Đàn bà có tiền, có nhan sắc vẫn muôn đời khổ hơn đàn ông

02/04/2017 - 06:30

PNO - Có lẽ phụ nữ “mắc” vào hai chữ “thiên chức” khó “cựa quậy”. Xã hội hiện đại, phụ nữ đấu tranh để được bình đẳng, nhưng xét cho cùng, 'cái “khổ” của phụ nữ là vì họ là… phụ nữ.

Chị bảo, sống phụ thuộc người chồng có thu nhập không cao là một thách thức, ngay cả khi chị đã gói ghém tài chính sao cho khỏi thiếu trước hụt sau, lên kế hoạch chi tiêu, rồi việc phát sinh luôn luôn lường trước. 

Dan ba co tien, co nhan sac van muon doi kho hon dan ong
 

Tuy nhiên, đối diện với những cơn ngặt nghèo vẫn là chuyện thường ngày, nhất là khi con bệnh, là những tấm thiệp mời hay tiệc tùng bất chợt… Từng đi làm để chia sẻ gánh nặng với chồng và giải thoát cho bản thân, thế nhưng từ khi con gái hay bệnh vặt, chồng khuyến khích ở nhà chăm con và quản việc nhà, chị mềm lòng nghe theo. 

Chồng chị vốn sĩ diện, ưa cầu toàn, lương không cao, nhưng cũng không muốn vợ bươn chải. Đi làm về, thấy nhà cửa ngăn nắp, vợ con sáng sủa, gọn gàng, là chồng ưng ý. Cuộc sống đạm bạc, nhưng có phần ấm cúng. Một thời chị hài lòng.

Chồng chị hay bảo vợ là “cái đụt”. “Cái đụt” sâu hay cạn là do sự vén khéo của người vợ. Trời ạ, lương của chồng chỉ đủ trang trải, vậy mà chồng luôn nghĩ tới “cái đụt sâu”.

Chị dù từng phản pháo lại, nhưng vẫn âm thầm “may đụt”. “Vén” sao cho khéo là câu hỏi luôn làm khó chị. Xén bớt tiền chợ thì mâm cơm làm gì còn chất lượng (dù chị cũng đã từng xén). Chạy trốn đám tiệc, thì chỉ có sống với… ma. Cuộc sống đã không được hưởng thụ, mà lại cắt xén những khoản chính đáng, thì nguy mất. Chồng đã mở lời như thế, chị thấy lòng trĩu nặng.

Mỗi lần lên ban công phơi quần áo, chị liên tưởng, trong dòng người hối hả dưới kia, có kẻ đi làm để mua vui, nhưng có người phải bươn chải để kiếm sống. Mỗi cây mỗi hoa, cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, chị đã hiểu giải quyết câu chuyện đời mình là trách nhiệm của chính chị, không phải nương tựa vào bất cứ lý do nào khác.

Dan ba co tien, co nhan sac van muon doi kho hon dan ong
 

Bạn bè mỗi khi động viên chị đi làm thường nói: đi làm là quyền lợi. Quyền được kiếm tiền chính đáng để mua cái áo lót mới, mua cây son, chiếc lược, được ăn món bún riêu cua khoái khẩu mà không phải ngửa tay xin chồng, đó còn là cách tôn trọng bản thân. Đi làm còn là nghĩa vụ. Nghĩa vụ góp gạo thổi cơm chung, không nên để ai nuôi ai, trừ khi cha mẹ phải có bổn phận với những đứa trẻ.

Vì thế, chị phải có việc làm, thì mới có cơ hội sở hữu một “cái đụt”, dù cạn. Có “đụt”, mới có khí thế để phấn đấu, làm sao để tài sản trong “đụt” ngày một đầy hơn, khi ấy chị sẽ thực hiện được nhiều điều mình muốn, dù chỉ là những điều nhỏ nhất mà ngày trước chị phải “nhờ” chồng thực hiện giúp. Đi làm, sẽ thấy mình có giá trị, bởi không còn cảnh sống phụ thuộc.

“Chẳng ông chồng nào đòi ly hôn khi vợ muốn đi làm. Chẳng ông chồng nghèo nào rẻ rúng số tiền chính đáng từ sức lao động của vợ. Sĩ diện mức độ nào đi nữa, chồng cũng sẽ mềm lòng trước những bộc bạch thật lòng của vợ. Vấn đề còn lại là khả năng tâm tình để chồng hiểu và thông cảm…”. Mấy lời của chị, giờ nghe nhẹ tênh, hẳn chị đã rút ra nhiều bài học sau mấy năm ngồi nhà… ăn bám.

Nhiều người cho rằng, phụ nữ muôn đời khổ hơn đàn ông, cho dù họ nhiều tiền hay có nhan sắc. Có lẽ phụ nữ “mắc” vào hai chữ “thiên chức” khó “cựa quậy”. Xã hội hiện đại, phụ nữ đấu tranh để được bình đẳng, nhưng xét cho cùng, dù bình đẳng ở mức độ nào, cái “khổ” của phụ nữ là vì họ là… phụ nữ, vốn giàu xúc cảm, hay động lòng, khó mà làm ngơ trước đôi mắt đờ đẫn sắp phát sốt của con trẻ, hay một tiếng khóc không lý do. 

Mủi lòng, lo lắng, không có nghĩa là họ không đủ mạnh mẽ để bày tỏ nguyện vọng, hay đấu tranh để đi tìm hạnh phúc. Như chuyện được làm việc, là một trong những quyền lợi chính đáng nhất, là nấc thang để phụ nữ chạm chân vào hạnh phúc, mà không một nhân danh nào có thể cản trở.

Bạn học thuở nhỏ của tôi một thời sống cảnh “chim lồng”, ngay khi con cái đã lớn. Đến bữa ăn sáng, chồng cũng mua về, cứ ngỡ được chồng yêu thương. Một ngày, hay tin ông chồng ngoại tình, bạn mới chịu vịn giường đứng dậy, ló dạng ra trước... mặt trời.

Bước ra khỏi nhà và đi làm hay dù ở nhà mà vẫn kiếm ra tiền, cách nào cũng thú vị đối với phụ nữ. Tiền bạc là “huyết mạch”. Có thể tiền không quyết định hạnh phúc, nhưng nếu phụ nữ không làm ra tiền, nhất định sẽ kém hạnh phúc.

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI