Để giữ hôn nhân bền vững và yên ấm, với đàn bà không hề dễ dàng, nhất là khi vừa cố gắng giữ mái ấm gia đình bình yên, vừa phấn đấu có sự nghiệp riêng. Nhưng không có gì là không thế nếu chúng ta cố gắng, suy nghĩ tích cực, tự tin trong mọi hoàn cảnh, đó là điều chị Mỹ Linh (Giám đốc công ty thời trang MYLY, hiện sống ở TP. HCM) đúc kết về con đường gian nan mà mình đã đi. Để nay, ngoài gia đình hạnh phúc với 3 đứa con đủ nếp đủ tẻ, một người chồng hết lòng yêu thương, ủng hộ vợ, chị còn có sự độc lập, tự tin với sự nghiệp riêng của mình.
Qua chặng đường gian nan, nay chị Mỹ Linh mỉm cười nhìn lại thành quả mình đạt được.
Gia đình là tất cả
Mỹ Linh sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, tại một làng thợ rèn của miền gió Lào cát trắng. Thời thơ ấu chị chứng kiến cảnh gia đình lâm vào khó khăn cùng cực khi ba chị ốm yếu, suy sụp sức khỏe buộc mẹ phải bươn chải đủ nghề để nuôi cơm cả nhà. Từ đó, chị sớm rèn giũa nghị lực. "Có những đêm giông gió bão, 2g sáng theo chị dâu đi buôn tôm cua. Những ngày nắng chói chang, mẹ trong bộ quần áo rách rưới, đội cái nón rách, lang thang dọc bờ đê kiếm củi về nấu cơm cho ba... Mình, 1 cô bé sinh viên, không có nguồn chu cấp, tự kiếm sống bằng nghề gia sư, bồi bàn, bằng những đồng tiền tiết kiệm khi được họ hàng cho. Đêm đêm nằm ôm gối khóc trong sự tĩnh lặng của màn đêm ở khu ký túc xá với những lời cầu nguyện cho ba được mạnh khỏe, trở lại như xưa. Quyết tâm 4 anh em sẽ vào đại học dù ba mẹ nghèo khổ như vậy, mình muốn mọi người nhìn vào 4 đứa con của ba mẹ để tôn trọng...". Cứ thế, chị lầm lũi, kiên nhẫn từng bước thực hiện giấc mơ.
Đưa em út đang học cấp 2 ra Hà Nội học, chị vừa học vừa đi làm thêm đủ thứ việc. Cuối cùng cũng tới giây phút em út nhận tin đỗ 2 trường đại học, chị vui mừng mà bật khóc.
Gia đình dần ổn định khi ba mẹ vào Sài Gòn sống với anh trai, chị kết hôn, chuyển ra Hà Nội sống. Với chị, gia đình vô cùng thiêng liêng và phải bằng mọi giá để gìn giữ. Thế nên khi chồng chị phá sản, rơi vào khủng hoảng, cuộc sống khó khăn, chị cũng không bao giờ nghĩ đến việc bỏ chồng.
“Từ khi tuyên bố phá sản, chồng trở nên trầm tính, im lặng suy tư nhiều, gần như chỉ ở trong phòng làm việc, hạn chế giao tiếp với mọi người, phải rao bán nhà để trả nợ. Mình lầm lũ xoay sở để sống. Có những hôm ngồi thẫn thờ trên ghế đá, nghĩ mãi không biết hỏi ai 500 nghìn để mua sữa cho con. Có hôm đi bộ từ tầng 11 xuống tầng 1 trong sự mơ hồ không biết vay ai 200 nghìn để đi chợ bây giờ”.
“Mình tuyệt nhiên không nói gì với chồng về chuyện tiền bạc vì sợ chồng sẽ bị áp lực thêm, sẽ không bình tĩnh được, sẽ càng tự ti. Nên mình cứ thế, tự lo mọi chi phí cuộc sống, không một lời than thở. Dù nhiều người nhìn mình cũng tặc lưỡi xót xa, nhưng mình chỉ cười và không bận tâm. Rồi chồng bảo mình là chuyển vào Sài Gòn sống nhé, mình đồng ý vì được gần ba mẹ, anh em ruột. Vào Sài Gòn, mình sinh bé thứ 2, chồng mình vẫn thế, ở nhà đọc và nghiên cứu (anh ấy rất mê đọc sách), còn mình vừa sinh con xong thì 3 tháng sau đã đi tìm việc”.
Chồng ở nhà chăm con, tiếp tục nghiên cứu dự án riêng, còn chị duy trì công việc của mình. Chị vẫn không thở dài hay trách móc, không gây áp lực cho chồng. Trong giai đoạn khó khăn đó, đôi khi chồng suy nghĩ và hành động chưa hợp lý, chị phản đối là anh nổi khùng, dày vò chị. Cảm giác như bao nhiêu bức xúc, nhục nhã trong anh, chỉ cần vô tình nói một câu đụng chạm là anh gầm lên như một con hổ dữ tợn. Thế nhưng chị vẫn im lặng, bao dung và thấu hiểu. Có người khuyên chị nên ly hôn, nhưng chị nhất định không đồng ý.
“Mình đặc biệt coi trọng tình nghĩa vợ chồng, nhất là khi đã có con cái với nhau. Người với người bên nhau, cần nhất vẫn là những lúc hoạn nạn. Thế nên là một người vợ, khi chồng ở giai đoạn suy sụp thì càng nên ở bên anh ấy. Người đàn ông vốn tự trọng rất cao, rất sĩ diện, thất bại trong sự nghiệp đã chẳng khác gì mang một vết thương lớn. Khi đó, gia đình chính là thứ duy nhất họ còn. Vậy nên mình chọn giữ gia đình cho chồng và cho những đứa con. Mình luôn tin, gia đình bình yên sẽ giúp người đàn ông dần tìm được sự tự tin, có động lực để bắt đầu lại từ đầu”, chị tâm sự.
Chị chấp nhận sống túng thiếu, chịu cả tính cục cằn, dễ nổi nóng và nhiều ức chế của anh trút lên đầu chị, miễn gia đình sum vầy. Chị kiên nhẫn đợi chờ sự trở lại của chồng. Cuối cùng niềm tin của chị đã được đền đáp. Anh tìm được việc để có thu nhập cùng vợ lo cho gia đình, vừa nghiên cứu công trình riêng. Ban đầu chỉ là công việc bán thời gian lương thấp, nhưng dần dà lương cao hơn và sau đó lo được cho gia đình. Ngày nhìn anh tự tin trở lại, nét mặt rạng ngời khi kể về công việc, đồng nghiệp nể trọng anh, chị mừng ứa nước mắt.
Với chị, gia đình là tất cả. Nhưng chị cũng cần sống với đam mê riêng.
Sau gia đình là giấc mơ sự nghiệp
Khi anh dưới vực thẳm, chị không một lần có ý nghĩ muốn bỏ anh. Nhưng khi anh đã đứng dậy được, chị lại dám đánh cược, đề nghị anh ly hôn, giải thoát cho nhau.
“Hôn nhân là nơi hình thành một gia đình, sinh ra những đứa con. Mình sẽ không bao giờ ly hôn chỉ vì có vấn đề về sex nhạt/tiền thiếu/chồng vô tâm/chồng thất bại/mâu thuẫn mẹ chồng..., bởi mình tin những điều đó đều có thể cải thiện được. Còn khi chồng ngăn không cho vợ theo đuổi ước mơ sự nghiệp riêng thì đó là thể hiện sự ích kỷ của người đàn ông, cái này mình không chấp nhận được và buộc phải nói ly hôn. Mình cho rằng, đàn bà đau khổ trong tình yêu/hôn nhân đều do sự thất vọng về đối tác. Nên nếu mình chỉ biết đợi chờ, mong mỏi, đòi hỏi từ chồng mà không theo đuổi đam mê riêng, sớm muộn cũng sẽ chịu đau khổ. Và mình thà ngăn điều đó xảy ra từ đầu”.
Khi chồng có công việc và bé thứ 2 được 3 tuổi, chị Mỹ Linh bắt tay vào khởi nghiệp để thỏa niềm khao khát, nhưng chồng chị không ủng hộ, chị vẫn đơn độc chiến đấu. Vì không vay được ngân hàng, cũng không vay được từ người thân, chị liều lĩnh vay tín chấp trả góp hàng tháng, vay tư nhân lãi suất cao để làm vốn.
Trong giai đoạn này, chị lại dính bầu lần thứ 3, nếu sinh cũng là sinh mổ lần 3 nhưng vẫn quyết tâm giữ con lại dẫu đang muôn vàn khó khăn bủa vây. Chị vừa mang bầu vừa làm việc không biết mệt mỏi, làm đến ngày vào viện mổ và hạnh phúc chào đón con bằng tình yêu vô bờ của một người mẹ.
Còn chồng chị, vì có công việc tốt, thu nhập khá nên liên tục bảo chị dẹp bỏ công ty về nhà chăm con, chồng nuôi. Chị cười trong nước mắt, nghĩ thầm "Là đàn bà nhưng cũng được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng mà bảo ở nhà để chồng nuôi ư? Đâu phải đi làm chỉ để lo ngày 3 bữa ăn, đàn bà cần kiếm tiền vì những mục đích khác nữa"...
Mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm. Lâu nay chị vốn rất hiền, không bao giờ đòi hỏi điều gì ở chồng. Nhưng lần này, chị quyết định đứng lên. Chị gửi email cho chồng, đề nghị ly hôn để anh có thể tìm được người phụ nữ khác hợp ý anh hơn, còn chị quyết tâm theo đuổi đam mê.
Nhận được thư vợ, anh sốc nặng, không nghĩ là chị dám đòi ly hôn. Những điều chị chia sẻ thức tỉnh tình yêu gia đình trong anh. Anh vẫn xem gia đình là quan trọng, chỉ là không muốn chị vất vả kinh doanh. Nhưng hiểu rõ sự quyết tâm của vợ, anh xuống nước hàn gắn, chấp nhận lựa chọn của vợ để bảo toàn gia đình.
Tháng năm chỉ làm cho người đàn bà trở nên đằm thắm và mạnh mẽ hơn.
Anh chủ động thay đổi, chăm chỉ giúp vợ chăm sóc con. Anh hoàn toàn ủng hộ, sẵn sàng giúp khi vợ hỏi đến. Sinh con xong, chị bắt đầu hướng đến bước thứ 2 trong sự nghiệp, quyết tâm chèo lái công ty trở thành một doanh nghiệp lớn và truyền cảm hứng đến những người phụ nữ trong việc mặc đẹp, xây dựng hình ảnh tự tin, độc lập.
Chị đã thành công sau khi vượt qua nhiều thử thách, công ty đã gia nhập và trở thành công ty con của một doanh nghiệp ở Sydney, Australia.
Nay con trai thứ 3 của chị đã hơn 5 tháng tuổi, hạnh phúc viên mãn, tròn đầy hơn bao giờ. Chị thấy biết ơn khi trải qua bao thăng trầm, nước mắt và tủi nhục, vẫn kiên định theo đuổi ước mơ riêng, không ngại khổ ngại khó để đến lúc này chị có người dẫn dắt, hỗ trợ trong sự nghiệp, giữ được gia đình sau bao sóng gió cuộc đời.