Nguyên tắc đó ngày nay liệu có còn phù hợp khi phụ nữ cũng làm ra tiền và việc chi tiêu không chỉ gói gọn ở chuyện cơm nước cho cả nhà? Mời bạn đọc tham khảo cách quản lý tiền bạc của ba gia đình sau…
Trong gia đình bạn, việc ai quản lý chi tiêu được đặt ra từ trước hay sau khi kết hôn? Theo bạn, để xác định việc đó, thời điểm nào là tốt nhất?
(giảng viên đại học): Gia đình tôi hình như chưa hề chính thức bàn chuyện quản lý chi tiêu. Trước khi cưới, cả hai đều biết phải tự lo nên có tiền là chồng tôi đưa cho tôi để dành lo cưới; đồng thời tôi cũng tự để dành thêm. Tất cả được tôi ghi lại hết, thỉnh thoảng lại cho anh ấy biết đã có được chừng này, chừng này...
|
Chị Thu Hòa |
Lê Lục Kim Sách (nhân viên văn phòng): Chúng tôi quen nhau cũng 15 năm, cưới nhau hơn 10 năm. Vợ tôi thì luôn muốn chồng quản lý chi tiêu để tôi có trách nhiệm hơn với gia đình. Việc chi tiêu trong nhà, theo tôi, là nên bàn bạc với nhau trước khi kết hôn để sau này chung sống không bất ngờ về tính tình của nhau mà dẫn đến mâu thuẫn.
Vân Giang (nhà báo): Vợ chồng tôi bàn bạc chuyện này từ trước khi kết hôn, lúc đã thân thiết với nhau. Tôi hỏi anh chuyện ba má anh quản lý tiền bạc sao, anh nói má giữ hết. Tôi đề nghị sau khi cưới thì ai giữ tiền của người đó, bỏ quỹ chung lo cho gia đình. Trong việc này cả hai phải cùng quan điểm và tôn trọng nhau chứ mấy bà đừng nghĩ theo kiểu đàn ông giữ tiền chỉ để... cho cô nào đó. Cứ thoải mái có khi họ lại đem về nhà nhiều hơn. Đó là kinh nghiệm xương máu của tôi.
Ông bà ta nói “Chồng là cái giỏ, vợ là cái hom” xem như công nhận phụ nữ là người quản lý chi tiêu tốt nhất. Cách quản lý tiền bạc trong gia đình bạn có khác, vì sao?
Thu Hòa: Nhà tôi theo kiểu truyền thống, chồng tôi đi làm giao tiền cho tôi giữ. Tôi nghĩ mình quản lý chi tiêu cũng khá tốt vì từ khi tám tuổi, bà nội đã tập cho tôi quản lý chi tiêu trong gia đình. Nhưng tôi để ý một số gia đình quen, thấy cũng có những bà vợ quản tiền không tốt, nên không chắc chắn việc phụ nữ quản lý chi tiêu là tốt nhất.
Thật ra, đa số đàn ông chi tiêu có thoáng hơn phụ nữ nên sẽ có những lúc không kiểm soát được, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Quan niệm của ông bà chắc cũng vì thế mà ra. Ngày nay việc “chồng đi làm về đưa tiền hết cho vợ” có lẽ chỉ còn phổ biến ở nông thôn.
Hiện tại phần lớn các cặp vợ chồng đều đi làm, ai cũng có thu nhập nên tôi thấy chuyện đóng góp chi tiêu chung, còn lại thì của ai nấy giữ đang ngày càng nhiều. Việc quản lý chi tiêu tốt hay không, theo tôi tùy từng người, không nhất định phải là phụ nữ. Vợ tôi thì chỉ muốn chồng giữ tiền để tăng trách nhiệm. May mà bà ấy có lòng tin với tôi, chứ những năm đầu tôi làm chuyện đó rất tệ. Sau nhiều sai lầm tôi mới biết tính toán tốt hơn.
|
Vợ chồng anh Lê Lục Kim Sách |
Vân Giang: Tôi nghĩ, ai giỏi quản lý hơn thì giữ tiền; nếu ai cũng giỏi thì tiền ai nấy giữ. Tôi không quan trọng việc ai giữ tiền, chồng tôi lại quản lý tiền giỏi nên tôi yên tâm để anh ấy tự quản lý. Tôi thì cũng phải có tiền của mình để thỉnh thoảng mua sắm, bù khú với bạn bè…
Đàn ông thường cho rằng, mình là người làm ra tiền mà chi tiêu gì cũng phải ngửa tay xin vợ là chuyện không thể chấp nhận được; từ đó đã hình thành những chuyện quỹ đen, quỹ đỏ khiến vợ chồng mất lòng tin vào nhau. Theo các bạn thì làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu của từng người và chuyện quản lý chi tiêu chung?
Thu Hòa: Tôi thấy việc vợ/chồng phải ngửa tay xin tiền nhau là không thể chấp nhận, nên tôi luôn chú ý để chồng có đủ tiền dằn túi khoảng… một độ nhậu (nhậu thường thôi chứ không phải nhà hàng có sao). Giờ anh ấy có thẻ, cần thì rút, chỉ báo cho tôi biết thôi.
Những khi dư chút tiền trong thẻ là chúng tôi gom lại gửi tiết kiệm cho con nên trong thẻ cũng không nhiều tiền, không lo anh ấy xài xả láng. Còn những khoản hiếu hỉ bên nhà nội, tôi chủ động đưa, anh ấy chẳng phải giấm giúi làm gì.
Lê Lục Kim Sách: Phụ nữ muốn quản lý tài chính vì nghĩ mình kiểm soát tiền bạc thì chồng sẽ ít có cơ hội "hư hỏng". Họ không hiểu đàn ông vốn sĩ diện, sẽ làm mọi cách để có tiền tiêu với bạn bè này nọ, từ đó sinh ra quỹ đen quỹ đỏ. Trong chuyện này, người vợ phải khéo léo ứng xử sao cho phù hợp với cá tính của chồng.
Vân Giang: Tôi thấy các ông có tiền là đúng. Đã là thời nào rồi mà đàn bà cứ đòi quản lý hết, từ thể xác, tâm hồn, tình yêu đến tiền bạc của người khác. Như vậy họ phải sống thế nào? Tôi để chồng tự quản tiền của anh ấy, chỉ đóng góp chung.
Thứ nhất, anh ấy có nhiều quan hệ xã hội, ai biết bữa đó đi nhậu hết nhiêu tiền mà xin vợ. Thứ nhì, đàn ông có tiền thì mới tự tin. Tuy nhiên, cuối tháng phải nhớ mang bản sao kê lương thưởng để tôi nắm tình hình, nếu anh giữ lại quá nhiều thì tôi có quyền thắc mắc.
|
Chị Vân Giang |
Nếu vợ chồng có những thói quen chi tiêu khác nhau (thí dụ chồng hoang phí, vợ tiết kiệm hay ngược lại), theo bạn thì nên làm sao hóa giải?
Thu Hòa: Cách chi tiêu của chúng tôi ban đầu có khác nhau. Tôi lúc nào cũng phải có kế hoạch, có mục đích rõ ràng; chồng tôi thì lúc có tiền rất rộng tay mua sắm, lúc hết thì keo kiệt.
Tôi thông cảm được nên lúc nào cũng dành một khoản cho anh ấy “tiêu hoang” (như kiểu mua điện thoại xịn, máy tính, ăn hàng đắt tiền, đi chơi xa), lúc còn ít tiền thì nói trước... Dần dần anh thấy tôi không quá tính toán, lại cũng không bị động chi tiêu nên anh đỡ bốc đồng hơn
Lê Lục Kim Sách: Trong gia đình, tình hình tiền bạc thế nào thì vợ chồng đều biết, nếu có sự trái ngược trong chi tiêu thì nên bàn bạc thống nhất. Sẽ rất khó nếu không hóa giải được.
Vân Giang: Tôi nghĩ việc này có hóa giải được hay không là do người vợ/chồng (người biết quản lý chi tiêu) có tìm được cách thỏa mãn với sự thay đổi của người kia hay không. Ví như chồng tiêu hoang, vợ gào thét bắt chồng phải từ bỏ thói quen đó; chồng giảm bớt thì vợ phải khuyến khích, tỏ ra vui mừng; động viên chồng tiếp tục phát huy.
Đến một ngưỡng nào đó chồng không còn giảm nổi, nghĩa là chi tiêu đến đó là chạm ngưỡng cơ bản (trong quan niệm của chồng vậy là đã tiết kiệm quá sức rồi) thì vợ đừng đòi hỏi thêm nữa mà hãy chấp nhận. Ép nữa là coi chừng…
Vợ chồng ngày nay thường có tài khoản riêng. Nhìn có vẻ như tự do và tôn trọng nhau, nhưng thật ra người này vẫn muốn biết rõ ngân quỹ riêng của người kia, tự bào chữa là để khi có gì bất trắc thì yên tâm là có chỗ dựa. Việc đó, theo bạn có cần thiết không?
Thu Hòa: Từ khi mới trả lương vào tài khoản thì đúng là vợ chồng tôi có tài khoản riêng, nhưng nhờ đã có thói quen công khai chi tiêu nên chúng tôi có pass của nhau, thường tự cho nhau biết trong tài khoản của mình đang có bao nhiêu, đã thêm bớt thế nào. Tôi nghĩ biết được điều đó cũng tốt, chủ yếu là để tin tưởng nhau hơn, nhưng nếu muốn biết để kiểm soát nhau thì mệt lắm.
Vân Giang: Dòm ngó ngân quỹ của đối phương sẽ dẫn đến những nghi ngờ rất nguy hiểm, có thể phá vỡ hôn nhân. Ví dụ vợ tò mò quá, tìm hiểu thu nhập của chồng, có lúc sẽ thấy tổn thương nếu phát hiện có một khoản đột xuất mà chồng không cho mình biết.
Thế là điên lên, suy diễn lung tung; thậm chí ngờ vực, ghen tuông, tra vấn chồng. Lúc đó khổ thân mình là chuyện thấy ngay trước mắt. Nói chung, không chỉ chuyện tình cảm, ngay cả chuyện tiền bạc cũng “lạt mềm buộc chặt”.
Theo bạn, những nguyên tắc lớn nhất để gia đình có được sự thống nhất trong quản lý và chi tiêu tiền bạc là gì?
Thu Hòa: Điều quan trọng đầu tiên là phải có lòng tin ở nhau. Mà muốn xây dựng được lòng tin thì phải thật sự đồng cảm, chia sẻ và tôn trọng nhau.
Lê Lục Kim Sách: Đó là rạch ròi, thành thật và tin tưởng nhau. Mỗi thành viên đều có những mối chi tiêu riêng, nếu luôn thành thật và rạch ròi với nhau thì sẽ có cách thống nhất. Quan trọng là tin tưởng nhau, mà muốn tạo sự tin tưởng thì phải thành thật. Ví dụ, tôi có nhiều nguồn thu nhập, tuy vợ tôi không quản lý nhưng làm gì tôi đều trao đổi với vợ để có độ an toàn cao nhất từ chính gia đình mình.
Vân Giang: Tôn trọng và tin tưởng nhau.
Cảm ơn các anh chị đã chia sẻ.
Song Văn
(thực hiện)