Đám bạn gái nhìn T., vừa chê trách vừa ghen tị: “Con đấy đúng là loại phù phiếm ích kỷ rong chơi, thế mà chồng nó cũng chịu được!”. Công nhận T. rong chơi, cô bận bịu gì không ai biết, hoặc cô cố tình giấu nhẹm chuyện mình cũng làm lụng vất vả, nhưng người ta luôn thấy cô ngồi thảnh thơi cà phê với bạn gái, váy áo là lượt, đi du lịch khắp nơi với mọi nhóm bạn.
|
Những thứ chúng ta rất ác cảm và ấn tượng xấu như sự “đòi hỏi”, “ích kỷ” - có khi lại là một phẩm chất cần có để người đàn bà đỡ bị tổn thương. |
Thường đám phụ nữ con mọn cuối ngày về đến nhà sẽ tối mắt tối mũi với cơm nước lợn gà, tắm con bé, dạy con lớn. T. thì khác, cô chẳng bỏ sót buổi nghe nhạc hay xem kịch nào, thậm chí luôn sẵn sàng đi với bạn bè buổi tối đến một quán bar nào đấy, hớn hở gặp người nọ người kia. Và dù lúc nào hay ở đâu, T. cũng thơm tho tươi roi rói, an nhàn và tự do như một phụ nữ không vướng bận.
Điều kỳ lạ là con T. vẫn sạch sẽ, vui vẻ, rõ là những đứa trẻ hạnh phúc vì được chăm sóc kỹ. Chồng T. không những “cũng chịu được” cô vợ rong chơi, mà còn yêu chiều T. đến phát phiền. Bố mẹ chồng T. thì cưng cô như trứng mỏng, nếu biết buổi tối cô phải đi, bà sẽ nấu cơm thật sớm, và lo hết đám cháu “cho mẹ nó yên tâm”.
Bảo T. có “số hưởng”, cô cười: “Chẳng có số nào đâu, do mình hết. Đối xử của những người sống chung là một thói quen do mình tạo ra cho họ. Các chị để người thân có thói quen không chia sẻ trách nhiệm gia đình, không tôn trọng niềm vui riêng tư của các chị, không thấy việc các chị được ăn diện và rong chơi là quyền đương nhiên. Các chị chỉ tập thói quen phải ôm đồm gánh vác việc nhà, là mẹ là vợ phải hy sinh chịu đựng, chuyện chăm dạy con luôn là trách nhiệm của đàn bà. Vậy chính các chị làm “hư” người thân đó thôi…”.
T. điều hành gia đình theo quan điểm cả nhà đều vui. Chiều chuộng được mọi người điều gì, cô sẽ chiều hết, không càu nhàu, không nhăn nhó, không bắt buộc người khác phải theo kỷ luật và nguyên tắc của mình. Miễn là để cho cô yên thân với nếp sống của cô. “Cuối cùng chính ông bà và bố nó cũng hạnh phúc khi góp sức chăm sóc bọn trẻ, vậy sao em lại phải ôm hết vào mình?”, T. nói.
Có lần đang đi chơi với T., thấy cô gọi về nhà hỏi thăm mẹ. Mẹ T. bảo bà đang bận đi làm móng tay, vì tối nay nhà có mở tiệc đón các bạn gái của bà. T. ngoác miệng cười: “Bố con có phải di tản để các bà quậy với nhau không?”.
Tôi nghe tiếng mẹ T. cười trong điện thoại: “Ông ấy quen rồi mà”. T. kể về mẹ, không giấu giếm tự hào: “Điều quan trọng nhất mẹ dạy em là cách để là một người đàn bà biết yêu bản thân. Thử nghĩ xem, hàng chục năm trước, một người phụ nữ ở vùng miền núi hẻo lánh như mẹ em đã rất chu tất với chính mình. Ra khỏi nhà mẹ em luôn trang điểm và quần áo tươm tất nhất có thể, bà ấy đi guốc quai hoa, tóc uốn, móng tay sơn sửa cẩn thận.
Và khi mẹ em đứng trong căn bếp thì như một nữ hoàng đứng trong vương quốc của bà, với nồi chảo sạch bóng, lọ hoa trên bàn, các món ăn thơm phức. Mẹ em đầy ắp hân hoan đến mức chỉ chạy quanh mẹ mà bố con em đã thấy cuộc sống của mình đủ tiệc tùng. Mẹ rất yêu bố nhưng không phụ thuộc vào ông ấy.
Mẹ là bà nội trợ vô cùng đảm khéo, nhưng căn bếp chỉ là một phần trong muôn vàn niềm vui của bà. Và bà có cách thu xếp đầy ngọt ngào để người thân phải tôn trọng các niềm vui khác của bà - nơi mà gia đình không có mặt...”.
Chuyện của T. khiến mình nghĩ ngợi về việc dạy con gái. Hóa ra kỹ năng nội trợ, thu vén, tính chịu đựng và trách nhiệm - những thứ “căn bản” mà mọi bà mẹ vẫn dạy con gái, hình như là chưa đủ (và chưa hẳn đã đúng) để đào luyện cho đứa trẻ lớn lên trở thành một phụ nữ hạnh phúc.
Những thứ chúng ta rất ác cảm và ấn tượng xấu khi nói về chúng như sự “đòi hỏi”, “ích kỷ” - có khi lại là một phẩm chất cần có để người đàn bà đỡ bị tổn thương. Đòi hỏi để yêu cầu người khác tôn trọng các mong muốn của mình, không xâm phạm các quyền chính đáng của mình. Ích kỷ để biết nâng niu bản thân, để mình nhất định phải có một cuộc đời hạnh phúc và nhẹ nhõm.
Sống một cuộc đời theo cách mình muốn thực sự rất khó, vì đa phần chúng ta bị chi phối bởi những mong muốn - phán xét - định kiến từ người khác. Khi những thứ từ bên ngoài được tôn trọng hơn chính phần lõi và ao ước thật sự của chúng ta, đó là khi chúng ta tự dã man với chính cuộc đời mình.
Và ngày hôm nay, tôi đã kìm lại câu dạy bảo: “con phải biết nghĩ đến người khác chứ!”, để thủ thỉ cùng con “hãy nghĩ đến chính mình trước, điều gì khiến con dễ chịu?”...
Quỳnh Hương