Đám hỏi không chú rể và món quà đặc biệt ngày 8/3 sau 12 năm xa cách

07/03/2019 - 06:00

PNO - Được về công tác gần nhà và trực tiếp tặng quà cho vợ sau 12 năm xa cách là niềm vui vô bờ. Thế nhưng, khi chỉ còn một ngày nữa là 8/3, tôi hỏi em muốn quà gì, em lại lắc đầu.

Cô bé hàng xóm đã thành thiếu nữ

Chúng tôi yêu nhau khi cô ấy là sinh viên năm cuối Trường đại học Đà Lạt, còn tôi là chàng sinh viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Long Thành, Đồng Nai). Chúng tôi cùng quê và biết nhau từ bé. Ba mẹ chúng tôi coi nhau như người nhà, thường xuyên qua lại, song chẳng mấy ai nghĩ trong số những đứa con của họ sẽ có cặp kết đôi. 

Tôi và em vẫn xem nhau như anh em. Thế rồi, nhân chuyến đi Đà Lạt chơi, tôi ghé vào thăm em. Thật bất ngờ khi thấy em đã trở thành một thiếu nữ. Ra về tôi cứ mãi vấn vương hình bóng cô gái với nụ cười duyên và đôi mắt biết cười. Tôi đã yêu khi nào không rõ.

Dam hoi khong chu re va mon qua dac biet ngay 8/3 sau 12 nam xa cach
 

Suốt thời gian yêu nhau, chúng tôi không mấy khi được gần gũi. Lời yêu cũng bày tỏ qua thư từ, tin nhắn, do tôi ở trong quân đội không được ra ngoài nhiều, em lại bị say xe nên ít có dịp xuống thăm tôi. Thời gian trôi qua, chúng tôi hẹn nhau ngày ra trường, tôi nghĩ mình sẽ về đóng quân ở Đà Nẵng và chuẩn bị cho cuộc sống có em.

Nhưng mọi việc không như chúng tôi dự tính, tháng 10/2007, tôi nhận công tác tận đảo Thổ Chu, Phú Quốc. Nhìn tôi chỉ vị trí của hòn đảo trên bản đồ, em gạt nước mắt buồn bã, khoảng cách từ Quảng Bình đến Phú Quốc quá xa xôi.

Dam hoi khong chu re va mon qua dac biet ngay 8/3 sau 12 nam xa cach

Đám hỏi không có chú rể

Những tưởng sẽ được gần nhau sau những năm học xa và yêu xa, nhưng tôi và em lại tiếp tục có một khoảng cách xa hơn nữa. Tôi thương em vì không thể đỡ đần và chia sẻ vui buồn trong thời gian em bươn chải kiếm việc làm hay những khó khăn của gia đình. Tôi nhớ lần ba em bị bệnh nằm viện, nhà neo người nên em phải đi về giữa nhà và viện mỗi ngày. Tôi chẳng giúp được gì cho em, chỉ biết nhắn tin an ủi. Thời gian đó, suýt nữa là chúng tôi chia tay. Nhưng như nhân duyên đã định, chúng tôi chẳng thể nào rời xa nhau.

Em đồng ý làm đám cưới, đồng ý làm vợ của một người lính xa nhà dẫu biết sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Để tiết kiệm thời gian vì tôi không nghỉ phép được lâu, các đám dạm ngõ, đám hỏi diễn ra mà không có tôi. Ngày ba mẹ tôi đưa trầu cau qua dạm ngõ nhà em, tôi đang ngồi một mình nhìn ra phía biển, tự hỏi em có buồn nhiều không khi niềm hạnh phúc đơn giản như bao cô gái khác mà em cũng không thể có được.

Dam hoi khong chu re va mon qua dac biet ngay 8/3 sau 12 nam xa cach
 

Chúng tôi cưới nhau vào đúng ngày Lễ Tình nhân 14/2/2011. Tôi nghỉ phép chỉ được gần 1 tháng. Hai bên gia đình đều lo lắng không biết chúng tôi có kịp có con với nhau không, bởi phải đợi thêm gần 1 năm nữa vợ chồng tôi mới lại có dịp gặp nhau. Đời lính thời chiến hay thời bình đều có những quy định nghiêm ngặt về thời gian.

May mắn làm sao, em đã báo tin vui  chỉ vài tuần sau khi tôi vào đơn vị. Tôi hạnh phúc tột cùng, nhưng cũng chạnh lòng nghĩ cảnh em một mình bầu bí không có chồng bên cạnh.

Dam hoi khong chu re va mon qua dac biet ngay 8/3 sau 12 nam xa cach
 

​Ngày em gần sinh con, tôi lại về. Đơn vị chỉ cho cắt phép được 21 ngày nên tôi hồi hộp không biết có kịp đón chào con trước ngày đi không, có được chăm sóc vợ lúc sinh nở không. May mắn làm sao, con ra đời khi tôi vẫn còn 15 ngày phép. Đối với cuộc đời của người lính, được gần bên con 15 ngày thực sự là hạnh phúc vô biên. 

Những ngày chăm vợ đẻ là những ngày hạnh phúc, tôi làm hết mọi việc không nề hà gì. Em dù đau đớn sau khi sinh nhưng gương mặt vẫn ngời lên hạnh phúc khi được chính tay chồng chăm sóc chu đáo. Ai tới thăm, em cũng khoe. Dường như so với việc xa chồng suốt những năm tháng qua và sắp tới, em chỉ cần chừng đó sự chăm sóc của tôi là đã đủ đền bù.

Dam hoi khong chu re va mon qua dac biet ngay 8/3 sau 12 nam xa cach
 

Tôi thật sự khâm phục em vì chẳng khi nào thấy em than thở về những khó nhọc, vất vả của cuộc sống một mình, không có chồng bên cạnh. Mấy năm sau em sinh tiếp con thứ 2. Đón con lần này, phép của tôi cũng ngắn ngủi mà dự sinh không đúng, nên tôi phải vào đơn vị trước khi con chào đời 4 ngày. Hai con tôi đều cùng sinh vào ngày 25/10 và cách nhau đúng 4 năm.

Khó khăn vất vả càng nhiều nhưng chẳng làm em mệt mỏi. Em vẫn cười nói vui vẻ mỗi khi tôi điện thoại về. Năm 2017, tôi không về phép ăn tết được, em lặn lội dắt theo 2 con thơ vượt qua ba chặng di chuyển để vào đơn vị thăm tôi. Đó là một cái tết ý nghĩa và ấm áp tình thân với tôi sau hơn 10 năm ở đơn vị.

Anh là món quà tuyệt vời nhất

Chẳng mấy khi em than thở hay buồn bã khi những ngày lễ không có chồng bên cạnh. Tôi vẫn hay mua quà gửi về như bù đắp phần nào, nhưng một lần, vô tình em nói: "Em chỉ ước một ngày nào đó, anh có thể trực tiếp tặng quà cho em", tôi chưa bao giờ quên điều ước ấy.

Bao nhiêu năm qua, tôi không thể thực hiện mong muốn của vợ, vì tôi thường dành những ngày phép cho một dịp nào đó thật quan trọng hoặc là hè, tết. Nhưng 8/3 năm nay, tôi biết mình đã có thể thực hiện mong ước của vợ mình.

Dam hoi khong chu re va mon qua dac biet ngay 8/3 sau 12 nam xa cach
 

Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, tôi sẽ được đoàn tụ cùng vợ con. Niềm vui khi được về công tác gần nhà và trực tiếp tặng quà cho vợ, với tôi, không gì sánh được. Thế nhưng, khi chỉ còn một ngày nữa là 8/3, tôi hỏi em muốn quà gì, em lại lắc đầu: "Với em, anh là món quà 8/3 tuyệt vời nhất!".

Khánh Mai
(Ghi theo lời kể của anh Cường, Quảng Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI