Tên chị là một loài hoa rừng: Lâm Quỳnh, vì như lời cha chị nói, con là nữ, phải biết nhu mì, hiền dịu như hoa quỳnh trong đêm nhưng cũng phải mạnh mẽ, kiên cường như rễ cây vốn cắm sâu vào lòng đất. Đã qua tuổi ba lăm, chị đủ tự tin khi nói với lòng mình: tôi đã sống thế, đang sống thế và sẽ luôn như lời ước nguyện của cha
Trở thành vợ, làm mẹ sau hai năm tốt nghiệp ra trường, chị lấy chồng. Họ đến với nhau đúng nghĩa là yêu vì không có sự tính toán, suy xét thiệt hơn. Cứ tưởng rằng tình yêu đủ lớn để họ cùng nhau vượt qua những khó khăn khi tay trắng lập thân, nhưng cú sốc đầu tiên lại ùa tới khi anh quản lý chi li về tiền bạc.
Cứ giữa tháng, cuối tháng chị phải báo cáo thu chi. Thừa thì không sao nhưng thiếu thì anh truy ra đầu đuôi cho bằng được, dù lúc đó chị chỉ muốn vùi ngủ một giấc căng đầy. Vậy là đêm đó, chị phải lấy giấy bút ra, kê cho anh mua cái gì, sắm cái gì, thăm ai ốm ai đau. Khi đã được sáng tỏ, anh yên tâm lên giường, còn chị thẫn thờ vì không thể tin người mà mình đã từng biết là ga lăng, hào phóng giờ lại thành ra như vậy.
Kế tiếp là sự xét nét của anh về cách chị đi đứng nói năng. Vợ chồng chứ có phải ai xa lạ đâu mà nói ngang ngang hay trêu đùa nhau chút thì anh bảo “đừng giỡn mặt”. Cú đánh phủ đầu làm chị chưng hửng, thấy mình trở nên vô duyên và lạc lõng với người đã từng yêu.
Tết chị háo hức về quê, anh lầm lì “chưa biết”. Đâu rồi người đàn ông thưở còn yêu, hễ lễ tết là hối người yêu về để lẽo đẽo theo cùng. Dần dà, tết trong chị cũng lưng chừng, về hay không “còn phụ thuộc”. Cha mẹ chị rồi cũng hiểu, chẳng dám hỏi, “sợ con nó buồn”.
Từ một người tràn đầy nhiệt huyết, vui tươi, chị trở nên lẳng lặng, ít nói ngay trong chính ngôi nhà của mình. Giá mà có đứa con thì hay biết mấy, ít nhất là để chị được vui được bận rộn cho những điều ý nghĩa! Vậy nhưng, một năm, hai năm mỏi mòn vẫn chưa thấy. Chị đọc được sự căng thẳng và hồ nghi trên mặt mẹ anh, bởi thỉnh thoảng vẫn có những kiểu câu bóng gió “chắc nhà này vô phước” hay “đàn bà không có con còn gì đàn bà”. Bữa cơm gia đình ngày càng nặng nề khi ngồi vào bàn mà chẳng ai nói chuyện nửa lời. Cố gắng tìm một lời động viên từ chồng thì anh lại vô tâm dán mắt ti vi.
|
Ảnh minh họa |
Đã nhiều lần muốn thoát ra địa ngục trần gian ấy, nơi mà chị không có được sự tự do với tất cả mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần, nơi mà chị chẳng muốn về sau giờ tan sở. Nhưng đi đâu, về đâu khi phía sau chị là danh dự, nỗi lo lắng của cha mẹ. Mất phương hướng, lạc lõng, cô đơn, buồn tủi và bị quản thúc là tất cả những gì mà chị có lúc này. Chị cắn răng chịu đựng, sự héo mòn ngày một bủa vây.
Nhưng trời không phụ lòng người, một sinh linh đã âm thầm bám chặt vào cơ thể chị. “Tôi đã có con”, chị muốn hét lên cho cả thể giới biết đặc ân mà tạo hóa ban cho mình. Chín tháng mười ngày rồi cũng tới, chị vỡ òa khi được bế thằng con trai kháu khỉnh trên tay.
Nhưng niềm vui rồi cũng qua mau, lại những trách móc, chê bai, soi mói của mẹ chồng về cách chăm bẵm con khiến chị như muốn hóa điên trong những ngày còn yếu ớt này. Nhưng rồi nhìn con ê a trò chuyện, nhìn con cười con lẫy con bò, chị bỗng như tiếp thêm nguồn sức mạnh. Chị không thể cứ mãi bám víu vào cảm xúc của người khác để sống.
Chị quyết tâm thay đổi. Chị gởi con đi làm lại, chị bất chấp cực nhọc nhận thêm việc về nhà. Tối con ngủ, chị lại làm thêm. Chị tập trung toàn lực vào con, vào công việc. Tất cả như ngốn đi tất cả những phiền buồn trong chị, chị tập bỏ ngoài tai tất cả. Anh bắt bẻ, chấp trách điều gì, chị chẳng còn để tâm. Ai buồn hay vui, ngày xưa chị thường nhìn mặt để sống, nay chị chẳng buồn nghĩ.
“Quỹ đen” là điều mà trước đây chị chưa từng nghĩ nhưng bây giờ đã thành hiện thực. Chị tự thu vén cho mình, cho con. Chị cũng chẳng còn quan tâm anh đưa nhiều hay ít, chẳng phải xin phép hay báo cáo tài chính như trước đây. Mặc anh có “nóng mặt” hay kêu bữa ăn hôm nay thiếu ớt, chị chẳng còn hốt hoảng đi mua mà chỉ cười “em quên, anh ăn tạm”.
|
Ảnh minh họa |
Cứ thế, ngày tháng trôi qua, con cũng đã lớn, chị cũng vững vàng hơn rất nhiều. Chị vẫn làm tròn mọi bổn phận, vẫn chân thành, lễ độ với anh và cha mẹ chồng, nhưng chị không còn để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến mình. Tết năm rồi, chị hoàn tất mọi việc rồi thì thưa chào để về thăm cha mẹ. Tết năm nay chị cũng định như vậy, dù ai có muốn về cùng hay không chị cũng không còn buồn. Vẫn là vợ của anh, nhưng chị đã khác người vợ "biết vâng lời" ngày xưa lắm rồi.
Sau tất cả chị nhận ra, phụ nữ muốn tự chủ, muốn yêu bản thân mình, muốn hạnh phúc cho bản thân, nhất định phải tự mình làm ra tiền. Sự tự tin sẽ quyết định tất cả.
Ngẫm lại, chị cảm ơn cuộc đời đã cho mình những trải nghiệm để thấy mình phải cứng cỏi lúc nào. Đối đầu với khó khăn không đồng nghĩa là đầu hàng số phận. Sống với lũ nhưng đừng để lũ cuốn trôi, mà phải lựa chiều nước chảy để sinh tồn.
Đừng oán trách số phận hay người xung quanh mà luôn tự phấn đấu cho bản thân mình. Hãy yêu và tôn trọng chính mình. Hơn bao giờ hết, chị thấy mình hôm nay đã biết sống ích kỷ. Ích kỷ vì đã yêu bản thân mình nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào. Nhưng thế lại hay, chị thấy mình hạnh phúc.
Lâm Hoàng