Dám sống một cuộc đời rực rỡ

12/02/2022 - 05:52

PNO - Dám sống một cuộc đời rực rỡ - là cách để những cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam truyền cảm hứng đến hơn 49.356.000 phụ nữ Việt về sự rực rỡ. Như khẩu hiệu World Cup nữ 2019 "Dám tỏa sáng" (Dare to Shine).

Nguyễn Thị Xuyến, hậu vệ trái năm nào đã cùng đội tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng bóng đá nữ SEA Games 30 ở tuổi 33, là cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội hình. Giữa năm 2020, cô lên xe hoa sau vài tháng tìm hiểu qua sự mối lái của người chị. Lấy chồng ở tuổi 34, Xuyến cũng như bao đồng đội đã đánh đổi cả thanh xuân cho trái bóng.

Chồng cô không phải đại gia, không có xe sang vài chục tỷ đồng. Anh là công nhân cầu đường và lái một chiếc xe lu. Trong khi đó, hãy nhìn sang đội tuyển nam, bao nhiêu cầu thủ đang sở hữu xe sang, có bạn gái là hot girl, hoa hậu. 

Bằng khát vọng đưa cái tên Việt Nam vươn ra thế giới,  những cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã trở thành những “người hùng” - ẢNH: INTERNET
Bằng khát vọng đưa cái tên Việt Nam vươn ra thế giới, những cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã trở thành những “người hùng” - Ảnh: Internet 

Nguyễn Thị Tuyết Dung, “Ronaldo của bóng đá nữ Việt Nam”, từng được AFC ví như “Beckham nữ”, cầu thủ nữ duy nhất trên thế giới ghi được hai bàn bằng pha đá phạt góc, từng bật khóc khi nhận Quả bóng vàng hồi tháng 1/2021 vì… bố bắt lấy chồng. Thật hiếm có cầu thủ nữ nào ở Việt Nam đã có chồng mà vẫn còn thi đấu ở đội tuyển quốc gia, đừng nói là có con.

Phụ nữ sau khi có con rất khó giữ được thể lực. Nói vậy để thấy rằng thanh xuân đánh đổi lấy trái bóng là đổi thật, mất thật. Hy sinh hạnh phúc cá nhân, bật khóc trước chữ “Hiếu”, bao nhiêu cô gái đã dành trọn thanh xuân của mình với quần đùi áo số? Như trận đấu play-off giúp Việt Nam giành vé tham dự FIFA Women’s World Cup 2023 dưới cái nắng cháy da giữa trưa ở Ấn Độ, làn da nào chịu nổi? Đàn ông thế gọi là phong trần, rắn rỏi. Phụ nữ thế gọi là gì thì… ai cũng biết. Nghe rất đau lòng. 

Thế nhưng, tôi không than khóc cho bóng đá nữ; bởi nói về những thiệt thòi của phụ nữ đá bóng thì không phải chỉ ở Việt Nam. Đội tuyển nữ của Mỹ cũng chịu thiệt thòi không kém dù họ đã bốn lần vô địch thế giới, dù nước Mỹ đã có đạo luật Title IX - đạo luật bắt buộc các trường học phải dành ngân sách tương tự cho cả đội bóng nam lẫn đội bóng nữ. Nhờ đạo luật này, nước Mỹ đã tạo ra nền bóng đá nữ phát triển nhất thế giới. Vậy nhưng thu nhập của cầu thủ nữ ở Mỹ vẫn thua xa thu nhập cầu thủ nam dù đội tuyển nam của họ chưa bao giờ vô địch thế giới.

Thế nên, nếu so sánh đội tuyển nữ Việt Nam, sáu lần vô địch SEA Games, ba lần vô địch Đông Nam Á, tứ kết châu Á và giành vé tham dự World Cup 2023, với đội tuyển nam thì cũng… như Mỹ thôi. Thúc đẩy bình đẳng giới là câu chuyện toàn cầu và cả ở Việt Nam, nhân sự kiện những cô gái của chúng ta lần đầu giành được vé tham dự cúp bóng đá nữ thế giới.

Tôi muốn tặng các cô gái Việt Nam slogan riêng thay vì “Dành cả thanh xuân lấy trái bóng”. Tôi muốn dành cho các cô gái của chúng ta dòng chữ này: Dám sống một cuộc đời rực rỡ - là cách để các cô gái truyền cảm hứng đến hơn 49.356.000 phụ nữ Việt về sự rực rỡ. Như khẩu hiệu World Cup nữ 2019 "Dám tỏa sáng" (Dare to Shine).

Là một đại sứ cho chiến dịch Thanh niên chuẩn nói không với định kiến giới (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2022), tôi thật lòng mong các cô gái, những nữ thần Athena của chúng ta, sẽ lan tỏa được đến từng bé gái, từng phụ nữ yếu thế tinh thần dám sống một cuộc đời rực rỡ. Bình đẳng giới không thể là hạ thấp nam giới xuống cho bằng mình mà là tỏa sáng hơn nữa, rực rỡ hơn nữa, thành công hơn nữa.

Chiếc vé đầu tiên này là chiếc vé để Việt Nam chạm đến bình quyền, bước ra thế giới một cách rực rỡ, giới thiệu với thế giới những phụ nữ Việt dám tỏa sáng, đã tỏa sáng và sẽ rực rỡ. 

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI