Từ khi chuyện “cô giáo không nói gì suốt 3 tháng” bị lộ thì cô học trò nhỏ dũng cảm dám nói ra sự thật ấy đã trở thành mục tiêu “săn đón” của truyền thông và là đối tượng “ném đá” của không ít bạn bè, thậm chí là thầy cô giáo.
Sau khi nói lên câu chuyện về cô giáo mình tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục, em đã bật khóc. Có thể đó là cảm xúc khi em đã nói ra sự thật, nhưng cũng có thể còn là sự lo sợ khi lần đầu tiên phải đối mặt với bao ống kính, micro và mọi ánh mắt đổ dồn về mình. Ngày hôm đó, khi trở về nhà, em xin được nghỉ học.
Và có lẽ em cũng không thể ngờ, chỉ sau buổi đối thoại, em - một cô bé lớp 11 - đã trở thành “người nổi tiếng”. Về trường, em thỉnh thoảng được ban giám hiệu, báo chí mời lên lấy ý kiến. Mỗi lần phải thuật lại câu chuyện là một lần lo lắng, bất an. Rất nhiều câu hỏi khó được đặt ra cho một đứa trẻ "trót" nói lên sự thật mà theo nhiều người lớn là không đúng chỗ, sai… quy trình.
Một bạn cùng lớp kể, khi cô bé được gọi lên trả bài thì một số bạn nam trong lớp lại ồ lên khiến cô bé căng thẳng. Mặc nhiên, cô bé đã trở thành khác biệt trong mắt bạn bè. Dù ban giám hiệu có nhắc nhở giáo viên, học sinh không được phân biệt đối xử với em thì những ý kiến chê bai, dè bỉu vẫn không ngừng được tuôn lên mạng xã hội…
Ngay lúc này, điều quan trọng nhất với cô bé là tìm lại sự bình yên để học tập. Chính nhà trường, giáo viên, bạn bè phải “mở lòng”, phải cảm ơn vì cô bé đã dám nói lên sự thật, dám phản ánh những điều các em gặp phải. Bởi sự góp ý của em cũng chỉ mong bản thân và bạn bè được nghe cô giảng bài khi vào lớp, được giao lưu tình cảm với cô. Thiết nghĩ, đây là mong mỏi chính đáng của bất kỳ người học nào, cớ sao em lại bị kỳ thị?
Thanh Thanh
Người thầy phải biết xử lý tình huống
Đối với nghề dạy học, giáo viên nào cũng gặp muôn vàn tình huống vui, buồn, khó xử với học sinh... Do đó, đã chọn nghề giáo là xác định mình sẽ rơi vào những trường hợp như vậy, mỗi ngày mỗi học cách ứng xử sao cho khéo léo, sư phạm...
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: Vấn đề ở người quản lý
Trường hợp “cô giáo chỉ chép bài lên bảng và không giao tiếp với học sinh (HS)” đã cho thấy sự kém cỏi của mình. Nếu giáo viên (GV) không tự giải quyết được thì phải báo lãnh đạo nhà trường để tìm cách khắc phục, hướng giải quyết tốt cho cả hai bên.
Dù cô Châu được đánh giá là GV có chuyên môn nhưng việc cô hành xử như vậy trong lớp học là sai hoàn toàn.
Một GV không thể im lặng tới 4 tháng khi lên lớp, không giảng bài, không trò chuyện với HS. Tôi không hiểu nổi tại sao lại như thế. Nếu thái độ của HS là vô lý, không hợp tác thì cô giáo phải biết báo cáo hiệu trưởng để tìm cách khắc phục. Để tình trạng này diễn ra gần 4 tháng mà lãnh đạo không nắm được thì chính họ có lỗi.
Chuyện này không khó để khắc phục, nếu cô giáo đó không dạy được thì phải chuyển qua một GV khác. Với kinh nghiệm lâu năm làm hiệu trưởng trường THPT, tôi cho rằng, trường nào cũng sẽ có chuyện GV, HS không hợp nhau, vấn đề là người quản lý xử lý, khắc phục như thế nào.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT: Không đáp ứng chuẩn mực sư phạm, đạo đức nhà giáo
Qua dư luận báo chí, nếu đúng là cô giáo có hành vi nói năng và ứng xử như vậy là không đáp ứng được chuẩn mực sư phạm và đạo đức nhà giáo. Trong dạy học, GV luôn phải giao tiếp, tương tác với HS bằng lời nói, cử chỉ, ánh mắt để nhận biết được thái độ, phản ứng của HS để còn điều chỉnh cách thức truyền đạt... Không gì buồn hơn một lớp học có không khí nặng nề, thiếu sự thân mật giữa cô và trò. Từ đó, mọi thông tin cô giáo truyền tải sẽ rất khó được HS tiếp nhận.
Một hành vi thiếu chuẩn mực như vậy, kéo dài cả học kỳ mà tổ bộ môn, lãnh đạo nhà trường không biết để ngăn chặn là điều đáng tiếc. GV không còn cảm hứng dạy học, thiếu kỹ năng và hiểu biết nguyên tắc dạy học, nếu tiếp tục ở trong ngành sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì thế, nhà trường cần yêu cầu GV đó tự đánh giá bản thân, tìm hiểu lý do, động cơ của các hành vi phản cảm để xử lý đúng và rút kinh nghiệm cho những người khác.
(ghi)
Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM: Người làm thầy phải biết hóa giải vấn đề, không nên bảo thủ
Thông tin từ báo chí cho thấy nữ GV từng gặp sự cố trước đây với HS cũng vì cách hành xử chưa đúng, thiếu sư phạm. Có thể cô có lý do riêng nhưng tác động không tốt đến HS, khiến HS, phụ huynh và nhà trường ảnh hưởng... Đáng lẽ cô đã phải thay đổi, khắc phục từ lâu rồi, chứ không phải lặp lại “ấn tượng không tốt” như hôm nay.
Ở vị trí người thầy - người kiến tạo tâm hồn, tri thức cho HS mà cô lại làm khó học trò bằng những hình thức khác nhau, đương nhiên khó có thể cảm thông, nhất là trên phương diện nghề nghiệp.
Đối với nghề dạy học, GV nào cũng gặp muôn vàn tình huống vui, buồn, khó xử với HS... Do đó, đã chọn nghề giáo tức xác định mình sẽ rơi vào những trường hợp như vậy, mỗi ngày mỗi học cách ứng xử sao cho khéo léo, sư phạm... Trong đó, năng lực hoặc kỹ năng nhận diện và giải quyết vấn đề rất quan trọng. Có vẻ cô Châu chưa làm được, thậm chí làm ngược lại.
Có thể cô không thể hóa giải được cảm xúc của chính mình, khúc mắc với học trò; cũng có khả năng là cô không muốn hóa giải, dù với khả năng nào thì lỗi vẫn thuộc về người thầy. Sự việc kéo dài không chỉ gây tổn thương tinh thần của HS, kéo theo đó là kết quả học sa sút.
Hơn ai hết, người làm thầy phải biết quản lý cảm xúc cá nhân, xử lý tình huống và định hướng cho HS một cách tinh tế, khéo léo… mới mong phát triển ở các em những phẩm chất tốt đẹp, ý thức “tôn sư trọng đạo”. Nếu thiếu những điều cơ bản này thì việc đứng lớp mỗi ngày như được tiên lượng trước sẽ đầy khó khăn, vất vả.
Gia Tuệ (ghi)