Tự trọng để sống
Chị đi đăng ký kinh doanh, anh cán bộ đề nghị chị đặt tên cửa hàng “Thủy Ngọt” để phân biệt với các Thủy khác. Chị đồng ý ngay và luôn, không chỉ vì thiện ý của anh cán bộ mà vì má chị tên Ngọt. Nhìn chị, biết ngay là người cá tính, ngọt nhưng mạnh, dịu mà cứng rắn, chấp nhận nhưng không hèn. Cửa hàng chị bán đồ si, có cả hàng hiệu “nguyên đai, nguyên kiện”, toàn hàng độc, chúng giống như người bán, “kiểu người không giống ai”.
Chị sinh ra trong một gia đình với ông bố có sáu người vợ và 24 người con. Mẹ chị là người thứ sáu, sinh mỗi một đứa con gái, thấy con "ngầu ngầu", mẹ không bỏ chữ thị vào tên, mà đặt Trần Ngọc Thủy. Chị lên bảy tuổi, ba chị mất. Hai mẹ con nương tựa nhau trong cảm giác chông chênh, bởi dẫu gì thì cảnh cha chung, chồng chung vẫn hơn cảnh mẹ góa con côi.
Ở tuổi lên 10, chị đã biết bươn chải, bán buôn kiếm sống. Lúc đó, Sài Gòn mới giải phóng, cuộc sống rất khó khăn. Mẹ chị vắt hết đời mình trong phận làm thuê để nuôi con. Chị thương mẹ, hiểu tiếng thở dài của mẹ giữa đêm. Năm chị 18 tuổi, sợ con gái hư thân trong môi trường sống của “xóm không đèn”, mẹ chị mong con gái “có nơi, có chốn”.
|
Chị Thủy cùng chồng rong ruổi khắp nơi trên chiếc mô tô “khủng” |
Chiều theo ý mẹ, chị lấy chồng, hai đứa con ra đời. Cuộc hôn nhân không có tình yêu khiến đời chị ngột ngạt. Miếng cơm thiếu thốn đã đành, chị còn thiếu cả sự sẻ chia, thấu hiểu của chồng, lại phải chịu đựng sự mắng chửi, lạnh lùng. Chị vùng vẫy thoát ra, may mà thoát được.
Gửi hai con nhỏ cho mẹ, chị xuôi ngược kiếm tiền bằng nghề làm móng dạo. Không có điều kiện học nhiều chữ, nhưng chị học lóm nghề rất nhanh, lại khéo tay nên được lòng khách. Chị lội khắp các con hẻm, có nhiều khách, nhưng thu nhập chẳng là bao. Tay nghề cứng, chị tự tin đến với khách “nhà giàu”, những người thường tới lui các nhà hàng. Theo chân họ, chị đến tận Vũng Tàu.
Lúi húi, chăm chú với móng tay, móng chân của người, chị vẫn không giấu được gương mặt xinh, nụ cười đẹp. Một bà chủ nhà hàng ở Vũng Tàu mời chị về làm tiếp viên: “Chỉ cần ngồi nói chuyện với khách, cho khách vui”, nhưng không có lương, chỉ hưởng tiền “bo” của khách.
Chị không chê nghề làm móng tay vất vả, thấp kém, nhưng các con ngày càng lớn, mẹ ngày càng già, cần có nhiều tiền hơn. Đàn bà đâu ai muốn mình lam lũ mãi, có cơ hội “mặc đẹp, ăn ngon” sao lại chối từ, nhan sắc lại luôn có hạn và biết đâu ngồi bàn tiếp khách lại gặp được người thương mình.
Đúng như lời bà chủ nhà hàng dự đoán, chị là một trong những tiếp viên đắt khách, dù không biết uống bia, nhảy đầm. Kiểu nói chuyện chân tình, mộc mạc, nụ cười tươi rói của chị khiến nhiều người mến mộ. Thế nhưng, nghề tiếp viên nhà hàng thường chịu nhiều thị phi, tai tiếng. Nhưng Thủy lại nghĩ khác, nghề không xấu, chỉ có người xấu. Lòng tự trọng giữ chị lại trong phạm vi đón và tiếp khách, để khách cảm thấy thân quen khi đến nhà hàng. Điều làm chị vững vàng hơn là những đứa con.
Nói vậy chứ Thủy cũng đôi lúc “xao lòng” trước cái nhìn say đắm của đàn ông có gia đình, giữ cho chữ tình không vượt quá giới hạn là một điều gian nan. Cho đến nay, chị vẫn không hổ thẹn với mình, không vướng vào nạn “giựt chồng người”. Chị không sợ miệng lưỡi người đời, nhưng sợ quả báo. Đời đã vay, thì phải trả. Chị sống thanh thản vì hiểu và sống theo quy luật đó.
Chị cũng không nghĩ đến chuyện đi bước nữa, vì “đàn ông tốt thường không bỏ vợ”. Chị yên phận, sống vậy nuôi con. Chị cưng mấy con chó, coi chúng như người thân. Sở thích của chị là cưỡi… mô tô. Chị mê tốc độ, say tiếng động cơ. Mua một chiếc xe rẻ tiền, chị học cách “độ” lại để “đua” với dân chơi xe phân khối lớn.
Thủy là người nữ duy nhất trong đoàn mô tô quận 10, thường có mặt trong các sự kiện đón huân chương, mở đường cho các cuộc đua xe đạp… Được sống với đam mê, chị như tìm lại được con người thật của mình. Với Thủy, “hạnh phúc là được làm những gì mình thích”, nên chị lại càng cảm thấy mình may mắn.
Nồng nàn để yêu
Một lần chị dạo chợ Bến Thành, ánh nhìn của chị chạm vào một anh Tây, thấy ngộ vì “ảnh bụi từ cái nón đến đôi giày”. Nghe chị nói tiếng Anh, anh Tây nhíu mày, nhăn trán “hổng hiểu”. Vậy mà ảnh lại thích đi theo “cô gái lạ” này để thăm thú Sài Gòn.
Hai tính cách đều bụi nên thu hút nhau. Tình yêu không cần nhiều đến ngôn ngữ, hình như “ai nói người đó nghe”, nhưng họ cảm được “mình đã gặp một nửa của mình”. Anh người Đức, đang là thuyền phó tàu chở hàng viễn dương. Thủy chỉ biết thế thôi, lúc chia tay, Thủy bảo anh: “Có đến Sài Gòn nữa, thì gọi tui, tui đưa đi chơi”.
Lần sau, anh sang Sài Gòn, mang theo nhẫn cầu hôn. Người đàn ông tuổi gần 40, thích lênh đênh trên biển nay bỗng nhiên muốn cảnh “chim vào lồng”. Hóa ra tự do của đời độc thân cũng không thể cưỡng lại hạnh phúc của hôn nhân.
Ngày thành hôn, chú rể Tây mặc áo dài, khăn đóng, cúi lạy bàn thờ tổ tiên nhà vợ, khoanh tay cảm ơn má vợ. Dù Thủy đã qua một đời chồng, nhưng một khi muốn sống với người đàn ông khác thì cũng phải cưới xin hợp pháp và đúng truyền thống. Sự đòi hỏi danh phận rõ ràng của người đàn bà khiến đàn ông nể nang. Say tình đến đâu, thì Thủy cũng không quên mình có hai đứa con, đám cưới nghiêm túc cũng là để con “nở mặt, nở mày”, tự hào gọi chồng của má là ba.
Chị theo anh sang Đức, mới biết rõ anh là “con nhà danh giá”. Mẹ anh là hiệu phó của một trường khiếm thính, bố anh là kỹ sư, một thời là đại đội trưởng đội tên lửa, ông ngoại anh là phi công.
Một nhà báo Đức muốn phỏng vấn chị. Chị nhã nhặn “để về hỏi ý kiến của bố mẹ chồng”. Kiểu ứng xử lễ phép đó làm cả gia đình chồng yêu quý chị. Ông xã chị cũng rưng rưng khi đọc báo, biết vợ mình thổ lộ: “Tôi lấy chồng thì quê chồng cũng là quê hương của tôi”.
|
Vợ chồng chị Thủy bày tỏ lòng biết ơn mẹ trong ngày cưới. |
Thủy yêu Sài Gòn da diết, yêu từng con đường, góc phố. Một thời để nhớ của chị là những hoạt động ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP.HCM. Hồi đó, Thành Lộc ở đội múa, còn Thủy ở đội thuyết minh. Mỗi lần có khách đến tham quan, Thủy được vinh dự giới thiệu với khách nét đẹp của TP.
Chị thương con hẻm hun hút vào ngôi nhà nhỏ lưu biết bao dấu chân mẹ về sau một ngày nặng nhọc. Ai cũng nghĩ Thủy lấy chồng Tây, thế nào cũng theo chồng, đưa con sang Đức; vì thế, họ ngạc nhiên khi thấy “anh chồng Tây ở rể, đi làm về lúi húi giặt đồ, lau nhà, chăm sóc con”. Chị lý giải: “Ảnh hiểu vợ, thương vợ nên chiều vợ. Theo chồng đi khắp nơi, rồi vợ cũng chỉ thích nhất là về nhà mình”.
Anh lên chức thuyền trưởng, người ta bảo “lấy vợ hên”, nhưng anh bảo đó là ý vợ muốn thế, chứ anh ngại trách nhiệm. Vì công việc, nên cứ vài tháng, anh mới được về với vợ con. Khoảng thời gian xa cách, anh mới biết đang sống với người đàn bà lãng mạn, luôn “đói khát” những lời yêu thương.
Anh thích gọi điện, chị thích viết thư, để được nắn nót viết tên anh “Neumeister Walter Holger”. Cách đây hai năm, món quà anh tặng vợ là một chiếc mô tô “khủng”, lạ và độc đến mức vừa xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, nó đã được lên báo. Bây giờ, anh đã bị lây sở thích “cưỡi mô tô” của vợ. Chiếc xe được ráp ở Đức, mua phụ tùng từ Mỹ, đưa về Sài Gòn bằng máy bay.
Đàn bà được chồng cưng, hạnh phúc luôn lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười. Chị Thủy bảo tại số, nhưng để được nhận lại, chị cũng cho đi rất nhiều. Mỗi lần sang Đức, chị chỉ muốn ở nhà chăm sóc, trò chuyện với bố mẹ chồng. Bố chồng nhập viện vì bệnh tim, ngày nào chị cũng đến thăm ông.
Chị tin tưởng chồng cả tiền lẫn tình, nhưng lấy chồng thủy thủ “trần ai, khoai củ” lắm, “tim cứ muốn vọt ra khỏi lồng ngực”. Chiếc tàu chở hàng có to đến đâu, thì cũng nhỏ bé với đại dương. Có lúc anh gọi điện về giữa cơn bão, chỉ để nói tiếng yêu vợ con lần cuối, có lúc tàu có nguy cơ bị cướp, chị nghe giọng anh lạc đi trong điện thoại… và những lần đó, chị thức suốt đêm, nước mắt lưng tròng, đốt nhang cầu nguyện trời đất… để mong cho chồng được bình yên. Ngày mẹ chị mất, ngày chị sinh con, lịch đi tàu của anh lại thay đổi, hình như ông trời “xui khiến” để anh ở bên chị, chia sẻ, đỡ đần.
Cưới nhau gần 20 năm, bây giờ, những cuộc điện thoại họ gọi nhau là ưu tiên cho những thăm hỏi, dặn dò về sức khỏe, người này đau ốm, người kia cũng ốm đau theo. Chị dặn các con riêng của mình: “Phải biết chăm sóc ba, vì ba đã hết lòng yêu thương các con như ruột thịt”.
Chị mong ngày anh về hưu, con cái khôn lớn, vợ chồng được ở trong một ngôi nhà có sân vườn, có nơi trưng bày chiếc xe mô tô. Rồi vợ chồng chị sẽ về quê chồng, vào những khu rừng, cùng nhau hái nấm, ngắm hoa….
Trường Sơn