Đàn bà cứ phù phiếm đi

18/10/2017 - 16:00

PNO - Phù phiếm là một cách giải phóng ưu phiền, có sao đâu nếu điều ấy chẳng gây tổn hại cho ai và giúp chính chủ vượt qua sầu muộn, khó khăn.

Thanh, cô bạn tôi, có tật nghiện mua sắm. Thanh từng thú nhận, trong tất cả thú vui của phụ nữ, chỉ có việc lượn lờ các trung tâm thương mại hay vi vu trên mạng để “săn” hàng giảm giá mới khiến cô vui hơn cả.

Dù vậy, Thanh vẫn hay than buồn - khi thì chuyện con lười học bị cô giáo mắng vốn, lúc thì phát hiện chồng lại tí tởn đẩy đưa với một cô em nào đó. Nhưng chỉ cần mua được món hàng hiệu với giá sale-off “khủng”, Thanh lại khoe, tựa như những phiền muộn kia không hề tồn tại. Tôi nhiều lúc cũng loay hoay với những ưu tư của riêng mình, thấy an tâm khi Thanh sống vui nhờ những niềm vui phù phiếm ấy mà không cần đến sự chia sẻ của tôi.

Dan ba cu phu phiem di
 

Cô em họ của tôi lại có sở thích “khoe” giọng trên facebook. Nhung lãng mạn, sành nhạc, hát hay và thường post lên mạng những clip cô hát - những bài hát không chỉ thuần túy "khoe" giọng mà còn để thổ lộ cả những tâm tư khó tỏ bày. Tôi biết Nhung không “rảnh” như một số người thường nửa thật nửa đùa châm chọc, chỉ vì Nhung quá cô đơn bên ông “chồng là chồng nhiều lúc có như không” (*). 

Chồng Nhung thà theo đám chiến hữu cho đến khi “lết bánh” hơn là cùng nằm nghe một bản nhạc vợ yêu thích - thứ anh cho là phù phiếm, chán phèo. Chẳng biết anh có nhận ra vợ mình đang ngày càng đắm chìm vào thế giới ảo, chỉ vì ở nơi đó, Nhung mới tìm thấy sự vỗ về, an ủi, thậm chí có chút tâng bốc và cả sự đồng điệu, sẻ chia.

Nhung bảo, không lẽ chia tay chỉ vì chồng vô tâm, ích kỷ? Nhưng một cuộc sống chỉ có thể khiến Nhung cứ thấy tẻ nhạt, vô vị. Việc gì phải hà khắc với mình khi việc "sống ảo" một tí trên mạng cũng đủ giúp cô nhẹ nhàng đi qua phiền muộn, để tiếp tục lèo lái con thuyền hôn nhân?

Dan ba cu phu phiem di
Ảnh: Internet

Quá tứ tuần, Hà đi học vẽ. Bạn bè, người vui tính thì bảo Hà dở hơi, kẻ tọc mạch nghi Hà có "tình yêu tình báo" gì đấy nên mới có chuyện từng ấy tuổi lại đâm lãng mạn một cách… lãng xẹt. Tôi hiểu, bạn chả có tư tình gì đâu, chỉ là giấc mơ ngày còn trẻ từng không có điều kiện thực hiện thì nay, đã tạm gác qua bên nỗi chật vật áo cơm, con mọn, bạn chỉ khơi lại đam mê. Những bức vẽ không đâu vào đâu, chẳng có chút ấn tượng nào về bố cục, màu sắc hay chuyển tải ý nghĩa gì đặc biệt nhưng cũng đủ khiến Hà lâng lâng khi đọc những bình luận có cánh, xã giao là chính, những cái “like sỉ” của bạn bè trên mạng.

Người ta bảo đàn bà phù phiếm, ít khi thực tế. Không biết đó là nhận định tiêu cực hay tích cực, nhưng chỉ cần tưởng tượng khi trò chuyện mà đàn bà cứ lải nhải chuyện tiền nong, càm ràm chuyện con đau ốm hay ca cẩm ông chồng bê tha, chuyện đồng nghiệp hơn thua, bêu xấu… cũng đủ khiến tôi ngán ngẩm. Thực ra họ vẫn thực tế đấy chứ. Họ biết, ý thức và vẫn luôn lo lắng cho những chuyện đó; nhưng nếu nói ra, liệu chúng có khiến người nghe thấy cuộc sống nhẹ nhàng, đẹp đẽ hơn không?

Nhiều người bảo, phụ nữ lâu lâu cũng nên phù phiếm một chút, kiểu “cho ta nương nhờ chút thở than” (**), để quên đi những nhọc nhằn thường nhật, những phiền muộn đắng cay mà cuộc sống dẫu trọn vẹn thế nào cũng khó tránh khỏi. Hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, phụ nữ vốn yếu mềm. Một lời khen ngợi, dù xã giao, cũng đủ khiến họ hạnh phúc cả buổi. Một lời động viên ân cần cũng đủ khiến họ ấm lòng với cảm giác được thấu hiểu, sẻ chia.

Vậy thì, đừng tiếc chi một lời động viên đúng lúc hay một cánh tay chìa ra khi họ sắp ngã. Khi họ không tìm được một điểm tựa vững chắc, mà bản thân lại quá mong manh để có thể tựa nương chính mình, cũng nên cảm thông nếu họ đôi khi lãng đãng; miễn là (sự miễn trừ không thể thiếu) sự phù phiếm của họ không ảnh hưởng đến ai, cũng không dẫn đến những phiền muộn, cay đắng nặng nề hơn khi họ bước ra khỏi vùng lãng đãng ấy để về với đời thực.

 Chẳng phải sao, khi đàn bà phù phiếm, họ trở nên lung linh hơn rất nhiều? Và bởi, khi cuộc đời cho phép, hà cớ gì họ không được quyền mơ mộng, kể cả đôi chút viển vông? 

Lê Thị Ngọc Vi

(*) Lời cải biên ca khúc Tình có như không của Trần Thiện Thanh.
(**) Lời ca khúc
Ru đời đi nhé của Trịnh Công Sơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI