Đàm phán Hàn-Triều: Những hy vọng hiếm hoi

09/01/2018 - 08:26

PNO - Các nhà đàm phán Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ cùng ngồi lại với nhau hôm nay (9/1), lần đầu tiên kể từ tháng 12/2015, sau khi Triều Tiên bất ngờ nhấc máy đường dây nóng liên Triều vào tuần trước.

Cuộc họp sẽ diễn ra tại Nhà Hòa bình trong Khu vực An ninh Liên hợp, còn gọi là Panmunjom (Bàn Môn Điếm) hay "làng đình chiến”, một phần thuộc khu phi quân sự DMZ kéo dài 250km được coi là giới tuyến chia cắt hai miền Triều Tiên.

Dam phan Han-Trieu: Nhung hy vong hiem hoi
Cuộc họp sẽ diễn ra tại Nhà Hòa bình trong Khu vực An ninh Liên hợp - Ảnh: CNN

Chính quyền Seoul cho biết, các nhà đàm phán sẽ thảo luận về việc Triều Tiên tham dự vào Thế vận hội Mùa đông sắp tới ở Pyeongchang, Hàn Quốc, vào đầu tháng tới, cũng như "các mối quan hệ liên Triều".

Các nhà đàm phán hai miền Triều Tiên đã gặp nhiều lần trước đây, nhưng tình trạng căng thẳng hay thù địch không nhờ vậy mà suy giảm, và các chuyên gia phân tích tỏ ra rất thận trọng về cuộc đàm phán ngày 9/1.

Dam phan Han-Trieu: Nhung hy vong hiem hoi
Cuộc đàm phán hôm 9/1 diễn ra vào lúc 10 giờ sáng (giờ Seoul), tại Nhà Hòa bình. Ảnh: CNN

Bước đột phá bất ngờ

Năm ngoái, những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cùng với các cuộc khẩu chiến giữa Bình Nhưỡng và Washington chi phối lớn tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp Hàn-Triều đầu năm 2018 được coi là sự lạc quan hiếm hoi trên bán đảo Triều tiên.

Mọi việc bắt đầu khi hai nhân viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc gọi đường dây nóng liên chính phủ vào lúc 9 giờ sáng và 4 giờ chiều, mỗi ngày kể từ tháng 2/2016, khi Triều Tiên cắt đứt liên lạc.

Sau gần hai năm kiên trì gọi theo đường dây nóng, cuối cùng phía Triều tiên cũng nhấc máy.

Dam phan Han-Trieu: Nhung hy vong hiem hoi
Trong năm 2017, chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên đã khiến Bình Nhưỡng và Mỹ sa lầy trong các cuộc khẩu chiến - Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt nhiều hy vọng vào bước đột phá này. Ông nói rằng điều này sẽ không xảy ra "nếu tôi không kiên quyết, mạnh mẽ và sẵn sàng đưa ra tất cả các biện pháp mạnh chống lại Triều Tiên”.

Ông Trump nhấn mạnh, "cuộc đàm phán là một điều tốt" và "Mỹ hỗ trợ Tổng thống Moon của Hàn Quốc 100%".

Như là một cử chỉ thiện chí, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đồng ý không tổ chức các cuộc tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội, dự kiến từ 9-25/2. Các cuộc tập trận Mỹ-Hàn vốn là khúc mắc trong quan hệ liên Triều.

Được hỏi về cuộc đàm phán ngày 9/1, ông Adam Mount, thành viên cao cấp Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) tham gia chính sách hạt nhân và quốc phòng, nói: "Mỹ quan tâm rất nhiều đến việc cuộc đối thoại được mở rộng để thảo luận các vấn đề như cơ chế giảm căng thẳng và ‘đóng băng’ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng”.

Tìm kiếm sự nhượng bộ

Ông Revere, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, dự đoán Bình Nhưỡng có thể cố gắng đòi Seoul nhượng bộ để đổi lấy Triều Tiên có mặt tại Thế vận hội Mùa đông.

Ông nói đó có thể là "một số loại trợ giúp, một số viện trợ giảm thiểu tác hại của lệnh trừng phạt quốc tế”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Bình Nhưỡng có thể đang xem xét là một điều gì đó lâu dài hơn như việc giảm các cuộc tập trận Mỹ-Hàn.

Ông cũng khẳng định vòng đàm phán đầu tiên “sẽ rất khó khăn”.

Dam phan Han-Trieu: Nhung hy vong hiem hoi
Đàm phán giữa hai miền Triều Tiên năm 2013 - Ảnh: CNN

Sự lạc quan thận trọng

Tuy nhiên, Chad O'Carroll, giám đốc điều hành một công ty tư vấn và nghiên cứu có tên gọi là Nhóm Rủi ro Triều Tiên (KRG), cho biết cuộc đàm phán bắt đầu với một dấu hiệu tích cực, khi hai bên nhanh chóng chọn ra nơi gặp gỡ ở Khu vực An ninh Hỗn hợp.

Ông nhận định, “đối với người Triều Tiên, động cơ tham gia cuộc đàm phán này chắc chắn là do áp lực đang gia tăng lên nước này".

Các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng của LHQ và Mỹ đang ở mức cao nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến nền kinh tế Triều Tiên, và tác động đến chính sách ngoại giao trung và dài hạn của Bình Nhưỡng.

Theo ông O'Carroll, Thế vận hội Mùa đông cũng là cơ hội để Triều Tiên xem xét nghiêm túc chính sách Ánh dương do cố Tổng thống Roh Moo-hyun của Hàn Quốc đề nghị.

 Những cuộc gặp gần đây giữa hai miền Triều Tiên:

Ngày 8/2/2013: Đàm phán quân sự cấp chuyên viên

Ngày 9-10/6/2013: Đàm phán chính phủ cấp chuyên viên

Ngày 12/2/2014: Đàm phán chính phủ cấp cao

Ngày 17/7/2014: Đàm phán về sự tham gia của Triều Tiên vào Thế vận hội Incheon

Ngày 15/10/2014: Đàm phán quân sựu cấp chuyên viên

Ngày 22-24/8/2015: Đàm phán chính phủ cấp cao

Ngày 12/12/2015: Đàm phán trực tiếp lần cuối

Ngày 10/2/2016: Triều Tiên cắt đường dây nóng

Ngày 3-4/1/2018: Đường dây nóng được nối lại và hai bên thống nhất cuộc gặp vào ngày 9/1

Nguồn: Bộ Thống nhất Hàn Quốc

Việt Hưng (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI