Đàn bà luôn “sáng” trong bếp

14/03/2022 - 05:11

PNO - Ngay cả khi đàn bà vô lý trong căn bếp của họ, đàn ông chỉ nên góp ý nhẹ nhàng, bởi vì đàn bà có quyền vui với những điều người khác thấy vô lý.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Hãy tin vào những cái lý của đàn bà trong căn bếp của họ (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Sau hai tháng thi công, ngôi nhà một trệt một lầu của tôi vào công đoạn cuối: đóng các loại tủ, kệ, từ kệ sách, kệ úp bát đĩa, kệ nhà tắm, tủ bếp... 

Thợ làm việc dưới sự điều hành của chồng tôi, tới khi tôi đi công việc về thì hỡi ôi mọi thứ treo thấp lè tè. Tủ bếp và bếp nấu ăn cao cách nhau chưa đầy hai gang tay. Nhà bếp vốn đã chật, đóng tủ bếp như thế, thấy càng chật và rất tức mắt. 

Kệ úp chén cũng thấp tè, trông rất bực bội. Hai kệ inox trên hai phòng tắm, nhìn rất mất mỹ quan, bước vào là muốn ra ngay. Rất may thợ chưa xong việc, vẫn đang còn ngắm nghía để chuẩn bị đóng khung gỗ đặt bộ thiết bị wifi treo tường. Tôi đề nghị tháo tất cả kệ, tủ ra trước sự ngỡ ngàng của chồng. 

Xưa nay mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do anh quyết định, đôi khi thông qua tôi cho có phép lịch sự, bởi nếu tôi bàn ra thì anh vẫn quyết, ngay cả chuyện nhỏ nhặt, vì anh luôn cho mình đúng, và biết vợ dễ tính. Bếp núc không phải chuyện nhỏ nhặt, nhưng tôi là người “bám bếp”, nên quyết định lần này là của tôi. Nhìn mấy cái kệ thấp lè tè kia, tôi chẳng còn ham nấu ăn. Chồng giải thích là vì vợ lùn, anh muốn kê vừa tầm vợ, chớ chuyện bếp núc, ảnh không... dại mà giành. 

“Đánh” vào hai chữ vợ lùn thì không vấn đề gì với tôi, vì tôi... lùn thật, nhưng tự vào “thánh địa” gây phật lòng bà chủ, thì đừng hòng yên. “Gỡ hết ra!”, tôi yêu cầu và đứng bên cạnh thợ để đưa ra kích cỡ.  

Có những thứ, những điều, những lúc rất cần sự vừa vặn, tiện lợi, nhưng phải cân đối, hài hòa thì tất cả mới tròn trịa. Mấy cái kệ sau khi được gỡ ra treo lại, tuy có chút bất tiện vì phải nhón chân mỗi khi cần lấy đồ vật gì, nhưng phải nói là rất dễ nhìn, đẹp mắt. 

Tôi không muốn chồng “phá hỏng” ngôi nhà bằng những cái kệ lè tè. Chuyện này, đã có sự tranh cãi chớp nhoáng. Nếu tôi chọn tính thẩm mỹ, thì chồng chọn sự tiện lợi. Với anh, trong trường hợp này, tiện lợi mới quan trọng, thẩm mỹ mà bất tiện thì cũng như không. Nói qua nói lại mấy câu, có vẻ như chồng tôi lần này chịu nhượng bộ vợ.

Tôi nghĩ, chuyện bếp núc, nếu muốn cơm canh hằng ngày ngon ngọt hơn, một khi đàn bà đề nghị, đàn ông nên nghe lời. Thật ra, giữa chúng tôi chưa có sự thống nhất ngay từ đầu, vì sáng nay tôi bận phải rời nhà sớm, và nhất là chồng lúc nào cũng cho tôi... lùn. Đàn ông nên biết “Có những lúc cần đưa vợ lên cao. Vợ dẫu lùn cũng khối kẻ... ngước nhìn”. Với tôi, chuyện tủ, kệ, nếu đóng cao xử lý rất dễ: có thể bắc ghế, hoặc nhờ chồng con lấy hộ. Cái gì ít xài thì để ngăn trên, xài thường xuyên thì để ngăn dưới, nhưng nhất định phải đẹp mắt mới được, xấu là tôi không chịu.

Sau khi hoàn thành công đoạn gắn tủ, kệ, ngôi nhà tôi trở nên sáng sủa hơn hẳn. Cuối cùng chồng tôi cũng thừa nhận vợ có lý. Tôi nói với chồng, ngay cả khi đàn bà vô lý trong căn bếp của họ, đàn ông chỉ nên góp ý nhẹ nhàng, bởi vì đàn bà có quyền vui với những điều người khác thấy vô lý. Hơn nữa, đàn bà tiếp thu ý kiến hay không còn tùy thuộc vào thái độ của đàn ông. 

Ngày tân gia nhà tôi, bạn bè nhận xét bếp tuy không rộng nhưng là khu vực đẹp nhất. Tôi không chủ quan khi nói với chồng, bếp đẹp nhờ sự để mắt của vợ trong lúc thợ xây cất. Thiết kế gian bếp là thiết kế sự yêu thương. Từ việc chọn màu đá ốp, chọn màu tủ bếp sao cho hài hòa với màu sơn tường. Rồi thì tủ lạnh đặt đâu cho hợp lý, vừa tận dụng không gian vừa dễ nhìn. Hãy tin rằng, đàn bà luôn “sáng” trong bếp. Bản thân tôi luôn coi trọng bếp núc, vì đây là khu vực tôi bầu bạn với xoong chảo, ly chén hằng ngày, nơi tôi thể hiện quyền năng đàn bà, tình yêu thương dành cho bản thân và người thân. 

Ái Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI