Chẳng biết từ khi nào, cứ đến tết là người ở quê phải có một vài luống ngò. Loại cây gia vị thân thảo, có nơi gọi là rau mùi, có nơi gọi ngò rí, có nơi chỉ đơn giản gọi là ngò. Dẫu cho có thêm vài loại ngò khác như ngò gai, ngò ôm, ngò tây thì cái chữ “ngò rí” vẫn đặc biệt nhất, lạ tai nhất và phổ biến quanh năm suốt tháng ở các bữa ăn gia đình.
Ngày thường, ngò được xắt nhỏ vào nồi canh, bày ra ăn sống cùng vài loại rau khác, rễ ngò thả vào nước dùng thêm thơm, thêm ngọt. Cũng như hành lá, rau thơm, ngò len lỏi vào từng bữa ăn quen thuộc, là thứ rau vừa thơm vừa đẹp ai ai cũng thích.
|
Ngò già bó thành từng bó nhỏ - sẵn sàng ướp hương tết (Ảnh minh họa) |
Còn đến tết, người ta dùng ngò rí cho những việc quan trọng hơn. Ngò đúng lúc đương già trổ hoa trắng tinh, hoặc là đã kết đơm hạt nhỏ xíu, bé bé xinh xinh hơn cả hạt tiêu, mang mùi thơm thoang thoảng. Khi ấy là vừa độ để thu hoạch, những bà những mẹ sẽ cắt thành từng bó, rửa sạch, nấu nồi nước tắm gội thật thơm, hệt như ủ mọi hương đất trời mà ngò già đã gìn giữ từng đó tháng ngày sinh sống.
Cái nồi nước ướp hương hoa ấy sẽ được nấu vào đúng ngày 30, cả nhà từ lớn đến bé sẽ chia nhau tắm như là một cách gột rửa mọi điều của năm cũ và sẵn sàng đón những điều tốt lành, thảo thơm của một năm mới cận kề.
Ở một số gia đình, việc tắm nước lá ngò già như một nghi thức "tẩy trần" quan trọng, không thể thiếu mỗi chiều 30. Cho dù tết bây giờ hiện đại hơn, ngò già được chiết tinh dầu, để ở những chai nhỏ, chỉ cần nhỏ vài giọt là có thể dùng. Thế nhưng hẳn ai cũng thích cảm giác cầm trên tay bó ngò già cao ngồng, xen xanh xen trắng, để rồi kì công nấu một nồi nước thơm mà tắm gội.
|
Những cây ngò già ra bông báo hiệu tết đã đến rất gần (Ảnh minh họa) |
Chẳng riêng gì người lớn mà đám trẻ con lao nhao cũng thích hương ngò nấu. Mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu ấy tắm xong thấy thoải mái tinh thần, cả tóc, da, quần áo mặc vào cũng thơm lây, ngan ngát cho đến tận ngày mùng một - khi nhà nhà đi chúc tết, du xuân.
Mà có lẽ chỉ thời điểm giao năm, tạo hóa mới ưu ái cho những đám ngò già ra bông, trổ quả. Bởi rất nhanh, chỉ sau tết là đám hoa lụi dần, luống hoa sẽ vàng vọt, thân ngò rũ xuống, quả sẽ rụng sau những đêm mưa lất phất đầu năm. Chẳng mấy chốc, những hạt ngò tách ra, rớt xuống sẽ lại lên cây non nhỏ.
Thành ra, tết là thời điểm thích hợp, hân hoan nhất để người ta chia nhau tắm nước hoa ngò. Cứ khoảng tháng Chạp, thấy luống rau xanh ấy thấp thoáng bông trắng là người ta báo hiệu cho nhau: Ngò già đã ra bông rồi, vậy là tết sắp đến.
|
Ngò già để ở bình gốm, lu gốm màu da lươn nhắc nhớ những ngày tháng rất xa xưa (Ảnh minh họa) |
Nồi nước hoa đậm hương thơm ấy được truyền từ đời này sang đời khác. Thậm chí, bây giờ nhiều nhà không chỉ tắm mà còn trân trọng, nuối tiếc mớ hoa ngò già nên đem cắm vào bình, chưng thêm mấy ngày đầu năm mới. Hoa ngò bé bé xinh xinh, nhỏ xíu, tỏa hương nhè nhẹ nơi phòng khách, gian bếp, cạnh khay mứt đầu năm. Thứ tinh dầu dìu dịu trong hoa tỏa ra, càng làm cho ngày tết thêm thơm, dễ chịu.
Tết ngày xưa chỉ có mỗi nồi nước hoa nấu chiều 30, còn tết bây giờ, hoa ngò đã len lỏi, khoe sắc trắng tinh khôi trong nhà những ngày xuân mới. Có người bó thành từng bó nhỏ, đem tặng nhau như món quà thơm thảo. Nhiều nhà ở thành phố, kiếm tìm vất vả lắm mới ra một bó ngò già. Muốn mua phải tìm mấy hàng bán lá xông hoặc chờ chuyến xe đạp của mấy cô bán hoa dạo mà không phải lúc nào cũng mua được. Mùi hoa ngò vì thế tuy giản dị nhưng cũng quý giá vô cùng.
Mấy ngày này, ngò già đã trổ hoa, thân ngò cũng đã cứng, bạn có nấu một nồi nước thơm để tắm gội, đắm chìm trong cái mùi hương ngạt ngào, tao nhã đó không?
V.Phương