một bé gái ngây thơ.

Ai nấy đều lấy làm bình thường về sự “tinh thông” lẫn quyền phán xét của bản thân dành cho người đàn bà khác. Nên khi trưởng thành, họ cũng đi theo lối mòn của lề thói xã hội xưa cũ nhiều nghiệt ngã: coi phụ nữ là nguyên nhân của sự xui xẻo, của những mất mát khổ sở không hẳn do người đó gây ra. 

Kiểu như “ra ngõ gặp gái” thì hỏng luôn cả ngày. Hay ví như một cuộc hôn nhân chưa kịp thành đã chia lìa, bởi cô dâu hụt phát hiện chồng chưa cưới trăng hoa, hay bà mẹ chồng tương lai một hai đòi cô gái phải ở nhà nội trợ chẳng hạn. Thì cô gái cũng phải gánh điều tiếng “một lần đò”, phải biết khôn mà tự giác trả lại lễ vật, nếu như không muốn mang thêm thị phi là “tham lam”. Cái duyên của cô gái trẻ, vì một chuyện dở hơi như thế cũng bị ảnh hưởng.

Vô lý thế, nhưng chẳng mấy ai nhìn kỹ vào nguyên nhân để tự biết kiềm chế sự ác cảm bỗng dưng của mình. Họ thản nhiên cho bao lời vô tư như dao kiếm kia bung xòe, xỉa vào tim những người đàn bà tội nghiệp lỡ gặp phải trái ngang hay nghịch cảnh cuộc đời…

Mà phần nhiều toàn là đàn bà con gái với nhau, mới buồn…

Lưu Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI