Đàn bà có thể chịu đựng sự nghèo khó nhưng không chấp nhận sự ích kỷ của đàn ông

06/03/2019 - 18:00

PNO - Đàn ông dù cứng rắn tới đâu, cũng có thể tan chảy vì những thật lòng, vì sự mềm dẻo của đàn bà. Có phải má đã thiếu những “chiêu” đó, hay ba tôi là người đàn ông quá tệ?

Một ngày, má dặn chị em tôi: sau này má có chết đi, nhớ đừng chôn gần ba con, cũng đừng thờ má cạnh ba con. Má muốn kiếp sau thảnh thơi, không vướng víu ông ấy.

Chuyện má không chịu nỗi tính cách ba, thì đứa con nào cũng biết. Ngày trước má than thở dữ lắm, má cho mình số khổ, bảo ba gia trưởng, ích kỷ, tàn nhẫn. Má than đến nỗi đám con cái mệt mỏi, không đứa nào hưởng ứng lời than ấy, rồi má trách: “M:á có cảm giác, bây giờ đứa nào theo phe ổng!”.

Dan ba co the chiu dung su ngheo kho nhung khong chap nhan su ich ky cua dan ong
Ba tôi là người đàn ông gia trưởng. (Ảnh minh họa)

Dần dà, má ít than hẳn. Cả chục năm nay hiếm khi má than. Vậy mà, đùng một cái, má dặn dò như lời trăn trối. Chị em tôi cảm giác: má không than không phải là ba trong mắt má đã hết ích kỷ, hết tàn nhẫn, mà là má chịu đựng, bởi má nói ra chỉ để để giải tỏa lòng má, chớ với con cái, là gieo sự mệt mỏi.  

Ba tôi là một người đàn ông cực kỳ gia trưởng. Ông luôn có những nguyên tắc khô cứng. Tôi nhớ một hôm má ốm, má chỉ muốn nằm nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng ba thì bảo: “Bà hãy xuống rửa mớ chén bát, rồi nghỉ ngơi sau, còn không tui mang thau chén đổ ra đường”.

Tôi là chị cả, khi ấy 12 tuổi, chưa biết rửa chén. Mọi thứ thuộc về việc nhà, là phần của má, ba tôi không bao giờ mó tay vào những… chuyện đàn bà ấy. Má tôi dù đang rất mệt, vẫn lê thân xuống rửa xong mớ chén bát, chứ nhất định ba không rửa giúp, mà cũng không cho để qua hôm sau, vì má “chỉ mệt thôi, đâu phải nằm liệt một chỗ!”.

Ba không những chưa một lần khuyến khích, mà còn dè bỉu chuyện phụ nữ đi cà phê, uống bia, dù chỉ là uống trong những bữa tiệc gia đình. Cho nên, xong việc là má về nhà, hình như từ ngày lấy ba, má chưa từng vào quán cà phê. Quần áo, cái nào ba thích, thì má mới mặc. Đó chỉ là vài những bằng chứng mà chị em tôi cho rằng, ba thiếu tế nhị, chưa thông cảm với má, còn má tôi thì bảo ba nhẫn tâm và ích kỷ.

Má cần gì ở ba? Tiền bạc ư? Ba má tôi đều là công nhân, nhờ làm thâm niên nên thu nhập cũng ổn, má lại biết vén khéo, nên tôi không nghĩ rằng má cần người đàn ông nhiều tiền. Má cũng chẳng ngại việc nhà, má bảo: cứ cho rằng chuyện nhà là của đàn bà cũng chẳng sao.

Dan ba co the chiu dung su ngheo kho nhung khong chap nhan su ich ky cua dan ong
Má bị tổn thương bằng lời nói, má thiếu sự chia sẻ, thông cảm ở ba. (Ảnh minh họa)

Má bị tổn thương bằng lời nói, má thiếu sự chia sẻ, thông cảm ở ba. Đó là nguyên nhân khiến má dặn dò chúng tôi: “Má có chết, không chôn gần ba, cũng không thờ chung một bàn thờ!”. Tôi nghiệm ra rằng, đàn bà có thể chịu đựng sự nghèo khó, chứ nhất định không chấp nhận sự ích kỷ, tàn nhẫn từ bất cứ người đàn ông nào.

Tôi hiểu má, tôi hiểu lời than, như một sự căm ghét của má. Nhưng tôi cũng rất yêu thương ba. Phải chi má có cách để khiến ba thay đổi. Thay vì than thở, má tôi có thể chia sẻ với ba. Đàn ông dù cứng rắn tới đâu, cũng có thể tan chảy vì những thật lòng, vì sự mềm dẻo của đàn bà. Có phải má đã thiếu những “chiêu” đó, hay ba tôi là người đàn ông quá tệ?

 Mai Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Oanh 29-07-2022 12:12:51

    Tôi cũng là nạn nhân của đàn ông gia trưởng mà cụ thể là bố chồng bố đẻ, anh trai và nhất là chồng tôi. Cái thói ấy nó trở nên đậm đặc làm bóng đêm u ám đè xuống cuộc đời tôi, làm tôi căm ghét người gọi là chồng. Tôi căm ghét chồng tôi nhưng tôi vân không ly dị được vì nhiều lẽ. Tóm lại, người gia trưởng họi tụ đầy đủ những tính xấu như nhẫn tâm, vô cảm, tham lam, ích kỷ, vô ơn bạc nghĩa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI