Đàn bà không được quyền nổi nóng?

11/04/2019 - 15:00

PNO - Bé Mít chốt hạ cuộc trò chuyện ở bàn ăn bằng một câu: tại sao phụ nữ cứ luôn phải nhường nhịn đàn ông như vậy?

Buổi trưa, cả nhà ăn cháo gà. Bé Mít, con gái tôi bật bếp hâm cháo lại cho nóng, lơ đễnh khiến cho cháo bị khê. Con cắc cớ hỏi, tại sao gọi là “khê” mà chẳng phải là “khét” như thông thường hả mẹ? Hai từ đó có khác gì nhau không?

Tôi nhất thời ú ớ, giải thích qua loa là chắc cũng như nhau thôi. Nhưng cơm với cháo thì thường người ta hay dùng từ “khê” nhiều hơn. Ví như câu ca dao: Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê. Con từng học hay đọc qua rồi chứ?

Dan ba khong duoc quyen noi nong?
 

Con bé lắc đầu. Lại hỏi, ý nghĩa câu đó là thế nào hả mẹ? Tức là khi chồng giận thì vợ nên bớt càm ràm, giống như khi nồi cơm bắt đầu sôi thì mình cần hạ lửa, để nó khỏi khét. Bé Mít chốt hạ cuộc trò chuyện ở bàn ăn bằng một câu: tại sao phụ nữ cứ luôn phải nhường nhịn đàn ông như vậy?

Lòng vòng tới đây thì đúng là… khó đỡ. Tôi đành bảo, câu ấy không phải chỉ dành nhắc riêng phụ nữ, mà ý là cả vợ, chồng, khi tranh cãi mà đã có người nóng giận thì người còn lại nên bớt nói một chút, sẽ tốt hơn. Chứ châm dầu vào lửa để cháy phừng phừng luôn à. Mà trong hai phái, phụ nữ vốn trời sinh ra mềm mỏng, dễ kiềm chế, thì hãy chịu khó lãnh cái nhiệm vụ khó nhằn ấy. Đợi chồng qua cơn rồi hẵng phân tích đúng sai, thiệt hơn. Ai dè, con vẫn không chịu buông tha, tiếp tục chất vấn: vậy cuối cùng thì người vợ không bao giờ được quyền nổi nóng à?

Được chứ. Phụ nữ cũng có những quyền tối thượng của họ, khi nào cần cương quyết, lúc nào nên nhu mì, lạt mềm buộc chặt, già néo đứt dây. Ông bà mình dạy vậy rồi. Đâu phải cứ nhân nhượng, nín nhịn chịu đựng hoài là êm cửa êm nhà. Nhưng cứ đùng đoàng lên giành phần thắng, lấn lướt nhau, cũng chẳng thu lại được gì. Thêm nữa, là người một nhà, sao lại phải bàn chuyện hơn thua ở đây, phải không con?

Dan ba khong duoc quyen noi nong?
 

Tới đây thì Mít có vẻ hơi “chịu phép” rồi. Lý lẽ của nó chưa đủ để phản kháng “tay đôi” với mẹ, nhưng con đã bắt đầu biết nhận xét, không chấp nhận được cách cư xử bất công, hoặc bất bình đẳng giới. Tôi cũng thoáng giật mình. Hóa ra, cô gái mười ba tuổi đã quan tâm tới những chuyện “vĩ mô”, không còn loanh quanh với áo đầm, kẹp nơ và những cuốn truyện tranh nữa rồi.

Nhớ lại tuổi thơ, tôi từng lo sợ và phân bì với các em trai, dù mẹ đối xử với các con rất công bằng. Tới lượt mình, tôi luôn chú ý không sử dụng câu “nhường cho em” hay “vì con là chị hai nên phải chịu”. Đó là sự bất công quen thuộc mà nhiều cha mẹ vốn vô tình chẳng nhận ra. Thế nhưng, nhớ lại thời gian sau này, Mít hay phân bì với em trai. Sao nó được làm thế này, được chơi cái nọ, được ngồi thế kia, mà con thì không? Sao mẹ ưu tiên cho em như vậy? Có lúc, tôi giải thích rõ cho con, kèm theo câu chốt hạ “vì em là con trai”. Đấy là khi tôi nhắc Mít đi đứng nằm ngồi đều phải giữ ý, không thể hớ hênh được. Hoặc lúc tôi dặn riêng Mít không được ôm vai bá cổ mấy bạn nam trong xóm nô đùa vô tư nữa. Tại sao? Vì con là con gái. Sao con gái lại không thể? Ờ thì…

Tôi đã hết sức lưu tâm, không để con có ý nghĩ mình thương chúng nhiều ít khác nhau, hoặc tệ nhất là trọng nam khinh nữ. Bởi thật chẳng dễ dàng gì mà quấy quá lấp liếm với một đứa con gái không còn ở tuổi nhi đồng, càng chưa tới độ trưởng thành, lại nhiều thắc mắc như bé Mít. Phải ngọn nguồn cho rành mạch mà hợp lý nữa kia. Đâu đơn giản chỉ đưa mệnh lệnh cấm đoán là xong. Càng không cực đoan tới mức cái gì cũng phân chia làm đôi, từ quyền lợi cho tới trách nhiệm, mà phải tùy theo khả năng, tâm tính mỗi đứa.

Nhà có hai đứa con khác phái, lơ đễnh là mệt lắm. 

HẠ YÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI