Đàn bà gì mà chẳng nấu nổi một bữa cơm

04/07/2019 - 09:00

PNO - Con trai có lần hỏi: “Bữa cơm do người giúp việc nấu có phải là cơm nhà không mẹ?”. Vì câu hỏi ấy mà chị đã cố gắng, để khỏi phải nghe những “đổ thừa” của chồng con khi không về ăn cơm.

Nhà chị có một quy ước ngầm và các con phải tuyệt đối tuân thủ, đó là mọi người dù làm gì cũng phải về ăn cơm tối. Bữa tối được xem là bữa cơm chính nên dường như mọi thức ăn ngon được chị nấu nướng thật chu đáo.

Các con còn nhỏ thì không sao, nhưng khi trưởng thành, chúng có những mối quan hệ bên ngoài, và khi lập gia đình thì biết bao hệ lụy xảy ra. Chị không thể chấp nhận chuyện hai đứa con hôm nào cũng bạ đâu ăn đó, hay cô con dâu chẳng biết bận việc gì mà hôm nào cũng tối mịt mới về.

Dan ba gi ma chang nau noi mot bua com
Ảnh minh họa

Như tối qua chị giận, chờ mãi chẳng thấy con dâu về ăn cơm, chị hỏi giọng lạnh băng: “Bộ vợ con là chủ tịch hay sao mà làm lắm thế?”. Con trai chị ngừng đũa ngạc nhiên: “Con cứ ngỡ mẹ hiện đại lắm, cho phép vợ con tự do làm việc”.

Chị bỏ dở chén cơm đi nằm. Nghĩ bụng mình cũng có ý tốt, dạy dỗ con dâu tôn trọng bữa ăn. Làm phụ nữ, không giữ cái bếp - linh hồn của cả nhà - thì còn gì mà giữ nữa. Chẳng phải chị giữ chồng, dạy con cũng từ những bữa ăn tối của mình hay sao? 

Tối anh bảo chị nên thương con dâu cực khổ bươn chải, đừng hà khắc quá mà tội con. Đàn bà với nhau nên thấu hiểu nhau hơn. Chị khóc, trách sao ngày xưa anh chẳng bao giờ nói được với mẹ chồng một câu, để chị dễ thở một chút.

Xưa chị cũng đi làm, nhưng với mẹ chồng là những ngày tháng cay nghiệt nhất. Có lúc, vì quá mệt mỏi, chị cũng liều mình thưa chuyện với mẹ chồng, mọi thứ đã quá sức chị, công nhân nhà máy dệt tăng ca liên tục, chị không cáng đáng nổi bữa cơm nhà chồng. Mẹ chồng thinh lặng bỏ đi khi bữa cơm còn dang dở, chị sợ nên im luôn từ đó.

Đối với anh, việc vợ mình không nấu cơm tối, hay về trễ, đều là một sự “vi phạm” những luật lệ bất thành văn trong gia đình. Chứ đâu được như con trai chị. Thương vợ và bảo vệ vợ đến cùng, dù chị cũng là một bà mẹ chồng “biết điều” và cũng biết thông cảm. Hôm sau chị nhỏ nhẹ bảo với con dâu: “Thôi thì tùy thời, cũng không nên bắt buộc mọi người phải xúm vào bếp, các con có mặt ở nhà đã là quý lắm, mẹ chỉ mong sao ai cũng vui khi ngồi cùng nhau trong bữa cơm nhà nếu có thể...”.

Dan ba gi ma chang nau noi mot bua com
Ảnh minh họa

Con trai nhỏ của chị có lần hỏi: “Bữa cơm do người giúp việc nấu có phải là cơm nhà không mẹ?”. Vì câu hỏi ấy mà chị đã cố gắng tự tổ chức bữa cơm cho cả nhà, để khỏi phải nghe những lời “đổ thừa” của chồng con khi không về ăn cơm. Chị cũng cố gắng hướng con mình không ăn thức ăn nhanh, ăn phải ngồi vào bàn chung với cả nhà. Nhưng không dễ dàng gì!

Bữa cơm ai cũng cắm cúi ăn, tay cầm điện thoại hoặc coi ti vi, cũng có nói chuyện gì nhiều đâu. Bọn trẻ không tự giác đi nấu cơm đã đành, những kỹ năng như dọn bàn ăn, sắp xếp chỗ ngồi… chúng cũng vô cùng thiếu hụt. Có đứa được mẹ bới một tô, chan canh, bỏ cá lên và cứ thế bưng ra bàn vừa xem ti vi vừa ăn cho gọn. Bữa cơm gia đình trở thành một thứ ràng buộc, cha mẹ bắt con cái phải chấp hành, con cái coi đó là một nghĩa vụ chẳng có gì thích thú.

Dan ba gi ma chang nau noi mot bua com
Ảnh minh họa

Ngày nay, cấu trúc gia đình đã thay đổi rất nhiều so với mô hình cũ. Nhiều phụ nữ, như chị và con dâu bây giờ cùng chồng gánh vác công việc xã hội. Thậm chí con dâu chị có cả sự nghiệp và tương lai rực rỡ, thì làm sao đòi hỏi phải chu toàn chuyện cơm nước, chợ búa. Như thế thì sức nào chịu cho thấu. Thế nên, chị luôn nghiên cứu rất nhiều ứng dụng, để làm sao vừa làm bà nội trợ ít cằn nhằn nhất, thư giãn nhất và hỗ trợ con dâu nhiều nhất có thể.

Con bé vẫn hay nói với chị, có rất nhiều phương tiện thông minh hỗ trợ mình, nếu má cảm thấy mệt, con sẽ nhờ các ứng dụng giúp mình hoàn thành mâm cơm, miễn má đừng quá cầu toàn, đừng đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo theo ý mình. Chị hiểu, đồ gia dụng thông minh, giúp việc nhà theo giờ, hay các ứng dụng đi chợ, nấu ăn, lên thực đơn giúp là những nhân tố mới trong quá trình tổ chức đời sống gia đình và tái phân công công việc. Đừng quá chú trọng vào việc “nấu cơm”, trong khi cả nhà ai bây giờ cũng dễ chịu, ăn sao cũng được, càng tiện dụng nhanh gọn càng tốt.

Bữa cơm nhà do mẹ nấu tất nhiên là tình cảm, nhưng nấu ra mà không có ai ăn, hoặc vừa ngồi vào ăn đã nghe ca cẩm chuyện giá cả, chuyện việc nhà nặng nhọc, chuyện sao về trễ để cả nhà phải chờ… thì có ngon bao nhiêu cũng thành dở, có tình cảm bao nhiêu cũng tan tành.

Giờ chị mới ngộ ra rằng, tâm lý của người ngồi vào bàn ăn là quan trọng nhất. Có vui vẻ thoải mái mới chia sẻ được với nhau câu chuyện hằng ngày. Nên chị luôn hứa với lòng sẽ luôn nấu cơm bằng tinh thần vui vẻ yêu thương nhất. Rồi mọi người tự dưng sắp xếp thời gian về nhà ăn cơm, mà chẳng có một quy định nào nữa. 

Dan ba gi ma chang nau noi mot bua com
Ảnh minh họa

Đến tuổi này, chị mới hiểu được hai chữ “cơm nhà”. Đó mới chính là bữa cơm của cả nhà, chứ không chỉ là bữa cơm, được nấu ở nhà, dọn trong nhà, mà thiếu cái tình thân gia đình làm nền tảng. Dâu chị từ đứa vụng về, đã hào hứng copy thực đơn gửi mẹ, đã biết giã một chén mắm ngon ăn thịt luộc, đã luôn chủ động cuối tuần đổi món cho cả nhà.

Mọi thứ cứ tự nhiên mà ngấm vào từng thành viên của gia đình, đến một lúc nào đó, người ta sẽ thấy cần bữa ăn chung của cả nhà như một hoạt động sống, mà ở đó, chúng ta tìm thấy niềm vui. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI