PNO - Không có đàn ông, đàn bà vẫn sống tốt. Một khi đàn bà đảm nhận cùng lúc hai thiên chức (làm cha, làm mẹ), họ có thừa sự dịu dàng và dư sự mạnh mẽ vững tâm.
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao vì sự việc trao nhầm trẻ sơ sinh ở bệnh viện Ba Vì sáu năm về trước. Vụ việc là có thật, những đứa trẻ vô tội là có thật, nhưng đằng sau những cái nhầm lẫn tai hại hại này, khắc khoải trong chúng ta nỗi đau của những người làm cha làm mẹ. Nhất là khi “trăm dâu đổ đầu tằm” lên người phụ nữ.
Ảnh: Internet
Nhân vật tôi muốn nói đến đầu tiên là chị Vũ Thị H. – người mẹ đáng thương hơn bất cứ người đàn bà nào khác. Ngày chị vỡ òa đón con trai chào lòng cũng là khởi đầu cho những ươm mầm ngờ vực. Con không giống mẹ, giống ba, giống bất cứ ai trong gia đình thì chỉ có thể “con của một ai khác” ngoài chồng chị. Tình ngay lý gian, nỗi oan Thị Mầu ở một vùng quê thời @ lại sống lại. Bước cuối cùng của tờ giấy ly hôn là sự đổ vỡ niềm tin, nhân phẩm bị xúc phạm và quan hệ gia đình bị xáo trộn. Chỉ có sự hao mòn thể xác của chị H. theo thời gian là minh chứng cho nỗi đau và sự uất ức mà người mẹ - người vợ này không biết tỏ cùng ai.
Chị Lê Th. người Hà Tĩnh cũng là người mẹ đáng thương hơn đáng trách. Tình yêu thời sinh viên của chị đẹp như tờ giấy trắng. Chỉ vì muốn bước qua ranh giới của sự “môn đăng hộ đối”, chị đã cùng anh “uống thuốc liều” khi “ăn cơm trước kẻng” để đẩy hai gia đình vào thế đã rồi. Tưởng rằng một đám cưới sẽ được diễn ra khi cái thai ngày một lớn, nào ngờ bạn trai chị “chạy làng” khi vào Nam lánh nạn theo sự chỉ đạo của gia đình. Không nghề nghiệp, không người thân, không một đồng xu giắt túi, đứa con gái ra đời trong nỗi uất hận và túng thiếu của hai mẹ con.
Không giống chị Th., cũng không phải trường hợp của chị H., chị Hoàng L. – quê Gia Lai ra Huế lập nghiệp. Chị đã cùng chồng chật vật bao nhiêu năm chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm tiếng khóc cười con trẻ. Cầu được ước thấy, tám năm sau chị nhận được tin mình có bầu. Khỏi phải nói niềm vui và sự háo hức trào dâng như thế nào khi chị lên bàn mổ. Một bé gái bụ bẫm hồng hào được chuyền từ tay anh sang tay chị đến tất cả thành viên nội tộc hai bên. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi con chị không phát triển các chỉ số như những đứa trẻ bình thường. Nó chẳng khóc, chẳng cười, đút gì cũng há miệng mà không có phản xạ. Ôm đứa con đỏ hỏn vào viện, bác sĩ chẩn đoán cháu có dấu hiệu của bệnh down. Thế giới như sập lún dưới chân chị.
Mọi tình thương của chị dồn hết tất cả vào con khi chị dần cảm nhận sự thờ ơ và thất vọng trong mắt chồng. Anh ít về nhà sau giờ tan ca, chơi với con chỉ mang tính chiếu lệ. Rồi anh nói, anh được điều động về quê công tác, chị hơi bất ngờ nhưng cũng ủng hộ. Nào ngờ anh đi luôn cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ của một người làm cha như chưa hề hiện hữu.
Ảnh minh họa
Không ít người cho rằng, đàn bà lấy chồng chỉ lãi mỗi đứa con. Có lẽ không có bất cứ ai, ở nơi nào trên trái đất này lại tính lời lỗ, thiệt hơn khi bước vào hôn nhân nghiêm túc. Hạnh phúc gia đình là niềm mong mỏi của bất cứ ai, bất cứ người đàn bà nào. Trái ngọt đầu đời thường được cụ thể bằng những sinh linh. Có con đã khó, sinh con càng đau, nuôi con là một công trình và dạy con là một kỳ công. Người phụ nữ bao giờ cũng đau đáu điều này.
Đàn bà vốn yếu đuối, dẫu có tỏ ra mạnh mẽ đến nhường nào họ luôn cần một bờ vai. Họ muốn được sẻ chia, được đồng cảm, được tin yêu để có thêm động lực gánh nốt thiên chức của một người vợ - người mẹ. Nói nhiều cũng là vì nhiều việc quá, dữ dằn cũng là vì tối mắt từ mờ sáng đến tận khuya. Duy chỉ có sự thủy chung là càng lúc càng đằm thắm mặn mà. Ấy vậy mà đàn ông nào hiểu thấu.
Ảnh minh họa
Chỉ vì con không giống ai mà đem lòng ngờ vực, chỉ vì không dám trái lệnh cha mẹ mà chạy trốn tình thân, chỉ vì con bệnh tật để rồi hèn nhát chối bỏ. Bất hạnh thay cho những người đàn bà lỗi nhịp nhưng cũng may mắn thay khi họ không sống với những người đàn ông ấy suốt cả cuộc đời. Khi tình yêu không đủ lớn, họ sẽ mãi không thể là trụ cột để vợ con nương náu. Dũng khí và sự can đảm, bao dung của người đàn ông chỉ thực sự mạnh mẽ khi họ dám đối diện và chấp nhận, dẫu đó có là hiện thực phũ phàng.
Không có đàn ông, đàn bà vẫn sống tốt. Thực tế là chị Th. và chị L. đã sống thế, họ vẫn ngẩng cao đầu khi các con giờ đều khôn lớn. Điều đáng quý hơn là các con họ luôn tự hào về mẹ của mình. Một khi đàn bà đảm nhận lần hai thiên chức (làm cha, làm mẹ), họ có thừa sự dịu dàng và dư sự mạnh mẽ vững tâm. Tôi tin, chị Vũ Thị H. cũng sẽ làm được như thế bởi chị không đơn độc. Cứ yêu cứ tin và trân quý những gì mình đang có, hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười trên mỗi chằng đường ta đi.