Tôi không bao giờ ngờ rằng người chồng sau của chị là một gã trông quê mùa, nhếch nhác, trong khi chị quá chỉn chu. Về ngoại hình, chị và chồng cũ đẹp đôi bao nhiêu, thì với chồng sau lại càng lệch đôi bấy nhiêu.
Điều gì đã khiến chị có sự lựa chọn khác biệt đến thế? Có phải chị cố tình “làm mới” đời mình bằng cách phủ nhận những chuẩn mực ngày cũ? Chị trả lời nhẹ tênh rằng, nào có tìm kiếm gì đâu, người tốt, lòng tốt vẫn hiện hữu quanh mình, giống như cỏ cây trên đất khô cằn, nếu ai nhận ra sức sống mãnh liệt của nó, hẳn sẽ trân quý nó. Đơn giản vậy thôi.
Phải nói là anh ta đen như than. Ngồi ăn sáng mà cứ đội cái nón che khuất mặt. “Kệ ảnh. Miễn ảnh nhìn thấy chị là đủ!”. Chị đã nói thế, hẳn đã “chịu” anh lắm rồi. Nhưng tôi tin người khác sẽ khó chấp nhận khi thấy một MC phòng trà có tiếng như chị, lại chọn cái gã trai già ngoại thành đen đúa, làm nghề thợ xây.
Chẳng biết gã kia có chiêu gì mà “với” được chị, chắc cũng chẳng phải dạng vừa. Tôi không dám khinh suất. Tôi cất tiếng: “Chào anh”. Gã ngẩng mặt lên, đáp lại tôi gọn lỏn: “Chào!”. Chị cười không phải chữa thẹn vì lời chào có vẻ cục mịch, mà là cười yêu, kiểu “ổng thế nhưng mà dễ thương lắm”. Anh ta lo cho hai đứa con riêng của chị như con đẻ, thương chị hơn thương thân. Đàn bà đã cũ còn cần gì hơn thế?
Chị từng lên bờ xuống ruộng với cái người chồng đẹp trai, lắm tài vặt. Sau ly hôn, chị mời vài người bạn thân đi cà phê giãi bày một lần rồi thôi, đại khái là vẻ đẹp hình thức của chồng cũ đang tỷ lệ nghịch với vẻ đẹp đúng nghĩa của một người đàn ông: cao thượng, trung thực, biết chia sẻ.
Chị không kể chi tiết, vì dù sao anh ấy cũng từng là chồng. Nhưng tôi biết, điểm dở của chị là yêu chồng thương con vô điều kiện, chồng cũ rót mật vào tai, làm chị tin tưởng đến nỗi chỉ biết làm việc và làm việc, chẳng có thời gian cho bản thân mình.
Với người mới, quen nhau ba năm, họ về chung một nhà, sống hợp pháp đã hai năm. Thấy chị có vẻ… chắc cú với người mới, tôi nửa đùa nửa thật: “Chị không sợ người mới chưa thể hiện những điều mà không ít đàn ông sau kết hôn vài năm đã phơi bày? Hoặc điều gì khiến chị có thể hoàn toàn tin tưởng vào người mới?”.
Chị bảo tôi hỏi gì như hỏi cung, đàn bà sống không có niềm tin thì cuộc đời còn gì ý nghĩa? Chị tin anh ấy không còn trẻ để đùa với “tập hai” của đời anh; cái nhìn của một người đàn bà ngoài 40 như chị cũng không còn hời hợt nữa. Chị tin vào linh cảm, vào những trải nghiệm tình yêu - hôn nhân…
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Với tôi, dù chị có chủ quan hay không, nhưng khi nhìn người đàn ông đứng tuổi đã không còn mặn mà chuyện chải chuốt, biết yêu lao động, biết sẻ chia, sống thật lòng, đủ để an ủi tôi rằng anh ta hẳn sống được, và tôi thấy yên tâm cho chị. Tôi nghĩ, nếu vì lý do nào đó dẫn đến “tập hai” của hai người đổ vỡ, hẳn là tại duyên số thôi! Tôi bắt đầu học cách vịn vào duyên số, giống như chị, sống với chồng cần phải có niềm tin.
Với chị, mọi việc đến rất tự nhiên, chị không cố ý lựa chọn người lịch thiệp hay người bù xù. Người lịch thiệp quá, chị cũng sợ; người bù xù chị không còn ngại, miễn họ tốt. Ai cũng tưởng một người có bề ngoài quyến rũ như chị, sẽ đi tìm người đàn ông tương xứng.
Nhưng ở đời, hai thái cực trái ngược nhau, lại hút nhau, thiếu gì. Chị bảo, bây giờ dường như bộ nhớ đã biết thận trọng với tất cả những gì thuộc về hình thức bên ngoài. Một gương mặt đẹp chỉ gây ấn tượng ban đầu. Người ta chẳng thể ngắm nhìn một gương mặt đẹp mà không cần ăn cơm.
Giống như đàn bà cần bờ vai cứng cáp để nương tựa, hơn là cần miệng thế gian khen chồng mình đẹp. Chị là người đàn bà đẹp, chị ý thức đàn ông cho dù háo sắc, khi chọn vợ vẫn ưu tiên chọn những cái đẹp khác bên cạnh cái đẹp hình thức, hoặc không quan trọng cái đẹp hình thức. Chị tự biết mình phải sống sao cho đẹp, không mang tiếng người đàn bà đẹp mà sống không đẹp.
Người mới của chị có thể sống thiếu lãng mạn. Anh đi công trình hàng tháng trời, mỗi tối gọi điện thoại kể toàn chuyện xứ người, ít khi bày tỏ những lời ngọt ngào, nhưng chị mới rõ anh là người sống chân thành. Đàn bà cần gì hơn thế, nhất là đàn bà đã cũ, thực tế và thận trọng.
Những chuyến đi xa trở về, trông anh ta như người buôn hàng chuyến, khuân về các món đặc sản để chị thưởng thức. Còn với những gì chị thích, anh đi lùng cho bằng được, có khi chỉ là mấy mụt măng tre thật tươi, hay mấy gốc hồng để chị vun vén.
Thường thì, “cục” tiền anh mang về chỉ vơi đi ít nhiều so với công sức lao động, cũng là điều chị (và phần lớn những người đàn bà khác) thích. Lòng tham vốn không đáy, chị cười sảng khoái khi nhận ra sở thích của mình giờ sao thực tế quá. Có lẽ cuộc sống với người cũ đã mài mòn chị nên chỉ cần bắt gặp những điều đối ngược ở người mới, chị như thỏi nam châm bị hút vào.
Chị giờ không yêu bằng tai nữa, mà yêu cái cách người đàn ông thể hiện với chị thế nào. Không ít người một thời sống vì chồng con, nhưng đến một lúc nào đó họ biết sống cho mình. Đó mới là đàn bà khôn.
Ái Nghĩa