Đàn bà lèo lái gia đình

01/06/2021 - 11:34

PNO - Mỗi người phụ nữ, bằng bản năng yêu thương và lòng nhiệt thành bằng sự mềm dẻo trời sinh hay được rèn luyện, các chị hãy lập tức “ra mặt”, trở thành nội tướng sáng suốt, đưa con thuyền gia đình vượt bão.

Nếu tỉnh táo và mềm dẻo, mỗi chị em đều có thể trở thành “tay lái lụa” giúp con thuyền gia đình ngoạn mục vượt sóng gió mùa dịch.

Biến thách thức thành cơ hội

Tôi khó mà nhận ra bạn trên Facebook nếu không đọc kỹ dòng viết: “Vì lệnh cấm tụ tập quá mười người nên thời gian tới quán kem Bon Bon tạm thời đóng cửa. Vợ chồng mình sẽ ship hàng trên mọi nẻo đường. Vẫn là hương kem bơ béo ngọt mát lạnh thần sầu. Xin mời, nào xin mời”. 

Đính kèm dòng chữ là khuôn mặt bạn đang bịt khẩu trang kín mít, hình ảnh thùng kem di động màu xanh lá mát mắt cùng số điện thoại in nổi bật. Vậy là, lại thêm một người bạn chuyển đổi mô hình làm ăn. Mùa dịch mà, hễ còn khe cửa nào kiếm được tiền trang trải thì mọi người đều cố mà “lách”. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

“Biến thách thức thành cơ hội”, câu này rất đúng khi nói về những người phụ nữ mùa dịch. Chính họ đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để cầm cự, dần dần tìm lối “thoát hiểm“ cho gia đình.

Chị Hồng ở khu tôi sống vốn có cửa hàng kinh doanh quần áo đắt khách. Khách năng lui tới chỗ chị vì nhiều lẽ. Ngoài giá mềm, hàng đẹp, với nghề may “thủ sẵn”, nên  sản phẩm rộng chật thế nào, chị sẽ điều chỉnh ngay cho khách. Chị Hồng không phải người gốc thành phố. Chị từ quê lên, nhiều năm nay, chị thuê căn nhà 20m2 đầu hẻm rồi chia đôi, một nửa để ở, một nửa tạo chỗ làm ăn, một nách nuôi hai con gái ăn học.

Khoảng tháng Tư năm nay, dịch COVID-19 lần nữa bùng phát, phần vì hàng hóa không thể nhập từ nước ngoài, phần vì khách hàng thắt chặt mua sắm, việc kinh doanh của chị giảm sút nghiêm trọng. Sức ép chi tiêu mỗi ngày càng nặng thêm. Ba mẹ con chị ra thẫn vào thờ, vô cùng lo lắng.

Thế rồi, trong cái khó ló cái khôn, sau câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt của cô con gái: “Thời này nhà nhà người người bán khẩu trang”, chị nảy ra ý định làm ăn mới. Chị cũng bán khẩu trang, nhưng không phải là khẩu trang y tế mà là khẩu trang vải được thiết kế đẹp.

Nghĩ là làm. Sẵn nghề may và vốn am hiểu về các loại vải vóc, chị bắt tay vào may đo hàng trăm chiếc khẩu trang bền đẹp, xinh xắn. Sau khi hoàn thành  công đoạn sản xuất, chị mạnh dạn chạy xe máy chở hàng đến các khu chợ gần nhà, các tiệm tạp hóa ký gửi, giới thiệu sản phẩm.

Hai cô con gái thấy mẹ tất tả, cũng tìm cách len lỏi vào các hội nhóm online giúp mẹ quảng cáo và bán hàng.

Cái kết thật bất ngờ. Bây giờ, chị Hồng bán khẩu trang, hai con chị vừa học, vừa kết hợp với bạn lập quầy kinh doanh trực tuyến các sản phẩm túi xách và phụ kiện được tái chế từ áo quần cũ và các vật liệu bỏ đi. Con đưa ra ý tưởng, mẹ phụ trách phần gia công, ba mẹ con đồng hành mở ra những cánh cửa mới trong mùa dịch.  

Quyền năng của chị em

Giữa tâm dịch, không cần phải nói thì ai cũng hiểu những dồn nén, căng thẳng dưới mỗi mái nhà. Vậy nên lúc chồng cáu, con quấy, mỗi chị em không thể làm que kem ngọt lịm thì cũng hãy cố làm ca nước đá mát lành, giúp “hạ nhiệt” mọi bức xúc. Các chị đừng là người đổ thêm dầu vào lửa, đừng là người làm giọt nước tràn ly.  

Cùng cảnh con nhỏ, tôi rất nể cô bạn tên Quỳnh. Khi mọi người đều đăng đàn kêu van, ca thán. Người thì bảo sắp thành phù thủy cưỡi chổi vì chồng bừa bộn, con lười ăn. Người thì bảo tuy nhà không có núi có cây, nhưng mẹ đã thành chúa sơn lâm.

Vậy mà mỗi ngày Quỳnh đều đặn hiện ra như một thiên thần. Quỳnh “rèn” chồng nấu ăn, cùng con học hành, sắp xếp nhà cửa. 

Nhìn mấy bức hình chụp những bé búp bê xinh xắn được thay đổi đủ loại trang phục được cập nhật, bạn bè không ngớt trầm trồ.

Trong lúc tranh thủ dọn nhà, Quỳnh tận dụng những món đồ không mặc nữa, cắt ra, thêm thắt, may vá, cùng cô con gái nhỏ trang điểm cho những em búp bê thêm phần xinh đẹp. Khỏi phải nói, ánh mắt bé Kunt con Quỳnh vì hạnh phúc mà lấp lánh như sao. 

Có lần, Quỳnh gọi điện tâm sự: “Hơn mười năm lấy chồng, giờ mình mới biết làm nũng chồng bạn ạ. Trước đến giờ, ngày nào cũng tối mặt ở cơ quan, về đến nhà, vợ thì dọn dẹp nấu nướng, chồng học thêm online.

Khi có thêm hai nhóc, chồng lên sếp thì vợ chồng càng như mặt trăng mặt trời. Bây giờ, cơ quan hai đứa giãn việc vì dịch, vợ chồng có thêm thời gian để hâm nóng tình cảm. Mình càng nhẹ nhàng, càng biết cách nhờ vả văn minh thì chồng càng khoái ra mặt, mình càng nhiều quyền năng. Hay ho lắm”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có lần để trấn an tôi, ba tôi từng nói: “Sợ nhất là khi mọi người đều tiến lên phía trước bỏ rơi ta ở lại, còn khi tất cả cùng đứng yên ở vạch đỏ thì không có gì đáng sợ nữa”.

Liệu có đúng thế không, khi mà giữa tâm dịch, những thông tin về số ca nghi nhiễm, ca dương tính với COVID-19 liên tục được công bố?

Những cảnh báo, khuyến cáo, niêm luật không ngừng được đưa ra. Từ khắp các nẻo đường, nơi chốn, mọi người bắt đầu rút hết về nhà. Con trẻ nghỉ học, người lớn làm việc từ xa. Bao nhiêu hệ lụy như ly hôn và bạo lực gia đình có nguy cơ tiến triển.

Tôi trộm nghĩ, dù có đứng yên thì xã hội cũng không thể bình yên nếu bên trong mỗi gia đình đang bất ổn. Nếu đàn ông quyết đoán, biết nhìn xa trông rộng, thì đàn bà có sự tinh tế và nhạy cảm, biết linh hoạt xoay chuyển tình thế trước những cơn sóng gió tạm thời.

Vậy nên hơn lúc nào hết, mỗi người phụ nữ, bằng bản năng yêu thương và lòng nhiệt thành bằng sự mềm dẻo trời sinh hay được rèn luyện, các chị hãy lập tức “ra mặt”, trở thành nội tướng sáng suốt, đưa con thuyền gia đình vượt bão. 

Diệu Thông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI