Đám “lít nhít” đi mót cà phê

26/10/2022 - 19:58

PNO - Những hạt cà phê đi mót được, cha mẹ cho chúng tôi làm vốn riêng. Nhờ số cà phê nhặt nhạnh ấy mà chúng tôi có thể sắm chiếc cặp tóc, mua cuốn sách mình ao ước bấy lâu mà không phải rụt rè nhìn ngó mâm cơm gia đình mỗi khi xin tiền mẹ, cha.

Tây Nguyên bắt đầu bước vào mùa thu hoạch cà phê. Những triền đồi rực đỏ, lúc lỉu quả như ngàn đốm lửa nhỏ thắp lên niềm hy vọng của một mùa bội thu, no ấm. 

Với người Tây Nguyên, đây là tháng đủ đầy, nhiều niềm vui nhất. Đi đâu cũng gặp tiếng nói cười rổn rảng, tiếng gọi nhau í ới vọng từ nhà nọ sang nhà kia, nối dài từ rẫy cà phê này sang đồi cà phê nọ.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Nhớ năm xưa, cha tôi đưa gia đình từ miền Trung lên Tây Nguyên lập nghiệp. Trong tay không một tấc đất cắm dùi, cha nhận làm công tưới vườn cà phê thuê cho người ta khi vụ mùa thu hoạch vừa xong.

Lũ chúng tôi lít nhít “trứng gà trứng vịt”, những ngày cuối tuần phải trở dậy từ tờ mờ sáng, lục cơm nguội ăn. Rồi thì đứa cầm bao, đứa mang gùi theo chân cha đến các rẫy cà phê, khẽ khàng vạch từng chiếc lá tìm những quả cà phê người ta hái còn sót lại, ẩn náu sau những thân cành rậm lá. Song nhiều nhất vẫn là những hạt cà phê chín rơi chín rụng và những đám người ta “suốt” cà phê nhặt nhạnh không kỹ, vẫn sót lại kha khá.

Lũ chúng tôi ngủ không đủ giấc, miệng thì ngoác ra ngáp ngắn ngáp dài, nhưng mắt vẫn cố căng, cắm mặt xuống, nhìn trong đám lá mục để tìm từng hạt cà phê còn vương vãi, để rồi vội vàng nhặt lấy nhặt để, như sợ nó tan vào lòng đất.

Có nhiều rẫy cà phê chín không thu hoạch kịp, gặp trời mưa, quả rụng đầy gốc. Chúng tôi chỉ cần nhẹ tay vẹt đám lá sang bên, những hạt cà phê chín rụng ít nhiều đã bị bọn mối, kiến, chim chóc, chuột… nhấm nháp lớp vỏ bên ngoài, chỉ còn lại lớp nhân bàng bạc trắng xanh. Mỗi gốc có khi mót được cả ký hạt, đứa nào cũng mơ buổi sớm mai bữa cơm có thịt, thêm được bộ quần áo mới cho ngày đầu năm.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Thích nhất vẫn là mót được những bãi cà phê do những con chồn ăn quả đã chín nẫu rồi ị ra trên những bãi đất trống. Nhân hạt cà phê bóng lưỡng, căng tròn và đều tăm tắp, mười hạt như một, người thu mua cà phê cực kỳ thích loại hạt này. Loại hạt cà phê “chồn” này bao giờ cũng được giá nhất. Đứa nào được bãi cà phê chồn là cả buổi mừng rơn, hớn hở tự thưởng cho mình bằng cách đi mót dùm đứa khác. 

Những hạt cà phê đi mót được, cha mẹ cho chúng tôi làm vốn riêng. Nhờ số cà phê nhặt nhạnh ấy mà chúng tôi có thể sắm chiếc cặp tóc, mua cuốn sách mình ao ước bấy lâu mà không phải rụt rè nhìn ngó mâm cơm gia đình mỗi khi xin tiền mẹ, cha. 

Được mua món đồ yêu thích từ những đồng tiền chính tay mình kiếm được mới vui làm sao. Khi nhà tôi đã có cả đồn điền cà phê rồi, cha vẫn duy trì cái cách hái bằng rổ, lựa quả chín mà hái chứ không hái “suốt” từ đầu cành đến cuối ngọn sạch bách như nhiều vườn cà phê khác. Thứ nhất để cà phê hạt chất lượng được đồng đều nhưng trong thẳm sâu của người muốn để lại những quả xanh trên cành là cho người đến mót hôm sau. 

Có những năm cà phê được mùa, được giá, một ký cà phê đổi gần hai chục ký gạo. Nhiều người vùng quê miền Trung gặp bão lũ tàn phá tan thương, đưa cả gia đình vào Tây Nguyên đi làm thuê và mót cà phê kiếm tiền lo cho những ngày tết sắp đến.

Mùa cà phê đã bắt đầu ở Tây Nguyên
Mùa cà phê đã bắt đầu ở Tây Nguyên (Ảnh minh họa)

 

Những thời điểm ấy, cha tôi vờ bỏ sót lại bên những gốc cà phê cả rổ hạt (bỏ quên kiểu gì mà lúc nào cũng gọn lại một góc ngay ngắn, dễ nhìn thấy nhất). Những đứa trẻ con đã rú lên vui mừng quá đỗi như chúng tôi ngày trước, khi mót được gần đầy cả thúng cà phê. Bê bên hông nặng trịch mà đứa trẻ nào cũng vui cười hỉ hả, chả thấy nặng nề hay mệt nhọc chút nào. 

Khi những người làm thuê hay mót cà phê sắp hành lý trở về quê hương chuẩn bị sắm sanh tết nhất, cũng là lúc cha nói chúng tôi đi từng gốc mót lại lần cuối những hạt cà phê rơi rụng sót lại trước khi bắt đầu mùa vụ mới. 

Mùa mót hạt, cũng là khi gió đông bắc tràn về nhiều nhưng với chúng tôi vẫn thật ấm áp. Cảm ơn những ngày mót hạt ngày xưa đã nuôi chúng tôi lớn khôn như ngày hôm nay. 

Thủy Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI