Đàn bà gõ đầu trẻ

20/11/2020 - 09:49

PNO - Từ thuở Khổng Tử khởi nghiệp dạy học về sau được xem là vạn thế sư biểu (bậc thầy của muôn đời), nghề dạy học dường như đã mặc định thuộc về nam giới.

Nước Nam ta chịu ảnh hưởng của Nho học, nên việc giáo dục từ cấp trường làng cho đến quốc gia, từ những Hán tự đầu đời cho đến thi thư vạn quyển đều do nam giới đảm nhiệm.

Công việc nhiều vinh dự ấy tuy không làm các ông giáo tiền bạc rủng rỉnh, nhưng lại khiến họ trở thành hình mẫu văn hóa nổi bật bậc nhất xã hội tứ dân (sĩ, nông, công, thương), thậm chí luôn được dân chúng trọng vọng, bất kể họ thành bại ra sao.

Hình ảnh thầy đồ dạy học, luôn nằm trong số chủ đề lớn của sách vở, vừa đáng kính vừa đáng thương, có khi còn khôi hài chẳng bút mực nào tả xiết. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy, câu tổng kết có phần bay bổng ấy, thật ra không nói về một thầy giáo chung chung, mà có vẻ nhắm vào ông hoặc anh thầy nam nhi cụ thể trước mặt phụ huynh. Cho đến nửa đầu thế kỷ XX, nghề dạy vẫn được xem là nghề gia truyền của đàn ông nước Việt. 

Nhưng cũng có vài trường hợp ngoại lệ đàn bà mưu sinh dạy học. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749) từng nhiều năm đứng lớp, không chỉ để nuôi đàn con thơ mà còn nuôi mẹ già, giúp đỡ chị dâu. So với các bậc thầy luyện thi hay các sinh viên làm gia sư ngày nay thì Đoàn Thị Điểm không cách nào sánh nổi khả năng tiếp thị, nhưng vì thực chất, thực tài nên học trò theo học bà khá đông, có người đỗ đại khoa.

Chẳng hiểu vì mải dạy hay còn vì biến cố gia đình, không tìm thấy bậc quân tử nào xứng đáng, mà Đoàn Thị Điểm kết hôn khá muộn, năm 37 tuổi. Cũng giống Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan (nửa đầu thế kỷ XIX) có thâm niên nghề giáo, từng được vua Minh Mạng vời vào kinh giữ chức cung trung giáo tập, chuyên dạy học cho các công chúa, cung phi.

Trường hợp Hồ Xuân Hương thì không thực sự rõ bà có trải nghiệm bảng đen phấn trắng không, nhưng giai thoại có kể chuyện bà đã rất tự tin, dõng dạc chỉ vào mặt mấy anh học trò dốt đi thi rằng: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy làm thơ”. Quả là có phần may mắn vì bà chúa thơ Nôm chưa đủ chứng chỉ sư phạm, nếu không, khối anh chàng sẽ bẽ mặt vì kém cỏi mà lại lắm bằng cấp ngồi thụ giáo bài giảng của bà. 

Phụ nữ nước Việt chỉ thực sự làm nghề dạy học khi người Pháp thiết lập hệ thống giáo dục thuộc địa bài bản. Ngoài việc con gái được đi học, nhiều trường nữ sinh được thành lập, giáo viên nữ cũng bắt đầu tham gia dạy học chính quy. Đặc biệt, với bậc ấu học và mẫu giáo thì giáo viên nữ là đội ngũ thích hợp và hiệu quả nhất.

Tính chất hài hòa “hai trong một” cô giáo-mẹ hiền thể hiện rất đậm nét trong phong trào xây dựng các nhà trẻ tư thục và thực nghiệm giáo dục mầm non thập niên 1940. Cô giáo dần đông đảo và văn chương nghệ thuật nhanh chóng đồng nhất hóa nghề dạy với nữ giáo viên.

Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núiEm đứng giữa giảng đường hôm nay từng phổ biến đến mức hội diễn văn nghệ chào mừng ngày 20/11 nào cũng lấy làm điểm nhấn đơn ca. Cứ như lời lẽ ca từ thì cô giáo ấn tượng hơn hẳn ông thầy ở tà áo dài thướt tha, mềm mại, ở giọng nói hiền từ ấm áp. Bụi phấn làm tóc thầy bạc thêm, nhưng màu hoa phượng vĩ và lá bàng xanh tươi thì nhất định thể hiện nhiệt huyết và tâm hồn cao đẹp của cô giáo. Có thể vì thế mà từ thời chiến đến nay, thiện cảm chọn vợ thường lệch về phía nữ giáo viên.

Nghề dạy học giờ đây phần nhiều dành cho phụ nữ, đặc biệt ở cấp mầm non, tiểu học. Một vài cô giáo mầm non đôi khi khiến xã hội giận dữ vì bạt tai, tét mông, quật roi những đứa trẻ mới chập chững biết đi. Một nghề đòi hỏi kiên nhẫn, tận tâm nhưng nếu tiền lương ít ỏi, áp lực chồng chất, thì ngay đến mẹ hiền cũng hay nhầm vị trí vung tay. Khó và khổ thay, ở nhiều phương diện, trong nghề cao quý.

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI