Đầm Ô Loan trong xanh trở lại

31/01/2022 - 14:23

PNO - Đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là di tích danh thắng cấp quốc gia, có diện tích mặt nước gần 1.570ha, ngư dân 4 xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư (huyện Tuy An) sống ven đầm.

Ô Loan là đầm nước lợ, giữa đầm có những ngọn núi nhỏ gọi là hòn Khô, hòn Chùa, hòn Lao. Cạnh đó là vũng Lắm, vũng Diều... Trên bờ có Gành Hàu, Gành Mũi, xóm Đá, xóm Lưới Gõ. Người còn lưu giữ “dấu xưa”, bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) ra đầm thắp đèn dầu đóng chấn, thả lưới bắt lịch huyết, tôm đất, cua gạch.

Xóm nhà ven đầm Ô Loan thuộc xã An Hòa Hải
Xóm nhà ven đầm Ô Loan thuộc xã An Hòa Hải

Đặc sản thượng hạng

Đặc sản trong đầm là tôm đất, cua gạch, hàu. Bà Nguyễn Thị Hiền ở xóm Lưới Gõ cho hay: Loại cua này có con to bằng cái tô, chén, càng to bằng ngón chân cái. Còn tôm đất ở đầm Ô Loan có 2 loại: tôm bạc và tôm rằn còn gọi là tôm he; trong đó, tôm bạc thịt ngon.

Tôm đất sống trong môi trường tự nhiên đầm Ô Loan được xếp vào loại thượng hạng. Tôm đất, cua gạch chỉ cần hấp hay nướng ăn một lần là nhớ mãi.

2.Nước đầm Ô Loan trong xanh
 Nước đầm Ô Loan trong xanh
Hàu bắt ở đầm Ô Loan
Hàu bắt ở đầm Ô Loan
Cua gạch ở đầm Ô Loan ngon, béo
Cua gạch ở đầm Ô Loan ngon, béo

Ngoài cua, tôm đất, đầm Ô Loan có một đặc sản nữa là sứa. Sứa đầm Ô Loan rất ngon, thịt dai, chân sứa giòn. Ven đầm Ô Loan có một vùng trước đây sứa xuất hiện dày, người dân chuyên đi bắt sứa gọi là xóm Sứa (xã An Cư). 

Trước đây do cửa biển An Hải bị bồi lấp nên nước trong đầm ô nhiễm nặng, cộng với đánh bắt hủy diệt nên gần 5 năm qua tôm đất trong đầm “vắng bóng”. 

Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, do mùa mưa năm nay kéo dài rồi lũ lớn nên cửa biển An Hải, nơi đầm thông với biển mở rộng nên nước biển tràn vào làm cho tôm đất, cua gạch xuất hiện trở lại.

Năm nay, tôm đất ở đầm Ô Loan xuất hiện khá dày. Nhiều người dân sống bên đầm, mỗi đêm đi đóng chấn bắt được 4-5kg, bán với giá 200.000 đồng/kg.

Bà Phan Thị Nhung nhà ở cạnh mé đầm thuộc xã An Hòa Hải, cho hay: Ban đêm người đi đánh bắt chong đèn sáng rực như “phố trên đầm”. Nhiều nhất là đèn đóng chấn bắt tôm đất. Nhờ vậy, tết năm nay, người dân sống ở khu vực này được hưởng lộc từ đầm.

Làm đẹp đầm Ô Loan

Ngồi uống nước trà trước thềm nhà, ông Bùi Văn Tám ở xã An Cư cho rằng: Trước đây đầm Ô Loan “chết” vì lờ 12 cửa ngục (lờ bóng Thái Lan ngư dân còn gọi là lờ 12 cửa ngục vì loại này đánh bắt hủy diệt, dây lờ thường có 12 miệng). Nghề thả lưới quăng chài bắt con cá con tôm còn giữ lại “tài sản” dưới đầm, còn lờ 12 cửa ngục bắt từ con lớn đến con nhỏ.

5.Người còn lưu giữ “dấu xưa”, bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) ra đầm thắp đèn dầu đóng chấn, thả lưới bắt lịch huyết, tôm đất, cua gạch.
Thả lưới bắt lịch huyết, tôm đất, cua gạch

Ông Bùi Long (76 tuổi), người chuyên làm nghề đóng chấn ở xóm Đá, cho hay: Thả lờ 12 cửa ngục, châm xung điện thì hủy diệt từ hải sản lớn đến hải sản mới mở mắt. Có những năm hải sản trong đầm cạn kiệt. Đầm mang trong mình bụng nước, trở thành đầm… than thở. Có lúc rong giẻ, rong nhớt nổi lên từng đám dày phủ kín mặt đầm.

Ngư dân Trần Văn Hưng ở xã An Cư cho rằng: Trước đây, cọc tre cắm giăng mùng để bắt vẹm như bãi chông dưới đầm nhìn đau mắt, còn lưới mùng giăng “bó” kín đầm. Cồn Phú Sơn (xã An Ninh Đông) nằm gần bờ, đến mùa sinh sản, tôm đất rạy (mới nở), nhưng do lưới mùng bắt vẹm giăng kín, tôm mẹ không vào được nên đẻ ngoài xa bị cá rô phi ăn hết, cộng với đánh bắt hủy diệt nên tôm đất gần như mất dạng. 

6.Xóm nhà ven đầm Ô Loan thuộc xã An Cư
Xóm nhà ven đầm Ô Loan thuộc xã An Cư

Hai năm qua, UBND huyện Tuy An thành lập đoàn kiểm tra, ra quân “giải cứu” đầm Ô Loan với quyết tâm làm đẹp thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan.

Thống kê của UBND huyện Tuy An, đoàn kiểm tra đã tháo dỡ 3.082 hàng cọc tre (người dân tự tháo dỡ 60 hàng cọc). Cùng với đó, đoàn thu 4.173 lờ bóng Thái Lan, giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu 119 hồ, với diện tích 58,44ha.

7.Hàu ruột sau khi lột vỏ
Hàu ruột sau khi lột vỏ

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Sau khi xử lý lấn chiếm, giải tỏa các hộ dân dùng cọc tre cắm dưới đầm, địa phương phân định vùng nuôi, chia bốc thăm lại trong diện tích quy hoạch hơn 200ha các khu nuôi tôm. Ngành Nông nghiệp đã có dự án quy hoạch thả nuôi 102ha sò huyết.

Bây giờ đầm Ô Loan rộng rãi, nước trong xanh trở lại, cá tôm sinh sôi trở lại, tạo kế sinh nhai cho người dân ven đầm. 

Một góc đầm Ô Loan

Út Nam

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=