Cay đắng lớn nhất của đời chị là đã để má chứng kiến tất cả những đoạn đời cay đắng của chị. Lấy chồng năm 22 tuổi, một năm sau chị sấp ngửa trở về với má, về ôm cả cái thai năm tháng và một người chồng thất thần.
“Vợ dữ”
Lần đó, anh xung đột với cha, rồi sĩ diện dẫn vợ ra khỏi nhà, quyết “một đi không trở lại”. Chị là công nhân vừa nghỉ việc để dưỡng thai, anh là công chức, không nhà cửa, của cải, cái thai trong bụng chị lại rất yếu. Vợ chồng lang thang cả buổi ngoài đường chị mới thuyết phục được anh cùng về nhà má chị.
Trên miếng đất ngay cạnh nhà má, chị được anh trai giúp đỡ cất lên căn nhà nhỏ. Lương công chức của anh không kham nổi tiền trả nợ xây nhà, nên chị xin má mấy sào ruộng, tính chuyện làm rau, trồng lúa. Khoảng thời gian đó, anh chỉ có mặt ở nhà vào buổi tối nhưng tuyệt không nói chuyện với ai, trừ những câu giao tiếp chẳng đặng đừng.
Chị sống lặng lẽ, vợ chồng cũng gần như không trò chuyện với nhau. Những đêm anh về muộn, chị còn thấy… nhẹ nhõm, vì đỡ phải ngó trước nhìn sau, nặng đầu suy nghĩ xem “phải nói gì cho đỡ yên ắng”. Ba tháng sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, một buổi tối trở về sau khi dự đám cưới người bạn, anh bất ngờ tỏ ra cởi mở.
Vừa chăm con, chị vừa lắng nghe như nuốt từng lời kể chuyện của anh trong cơn ngà ngà say, về những người bạn học lâu ngày gặp lại. Anh hào hứng nhất là với cô bạn tên Lam. Anh tả cặn kẽ sự mặn mà, duyên dáng của Lam từ thời phổ thông, đại học, cho đến cái đám cưới ban chiều. Rồi anh quay sang chị, vẻ mặt nuối tiếc buông một câu: “Tôi yêu Lam!”.
Không đợi chị kịp lên tiếng, anh tuôn ra thêm những lời trách hận cha anh - người đã cấm cản tình yêu của anh với “đứa con gái ăn trắng mặt trơn, không có vẻ được việc”. Quãng đời trước khi anh gặp chị tiếp tục được tái hiện qua những lời kể lè nhè, rối rắm trong cơn say. Chị lên cơn sản hậu, xuất huyết ba ngày trời. Anh tỉnh rượu, trở lại vẻ lạnh lùng, khắc nghiệt. Buồn giận ba ngày không ai dỗ dành, chị đành… tự nguôi ngoai, tìm cách bắt chuyện lại với chồng. Chuyện “yêu Lam” không ai nhắc lại nữa. Tuy nhiên, cũng từ đó, chuyện anh không yêu chị ngày một hiện rõ.
Dạo ấy, một tay chị gầy ra được vài sào lúa và rau từ đất của má, cải thiện thu nhập gia đình. Anh đi miệt mài, mọi việc đều một tay chị quán xuyến. Không phải kiểu người thích đàn đúm, chè chén nhưng anh không thích… về nhà. Chồng càng la cà những chốn cà phê, karaoke, vợ càng lam lũ. Sẵn ấm ức, cay đắng vì tâm sự của chồng; lại thêm phải chịu đựng sự lạnh nhạt, nóng nảy của anh hàng ngày, chị cũng đâm ra lầm lì hẳn.
Một hôm, trời bất ngờ đổ mưa giông; chị cuống quýt thu dọn không kịp, tuyệt vọng nhìn hơn nửa sân lúa đang phơi hứng trọn cơn mưa dữ. Chị ngồi phịch dưới mái hiên, khóc tức tưởi theo cơn mưa. Trời tạnh, chị leo lên chiếc xe đạp cà tàng, đạp một mạch đến quán cà phê quen tên nhưng chị chưa một lần bước vào. Thả chiếc xe không chân chống ngã chỏng chơ trước quán, chị lao vào, tìm đến chỗ anh đang ngồi với đồng nghiệp, nằm lăn ra đất gào khóc. Vậy là chị trở thành người vợ “dữ” trong mắt mọi người.
Nhắc lại trận mưa giông ấy, má bệu bạo tả cảnh thằng con rể ngày thường lầm lì đã hầm hầm về nhà, đập hết những thứ trong tầm tay. Đứng ngoài hiên, má chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời. Tiếng kêu chìm trong tiếng vỡ loảng xoảng của đồ đạc. Theo chỉ dẫn của những người xóm bên, má tìm ra quán cà phê, dắt đứa con gái đang thẫn thờ, rệu rã về. Suốt quãng đường ấy, mặc cho con gái nước mắt đầm đìa, má ráo hoảnh nói như van xin: “Ai sao cũng kệ, mình phải thương lấy cái thân mình, con ơi!”.
Anh vẫn là người cha có trách nhiệm, không nhậu nhẹt, say xỉn; nhưng mọi sự tỉnh táo của anh như chỉ dành để giữ cho được thái độ lạnh nhạt.
Sức hút của... khổ đau
Từng được hy vọng sẽ trở thành cầu nối cho tình cảm của cha mẹ nhưng càng lớn, Trân lại thấy các mâu thuẫn như càng bị khoét sâu. Lần đầu tiên nhìn ra sự tan vỡ của gia đình là lúc Trân mới 12 tuổi, anh trai 14 tuổi. Năm ấy, hai anh em đang cùng dán thiệp Giáng sinh thì bố đi đâu về, ngồi nhìn hai con một lúc rồi buột miệng: “Năm ấy nếu mẹ bây không đánh thuốc mê cho bố thì đã không có các con rồi”.
Nói xong, bố uể oải ngả người vào ghế, thở hắt ra: “Sai lầm của bố là đã cưới bừa”. Trân thảng thốt, căm phẫn, rồi… lặng lẽ khóc suốt những ngày sau đó. Đem chuyện hỏi mẹ, cô bé chỉ nhận được vẻ mặt điềm tĩnh và lời khẳng định: “Bố chỉ đùa thôi”. Nhưng thỉnh thoảng, Trân lại để ý thấy mẹ rơi nước mắt khi đang làm việc nhà.
Một thời gian ngắn sau chuyện đó, bố... có bồ và công khai không thèm giấu ai. Là người hoạt ngôn nhưng cứ đụng mặt mẹ thì bố như... lột xác. Suốt gần 20 năm, Trân chưa từng biết đến một lời “dễ nghe” bố dành cho mẹ. Dù vẫn ngọt ngào, kiên nhẫn với con cái; lịch sự, cởi mở với người ngoài, nhưng chỉ riêng với mẹ là bố dành trọn phần khó ưa nhất.
Ghét bố, giận mẹ, không thể lý giải được cách quan hệ của hai người, Trân đâm nản, chỉ còn biết chờ đến ngày mẹ… hết sức chịu đựng mà buông xuôi. Nhưng, bố không hề có ý định ly hôn. Mẹ bám vào điều đó để biện minh cho mấy chục năm chịu đựng của mình. Cảnh nhà vì thế cứ như… một vở tuồng trong mắt anh em Trân.
Càng được các con bênh vực, mẹ càng như đang đứng giữa ngã ba. Người chồng chung sống hơn 20 năm vẫn mãi vô tình, mãi xem vợ chỉ như một người phục vụ câm lặng. Thế nhưng, mẹ vẫn cam chịu, vẫn khư khư giữ cái vỏ tròn trịa của hôn nhân và… hy vọng. Mới đây, bố lại về nhà với vẻ mặt đăm đăm.
Mẹ con líu ríu dọn cơm, con dâu lên mời mấy lượt bố cứ ậm ờ không xuống. Mẹ sốt ruột, đích thân lên mời. Bố quắc mắt, bực dọc phang ngang: “Không ăn!”. mẹ lấy một cái bát to xới cơm, bỏ thức ăn vào, giả lả với lũ con: “Thôi lo cho ổng ăn nhanh, còn dọn luôn một thể”, rồi bưng bát cơm lên phòng khách trong cái nhìn ngẩn ngơ của các con.
Khuya, con cái đã về phòng, mẹ trở dậy sau hai tiếng đồng hồ nằm thao thức; lặng lẽ dọn bát cơm ở phòng khách. Bát cơm còn nguyên, nguội ngắt.
Minh Trâm