Nói thật tình, chắc không ai muốn làm cọng dây thun. Không vinh quang gì cái thân phận lúc thì bị kéo dãn ra chằng qua rịt lại, lúc lại bị bỏ nằm tơ hơ, khi được thư giãn lại là khi mình vô dụng! Cho nên, nhận được thư chị viết với cái triết lý mình là một… cọng dây thun, Hạnh Dung thật bức xúc.
Nhưng ngẫm nghĩ, thấy chị cũng có lý. Cụ thể là trong trường hợp của chị, lấy chồng mang theo một đứa con riêng, chồng cũng có một con riêng, hai người sinh tiếp được một con chung. Sống trong cảnh ấy, nếu không căng mình ra làm sợi dây thun thì khó mà giữ chắc được các thành viên trong gia đình. Khi thành viên nào đó cựa quậy, ngỗ nghịch, chị là sợi thun căng lên níu giữ. Khi thành viên nào đó nản lòng, buông xuôi, chị là sợi thun chùng lại cho vừa chuyện, vừa người. Lúc căng lúc chùng, nhưng không bao giờ được bỏ, không bao giờ được buông tay hay đứt phựt, bởi như thế cái bó đũa gia đình kia cũng sẽ tan tác mất thôi.
“Hai cuộc hôn nhân tổng cộng 16 năm, tôi thỉnh thoảng cũng thấy mình hạnh phúc, thỉnh thoảng thấy mình bất hạnh, nhưng chưa bao giờ tôi phủ nhận giá trị của hôn nhân. Những lúc gặp những người bạn đã chọn cách chia tay rồi sống đơn thân, nghe bạn chế giễu: “Sao hôm nay chồng cho đi chơi?” hay: “Lo về mà nấu cơm cho chồng đi kìa!”, tôi chỉ cười, chỉ thấy phụ nữ chúng ta như cường điệu cả nỗi khổ của hôn nhân lẫn hạnh phúc của đời sống không hôn nhân.
Cái gì cường điệu lên đều là giả, phải không chị? Đàn bà như cọng dây thun, tự biết mình có thể cố gắng đến đâu, có thể chùng lại đến đâu. Những cọng dây thun không có khả năng căng hay chùng thì chỉ là cái vòng dây vô tích sự. Sự cố gắng vì người khác cũng chính là ý nghĩa của sự tồn tại của mình. Đàn bà chọn đời sống không chồng con, cũng có phần là do ích kỷ…”.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Tuy nhiên, vẫn có những người đàn bà nghĩ khác, sống khác. “Tôi sống một mình đã 18 năm, không hề ân hận vì đã chọn giải pháp ly hôn. Tôi đủ khả năng và cũng đủ nghị lực để nuôi dạy con gái tôi lớn lên có thể sống độc lập bằng chính sức lực và trí tuệ của bản thân, không phải phụ thuộc vào bất kỳ thằng đàn ông nào.
Nhưng con gái tôi vướng vào tình yêu quá sớm, lại quá lụy tình, mà tôi không biết nói sao cho con hiểu. Đàn bà chúng ta chẳng lẽ ai cũng mang cái bản năng lấy chồng, đẻ con, dù biết trước là sẽ khổ vì chồng con? Tôi biết tính con gái mình và cứ nhìn cậu bạn trai của nó, tôi biết thế nào con tôi cũng khổ. Chẳng lẽ kinh nghiệm một lần đổ vỡ của tôi, chẳng lẽ tất cả những gì tôi tạo dựng được cho con, không thể giúp cháu tránh được vết xe đổ đã rõ rành rành? Tôi quyết liệt ngăn cản chuyện yêu đương của cháu nhưng cũng thấy lo không biết mình làm vậy có trái lẽ hay không”.
Hai bức thư tưởng chừng trái ngược nhau, nhưng nghĩ cho cùng lại thống nhất. Người đàn bà thứ nhất và người đàn bà thứ hai đều riết chặt lấy gia đình của mình, dù đó là một mảnh còn lại của tổ ấm ngày xưa hay là sự ghép nối của một tổ ấm khác. Thực ra, cách giữ con trong tầm bảo bọc của mình, cách ra quyết định thay con - ngay cả khi đó là quyền quyết định riêng của con, cũng thể hiện một mối ràng buộc gia đình chặt chẽ đến áp đặt. Cọng thun đã căng quá sức, căng đến mức bắt đầu làm đau người khác, không biết có căng quá mà đứt phựt hay không.
Hạnh Dung thích nghĩ rằng, cái bản chất “cọng dây thun” của người đàn bà thể hiện khả năng chịu đựng bền bỉ, tính kiên nhẫn vô bờ bến và lòng bao dung của họ. Cọng thun nào đến cuối đời cũng dãn, cũng nhão nhoẹt vì đã co kéo không biết bao lần.
Nhưng, một cọng thun, nếu không dùng để ràng cột một cái gì đó, thì cũng coi như đã bị phí hoài. Thành công, hạnh phúc của cọng thun không phải là ra sức cột thật chặt, mà là có thể co, có thể dãn, để những gì trong vòng ràng cột của mình có thể thoải mái lớn lên bên cạnh nhau, để mọi thành viên đều cảm thấy mình an toàn và dễ chịu dù trong một gia đình nhỏ hay gia đình lớn.
Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.