Đàn bà khôn lấy chồng, phải biết 'thủ' để phòng thân

01/09/2017 - 09:30

PNO - Khi yêu nhau, tôi mơ mộng lắm, đến nỗi còn thủ thỉ với chồng: “Sau này tiền lương của anh cho anh uống bia thoải mái, em sẽ lo tất”.

Sáng nay, tôi đang dọn dẹp vật liệu đằng sau nhà thì nghe tiếng mẹ chồng nói lanh lảnh ở nhà bên cạnh: “đàn bà gì chẳng bao giờ đi chợ nấu ăn, cái gì cũng dồn lên vai chồng”. Sau đó, tiếng thì thầm rất nhỏ hình như phát ra từ phía bên kia bờ tường nhà hàng xóm. Đây chẳng phải lần đầu tôi nghe mẹ chồng ám chỉ xa gần về tôi như vậy.

Dan ba khon lay chong, phai biet 'thu' de phong than
Vợ chồng cứ to tiếng về chuyện tiền bạc

Nhà tôi và nhà bố mẹ chồng gần nhau lại chung tường nên có nhiều điều bà cố ý nói cho thật to để tôi nghe thấy mà chột dạ. Tính tôi vốn ít nói, bà cứ nhiều chuyện thì tôi càng im. Nguyên nhân của việc bà than thở với hàng xóm sáng nay chắc hẳn xuất phát từ trận cãi cọ tối hôm qua của vợ chồng tôi. Ngay từ sớm, chồng tôi đã tất tưởi sang nhà bố mẹ để giãi bày.

Từ ngày cưới nhau, hầu như lần nào vợ chồng to tiếng đều ít nhiều liên quan đến chuyện tiền bạc. Tôi thấy mình thật khổ sở khi có cuộc sống hôn nhân chỉ luẩn quẩn trong vòng xoay “cơm – áo – gạo – tiền”. Hồi trước, khi yêu nhau, tôi mơ mộng lắm, đến nỗi còn thủ thỉ với chồng: “sau này tiền lương của anh cho anh uống bia thoải mái, em sẽ lo tất”. Đó là khi sạp vải của tôi khách khứa nườm nượp, tiền vào như nước.

Đến khi chúng tôi lấy nhau vài năm thì xu thế của chị em chuyển sang mua hàng may mặc sẵn ở shop hay trên mạng chứ ít khi mua vải ở chợ để cắt may nên việc làm ăn khó khăn dần. Anh vốn quen để tôi bao toàn bộ, từ tiền chợ, tiền nuôi con, tiền hiếu hỉ, tiền chi tiêu hàng ngày...còn lương anh chỉ dùng cho bản thân thôi. Anh sẵn sàng cho mấy đứa em mượn tiền mà không cần lấy lại, thỉnh thoảng cao hứng phát cho đàn cháu một đứa vài trăm tiêu chơi.

Dan ba khon lay chong, phai biet 'thu' de phong than
Chồng đã quen được vợ bao toàn bộ

Lúc tiền bạc dư dả thì tôi không để ý nhưng đến khi khó khăn, tôi đề nghị anh góp tiền sinh hoạt thì anh giãy nảy lên như đĩa phải vôi: “trước giờ em lo có sao đâu, anh còn nhiều thứ cần chi tiêu”. Nhiều thứ anh cần đó là trả tiền nhậu bao bạn bè, mua sắm áo quần giày dép hợp mốt, rộng tay với anh em trong nhà...

Tôi bắt đầu cảm thấy chồng mình thật ích kỷ, lương anh gần chục triệu một tháng, đã mười năm nay anh toàn quyền chi tiêu, giờ kinh tế gia đình khó khăn anh lại xem như mình không có trách nhiệm. Nghe anh nói thế, tôi càng kiên quyết bảo: “nếu anh không đưa tiền cho em thì từ nay, anh lo chuyện ăn uống sinh hoạt trong nhà luôn đi”. Tôi nghĩ anh sẽ từ chối mà thoát lui, nào ngờ anh đồng ý luôn.

Ngay hôm sau, anh bắt đầu đi chợ nấu cơm chứ nhất định không đưa tiền cho vợ. Tôi vẫn nghi ngờ anh có quỹ đen từ lâu rồi trong khi tôi hết lòng hết dạ vì gia đình thì anh tìm cách vun vén để giúp đỡ anh em nhà chồng khiến tôi tức điên. Tôi ở chợ cả ngày, ăn luôn ở quầy còn anh lo ăn uống cho hai con, coi như đó là trách nhiệm của anh với kinh tế gia đình. Chính vì điều này mà mẹ chồng tôi thấy gai mắt mà không hiểu nguyên nhân sâu xa của việc này.

Dan ba khon lay chong, phai biet 'thu' de phong than
Ông xã đi chợ nấu cơm, chứ không đưa tiền cho vợ. Ảnh minh họa

Khi hai con lớn hơn, căn nhà vốn được xây từ tiền tích lũy của tôi trên mảnh đất của ba mẹ chồng trở nên chật chội, tôi bàn với anh xây thêm tầng hai cho rộng rãi. Lần này, tôi chẳng dại gì dốc vốn ra nữa nên đề nghị anh chia đôi dự toán. Mới đầu, anh hơi ngần ngừ, kêu không có tiền nhưng sau một hồi suy nghĩ cũng gật đầu đồng ý. Tôi đưa anh 200 triệu, phần còn lại anh lo, kể cả việc thuê thợ, mua vật liệu.

Theo tính toán, tầng hai làm hết khoảng hết 350 triệu, tôi góp như vậy là tính luôn phần phát sinh nếu có. Vậy mà, nhà xây gần hoàn thiện, anh kêu thiếu tiền bảo tôi đưa thêm 20 chục triệu để làm cầu thang. Tôi rất bực mình vì theo dõi sổ chi tiêu thì thấy chi phí chưa tới 300 triệu. Đó là nguyên nhân của trận cãi nhau tối qua của vợ chồng tôi.

Tôi biết rất rõ, anh cho em trai, em gái vay gần 80 triệu mà ba năm chưa trả nên tôi bảo anh xem lại có đứa em nào còn nợ tiền thì lấy về mà làm chứ tôi đã hết sạch tiền rồi. Anh bảo, đó là chuyện riêng của gia đình anh, tôi không có quyền can thiệp. Số tiền 20 triệu không phải là nhiều với tôi nhưng tôi không chấp nhận cách anh bòn rút tiền của vợ như vậy.

Dan ba khon lay chong, phai biet 'thu' de phong than
Vợ chồng đụng đến tiền là cãi nhau. Ảnh minh họa

Anh làm căng lên và nói rằng: nếu tôi không đưa tiền thì cầu thang không hoàn thiện, hai con gặp nguy hiểm thì tôi phải chịu trách nhiệm. Quả thật, tôi thấy rất nặng nề, nếu anh một lòng một dạ vì gia đình thì tôi không tiếc gì cả, đằng này tính toán chi li.

Chị gái khuyên tôi phải biết cách “thủ” cho riêng mình chứ sau này có chuyện gì xảy ra, tôi là người thiệt thòi nhất. Dù là vợ chồng nhưng trách nhiệm về tiền bạc phải cân bằng nhau, nếu nghiêng về một phía sẽ không thoải mái. Gồng gánh gia đình ngần ấy năm khiến tôi mệt mỏi, trong khi chồng chỉ biết lo cho bản thân và san sẻ cho anh em họ hàng.

Riêng chuyện ngôi nhà, phải đợi một vài tháng nữa xem ý anh thế nào chứ nếu tôi nhượng bộ anh sẽ ngày càng lấn tới. Anh vẫn nghĩ tôi là kho bạc không đáy nhưng không hiểu, công việc buôn bán có phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió đâu.

Thu Trang

                                                                                                               

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI