Đám giỗ thời nay: Tinh gọn mà vẫn đong đầy

18/02/2025 - 06:07

PNO - Trong tâm thức người Việt, cúng giỗ là một nghi lễ truyền thống quan trọng để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ người thân đã mất, cũng là dịp để anh em họ hàng quây quần. Trong nhịp sống hiện đại, cách tổ chức đám giỗ có nhiều thay đổi, nhìn chung đều hướng đến sự tinh gọn và giản lược, nhưng vẫn đảm bảo trọn vẹn ý nghĩa văn hóa, truyền thống.

Giỗ cầu kỳ: gia chủ cực, khách vào thế khó

“Vui thì vui mà cực lắm” là câu nói cửa miệng của bà Kim Ba - 58 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - mỗi khi nhắc về đám giỗ. Bà Ba kể, trước ngày cúng giỗ khoảng nửa tháng, vợ chồng bà đã phải dọn dẹp nhà cửa, lên danh sách khách mời, lên thực đơn, chuẩn bị tiền nong. Năm nào cũng vậy, đám giỗ nhà bà Ba diễn ra ít nhất trong 3 ngày: 1 ngày để bà con, xóm giềng tụ họp, nấu nướng; 1 ngày diễn ra lễ cúng, đãi ăn và 1 ngày để… thu dọn “chiến trường”.

Mâm cơm chay đơn giản chị Liên tự tay chuẩn bị dịp giỗ mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mâm cơm chay đơn giản chị Liên tự tay chuẩn bị dịp giỗ mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Mỗi lần đám giỗ, dù chỉ cúng 4 mâm, nhà tôi phải làm ít nhất 10 mâm để đãi khách. Đám thì đông vui, nhưng đến khi thu dọn tàn tiệc thì ngán ngược. Chưa kể, các con tôi đều có gia đình riêng, nhà xa nên chúng nó chỉ ở lại phụ chút xíu rồi về, chỉ có mình tôi dọn dẹp. Thấy cực quá, tôi bàn với chồng nấu nướng gọn lại, giảm bớt khách, nhưng chồng không chịu. Giờ vợ chồng tôi lớn tuổi hết rồi, không cúng kiểu đó được nữa. Năm sau tôi tính làm gọn. Ổng có cản tôi cũng mần” - bà Ba nói chắc nịch.

Đám giỗ cũng từng là nỗi ám ảnh của chị Bảo Xuyến - 28 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM. Chị Xuyến kể, vào năm đầu sau khi lập gia đình, chị về quê chồng ăn giỗ và khá… sốc khi thấy mâm bàn, khách khứa quá đông, quy mô chẳng khác gì đám cưới. “Lúc đó mình là dâu mới, chưa quen mặt họ hàng, thêm mình bị cận thị, nhìn xa không thấy rõ ai. Thế là đợt đó, ngoài chuyện cúng kiếng, đãi đằng, dọn dẹp mệt phờ, mình còn bị mắng vốn với mẹ chồng là dâu con gì không biết chào hỏi họ hàng” - chị Xuyến kể.

Vợ chồng chị Xuyến không thích làm giỗ linh đình, từng nhiều lần góp ý với cha mẹ nên tổ chức gọn lại, chỉ mời bà con thân thiết nhưng không được chấp thuận vì lý do: hàng xóm, mời người này, không mời người kia là bị… giận.

Không chỉ gia chủ mệt mỏi vì tổ chức đám giỗ, khách mời ăn đám lắm lúc cũng rơi vào thế khó. Bà Minh Phương - 52 tuổi, ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - thống kê: mỗi năm, số tiền gia đình bà đi đám giỗ lên đến vài chục triệu đồng. Các đám cứ rải rác, hầu như cứ mười bữa, nửa tháng, thậm chí tuần nào cũng có người mời đám giỗ. Những gia đình thân thích thì số tiền đi đám dao động từ 500.000-1 triệu đồng; còn lối xóm, bạn bè thì khoảng 300.000 đồng.

“Nhiều lúc được mời giỗ mà mắc công chuyện không đi được là phải nhờ người gửi tiền cúng. Mấy người ở gần nhà cũng hay nhờ tôi ứng tiền đi đám giùm, nhưng đâu phải ai cũng nhớ để trả. Không lẽ có mấy trăm ngàn mà mình nhắc đòi thì kỳ, không nhắc thì… kẹt” - bà Phương than thở.

Mỗi nhà mỗi kiểu tinh gọn

Biết không thể khuyên cha mẹ từ bỏ việc đãi tiệc linh đình mỗi dịp giỗ, mấy năm nay, khi mẹ chồng lên danh sách đồ dùng, thực phẩm cho đám giỗ, chị Bảo Xuyến tìm đến các sàn thương mại điện tử để mua giúp bà. Chị cho biết, trên các sàn thương mại điện tử thường có chương trình ưu đãi, giảm giá. Những món nào phù hợp, chị sẽ giúp mẹ chồng đặt mua trên mạng. Việc này vừa giúp tiết kiệm vừa không phải tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh từ chợ về nhà.

Dù ở tận huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - địa phương vẫn còn phổ biến lối làm đám giỗ lớn - hơn 5 năm nay, gia đình anh Thanh Toàn (28 tuổi) luôn duy trì cách tổ chức đám giỗ gọn gàng, ấm cúng trong phạm vi nội bộ gia đình. Anh Toàn kể, cách ngày giỗ vài ngày, mẹ anh sẽ hỏi ý các con thích món gì để chuẩn bị nấu nướng. Các món ăn đều do mẹ và các chị của anh làm.

Ngày giỗ là dịp để các thành viên gia đình quây quần, sum họp - Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp
Ngày giỗ là dịp để các thành viên gia đình quây quần, sum họp - Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp

Trung bình, đám giỗ nhà anh chỉ có khoảng 4 món ăn, lượng thức ăn chỉ vừa đủ cúng và đủ để các thành viên trong gia đình quây quần ăn với nhau bữa cơm thân mật. Anh Toàn cho biết: “Mang tiếng là đám giỗ nhưng thực khách chỉ chừng 20 người. Chị em tôi hùn mang đồ ăn đến rồi cùng mẹ nấu những món vừa hợp khẩu vị lại nhanh gọn. Từ sáng làm tới khoảng 10g là dọn cúng, cúng xong ăn uống rồi cùng nhau dọn dẹp, trò chuyện”.

Còn với gia đình chị Kim Liên - 36 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM - hằng năm đến giỗ mẹ, cha con chị lại cùng nhau chuẩn bị mâm cơm chay đơn giản. Chị Liên cho biết, chị là con một, lại làm việc văn phòng nên thời gian rất gò bó. Cha chị đã lớn tuổi nên làm giỗ với mâm cúng chay đơn giản đã được gia đình chị duy trì hơn 10 năm nay.

“Tôi nghĩ giỗ là ngày để mình tưởng nhớ người đã khuất, các thành viên trong gia đình tề tựu bên nhau là ấm cúng lắm rồi, không nhất thiết mâm cỗ cao sang, hoành tráng. Mẹ tôi lúc còn sống rất thích ăn chay nên tôi nghĩ bà cũng hài lòng với mâm cúng này” - chị Liên bộc bạch.

Dù mâm cúng đơn giản, chị Liên rất chăm chút cho việc trang trí bàn thờ, nhà cửa vào ngày giỗ. Năm nào cũng vậy, trước ngày giỗ, cha con chị cùng nhau lau dọn bàn thờ, lư hương, mua hoa tươi về cắm trên bàn thờ lẫn phòng khách để không gian tổ chức giỗ được ấm cúng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tú - 55 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - thường được bà con lối xóm khen “chịu chơi” nhất xóm. Sở dĩ như vậy là do nhà bà đã tiên phong trong việc đặt tiệc đám giỗ và thuê người dọn dẹp. Có thể với người thành phố, việc đặt tiệc là bình thường, nhưng với người nhà quê thì đó là chuyện lạ.

Bà Tú cho biết, trước kia gia đình bà cũng tự nấu tiệc, mời khoảng 100 khách, nhưng sau này bớt lại. Hiện nay, đám giỗ nhà bà chỉ có con cháu, hàng xóm thân thiết chưa đến 20 người. Bà Tú cũng không nhận phong bì cúng giỗ.

“Con tôi đều có gia đình riêng. Đứa đi làm bận rộn, đứa thì chăm con nhỏ, không ai rảnh để chợ búa, nấu nướng nên mấy năm trở lại đây, đám giỗ tôi toàn đặt nấu sẵn. 1 mâm như vậy chưa đến 2 triệu đồng mà có người đến phục vụ, dọn rửa luôn. Ở đây người ta chỉ đặt tiệc đám cưới thôi. Tôi đặt tiệc đám giỗ nên mang tiếng chịu chơi. Thôi kệ, miễn chủ khách đều vui vẻ, mình có nhiều thời gian nói chuyện, chơi với con cháu, họ hàng là vui rồi” - bà Tú cười, chia sẻ.

Đám giỗ… online

Nếu như ngày trước, gia đình bà Phạm Thị Thanh - TP Thủ Đức, TPHCM - mỗi khi làm đám giỗ là con cháu phải tề tựu đông đủ thì giờ đây ông bà đã tự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh. Bà Thanh cho biết, các con bà đều đi làm ở tỉnh xa. Các cháu nội, ngoại thì năm nay đều đi du học. Còn mấy đứa cháu họ cũng bận rộn công việc cơ quan hoặc chăm sóc con nhỏ.

“Nhà tôi quan niệm cúng giỗ phải làm đúng ngày, nên không “du di” đổi sang cúng ngày thứ Bảy, Chủ nhật được, mà cúng ngày trong tuần thì con cháu bận đi làm. Ép chúng thì chúng vác laptop đến rồi cũng cắm mặt vào máy suốt buổi. Chưa kể, đến cúng giỗ mà điện thoại rồi tin nhắn công việc liên tục. Tôi không muốn đám giỗ trở thành nỗi ám ảnh của con cháu” - bà Thanh trải lòng.

Do vậy, mấy năm gần đây, bà làm đám giỗ rất đơn giản: trước ngày giỗ, bà sẽ thông tin ngày, giờ cúng vào group chat của đại gia đình, nói rõ con cháu rảnh giờ nào có thể ghé gửi hoa, trái cây… để thắp hương (có thể gửi trước ngày giỗ), còn ai bận thì đặt Grab gửi đồ cúng. Thậm chí người nào ở xa, chỉ cần gửi một lời nhắn trong nhóm là được.

Khi cúng giỗ, bà chụp hình, quay clip gửi vào nhóm để cả gia đình cùng biết, cùng nhớ về người đã khuất. Cách làm đám giỗ online như vậy được mọi người rất ủng hộ. Mọi người trong nhà cố gắng sắp xếp công việc và luân phiên có mặt để 7 cái giỗ của gia đình trong năm vẫn được chu toàn. Cá biệt, có những thời điểm không ai đến được thì vợ chồng bà Thanh chủ trì cúng gọn nhẹ nhưng vẫn đủ lễ nghi.

L.Thanh

Ý kiến:

Đơn giản nghi lễ nhưng không đánh mất giá trị văn hóa của ngày giỗ

Nếu văn hóa phương Tây coi trọng vấn đề cá nhân, trọng ngày sinh (mừng sinh nhật) thì văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam, lại đề cao vai trò của gia đình, dòng tộc, trọng ngày mất (cúng giỗ). Sự cố kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc của người Việt được ví như sợi dây gắn kết, tạo nên sức mạnh truyền thống từ đời này sang đời khác, hình thành nên đạo lý truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”.

Đạo lý này đã chi phối và có sức ảnh hưởng mạnh đến đời sống tinh thần, tín ngưỡng, văn hóa giữa người với người, giữa người sống với người đã khuất; từ đó, cấu thành bản sắc đặc trưng của văn hóa Việt Nam - một nét đẹp mà người Việt dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều hướng về với tấm lòng thành kính.

Tấm lòng đó, tâm thức đó hình thành qua nhiều phong tục, như tạo lập văn hóa dòng họ, hình thành nhà thờ họ để phụng thờ tổ tiên; đặc biệt, hình thành nên kỷ niệm ngày giỗ. Giỗ là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu đễ và thành kính, biết ơn người đã khuất. Vì mỗi năm có 1 lần nên người ta coi việc làm lễ giỗ cha mẹ, ông bà là trọng.

Cách tổ chức đám giỗ có sự khác biệt giữa các vùng miền do ảnh hưởng của văn hóa, phong tục và lối sống. Ví như người miền Bắc thường chú trọng bày biện bàn thờ công phu, đầy đủ hoa quả, mâm cỗ cúng với các món ăn truyền thống (gà luộc, xôi, nem rán, canh măng, giò chả và các món kho). Cỗ có thể chia theo “tam sên” (3 món) hoặc “ngũ vị” (5 món), tượng trưng cho sự hài hòa và đủ đầy. Không khí lễ giỗ trang nghiêm, gắn liền với lễ giáo và truyền thống.

Người miền Trung với tinh thần mộc mạc, bình dị, nên đám giỗ thường đơn giản, không quá câu nệ vào mâm cao cỗ đầy. Các phẩm vật thường là đặc sản địa phương như: bánh bèo, bánh bột lọc, thịt heo quay, cá kho nghệ, canh chua…

Người miền Nam với tính “mở”, phóng khoáng, thường tổ chức đám giỗ theo phong cách thoải mái, ít lễ nghi. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ mà còn là cơ hội để họ hàng, bạn bè tụ họp. Phẩm vật cúng phong phú và sáng tạo như: thịt kho hột vịt, canh chua cá lóc, gỏi ngó sen, bánh tét, chè tráng miệng… Ở một số nơi, họ mời cả xóm làng đến ăn giỗ, mang không khí vui vẻ, gần gũi, thể hiện sự cởi mở và hòa đồng của người dân.

Tuy nhiên, văn hóa không phải là cái tĩnh tại hoàn toàn mà có thế “động” của nó, để thích ứng với thời đại. Thông qua mọi hoạt động vật chất, tinh thần, thông qua sự lao động sáng tạo, con người đã làm thay đổi môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, dẫn đến nghi thức cúng giỗ cũng biến đổi theo điều kiện kinh tế, xã hội, tâm lý... của con người. Mặt khác, quá trình đô thị hóa và biến đổi của làng quê, ngôi nhà Việt cũng đã, đang và sẽ thay đổi, kéo theo sự biến đổi về hình thức cúng giỗ.

Rất nhiều cái mới trong tổ chức đám giỗ ngày nay. Ví dụ như: để phù hợp với hoàn cảnh mới, ngày giỗ không nhất thiết phải được tổ chức đúng ngày mất của ông bà, mà chọn ngày cuối tuần để có cơ hội gặp gỡ người thân, thắt chặt thêm tình cảm gia tộc; cha mẹ mất ngày gần nhau, gia đình gộp lại cúng 1 ngày; nghi thức cúng đơn giản, mâm cỗ tinh gọn, đôi khi đám giỗ được tổ chức với các món chay... Đây được xem là xu hướng tất yếu.

Việc tinh gọn nghi thức đám giỗ sẽ tiết kiệm về thời gian và chi phí, giảm thiểu các lễ vật, mâm cỗ hay các nghi thức phức tạp, thích hợp cho những gia đình bận rộn hoặc có nguồn lực hạn chế và phù hợp với nhiều gia đình trẻ ở đô thị.

Tuy nhiên, nếu quá chú trọng vào việc tinh gọn, giản lược, người tổ chức đám giỗ có thể xem đây chỉ là một “hình thức”, chứ không phải là dịp thiêng liêng để tưởng nhớ người đã khuất. Điều này có thể làm mất đi giá trị văn hóa của ngày giỗ. Mặt khác, việc tinh gọn các nghi thức cũng có thể gây tranh cãi, xung đột giữa các thế hệ trong gia đình, đặc biệt với những người lớn tuổi vốn thực hành nghi lễ theo truyền thống.

Những nghi lễ trong ngày giỗ cũng có mặt hạn chế, bởi lẽ nó là sản phẩm tinh thần của một nền văn minh nông nghiệp, làng xã khép kín. Vì vậy, việc kế thừa giá trị này, cần được bổ sung những giá trị mới để thích ứng với xã hội công nghiệp và quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Chúng ta đơn giản hóa nghi lễ, nhưng không đánh mất giá trị văn hóa của ngày giỗ.

Giá trị cốt lõi của ngày giỗ là bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với cha mẹ, ông bà và nguồn cội. Từ đó, giúp gắn kết gia đình, duy trì và truyền lại ý thức về lịch sử dòng họ qua các thế hệ. Đồng thời, ngày giỗ không chỉ giới hạn trong gia đình, mà còn mở rộng phạm vi, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, xã hội với sự tham gia của hàng xóm, bạn bè. Đó là những giá trị hết sức quý giá, cần phải bảo lưu và kế thừa.

Việc gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của ngày giỗ trong lối sống hiện đại là một sự kết hợp hài hòa giữa việc tôn trọng giá trị cốt lõi và sự linh hoạt thích nghi. Mỗi gia đình cần tìm cách tổ chức phù hợp với điều kiện của mình, vừa duy trì truyền thống, vừa đảm bảo tinh thần và ý nghĩa của ngày giỗ.

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín
- giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng

Các thành viên gia đình cùng góp sức để ngày giỗ thêm ấm cúng

Theo tôi, điều quan trọng nhất trong việc tổ chức đám giỗ là tấm lòng, sự tưởng nhớ của con cháu đối với tổ tiên, cha mẹ. Tôi rất chú trọng việc tự mình và người thân dọn dẹp, sắp xếp bàn thờ, nấu các món ăn dâng cúng. Điều đó thể hiện sự gắn kết, tình cảm yêu thương, biết ơn đối với các bậc tiền nhân.

Mâm cúng thịnh soạn hay đơn giản tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, nhưng mỗi món ăn dâng cúng được chuẩn bị bởi con cháu mới thể hiện hết tấm lòng thành. Bên cạnh đó, việc cả gia đình quây quần chuẩn bị giỗ cũng là dịp để gắn kết tình cảm, tạo thêm nhiều kỷ niệm.

Ví dụ, đám giỗ nhà tôi rất đặc thù, bởi cha tôi mất ngay mùng Một tết, ngày 30 tết cũng là ngày cúng tiên thường, do đó, tất cả thành viên trong đại gia đình sẽ tụ họp về, cùng chuẩn bị mâm cơm cúng, sau đó cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn viên ấm cúng. Ngày giỗ là một đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, cần được trân trọng và gìn giữ dù ở bất cứ giai đoạn nào, thời đại nào.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Thị Hiền
- Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM

Tinh gọn đám giỗ giúp nhẹ gánh cho phụ nữ

Với tôi, đám giỗ vẫn là nét văn hóa đẹp cần gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, hình thức tổ chức có thể tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, miễn sao thể hiện được lòng thành kính, nhắc nhớ nhau về ông bà đã khuất.

Mấy năm nay, gia đình tôi đơn giản mâm cúng như nấu các món chay, mua thêm một số món ở ngoài. Quy mô của đám giỗ cũng được thu hẹp, chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình mà không mời khách bên ngoài. Việc này không chỉ giúp gia đình tôi tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ trong gia đình.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc này phải được sự đồng ý của những người lớn tuổi trong gia đình. Rất may mắn, khi tôi ngỏ lời về việc tinh giản này, mẹ tôi hoàn toàn đồng ý. Mẹ tôi là một công chức về hưu nên rất hiểu và không muốn việc cúng giỗ trở thành gánh nặng cho con cháu. Mặc dù đơn giản về hình thức, những nghi thức chính của cúng giỗ vẫn được gia đình tôi đảm bảo.

Ngày giỗ, tất cả thành viên trong gia đình nhỏ tề tựu đầy đủ, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà. Đó mới chính là ý nghĩa của việc tổ chức giỗ.

Chị Bùi Kim Thư

- giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TPHCM

Cát Quân (ghi)

Nhã Chân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI