Đám giỗ không phải để khổ

23/10/2023 - 12:28

PNO - Họ hàng tôi đông nên 1 năm nhà tôi cũng đi trả lễ hơn chục đám giỗ, đều là chú bác cậu dì ruột, không từ chối được.

Đại gia đình tôi nội ngoại nhiều con cháu, mỗi dịp tụ họp đều rất đông. Hồi còn sống, má tôi rất thích không khí nhộn nhịp này. Má nói, bà con ngày càng xa cách, anh em họ có khi ra đường không biết mặt nhau, chỉ có đám tiệc mới “gom” đủ người.

Vì muốn má vui nên giỗ ba chúng tôi luôn mời đầy đủ họ hàng, tự nấu tại nhà, nếu ngày giỗ không rơi vào Chủ nhật thì tất cả đều phải xin nghỉ làm để phụ việc, tiếp khách. Ngay cả khi má mất, thông lệ này vẫn được duy trì nhiều năm. Đến giờ thì người trong cuộc không muốn tiếp tục “gánh” giỗ nữa.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Người trong cuộc là gia đình của anh tôi, đang sống ở ngôi nhà ba má để lại. Nhà này 1 năm có 6 đám giỗ chính, trong đó giỗ ba má là lớn nhất, kế đến là nội ngoại. Ba tôi là con út nên thờ ông bà nội, còn má, do anh chị em tứ tán người ở quê người đi nước ngoài nên má cũng tự cúng giỗ. Ngoài ra còn có giỗ ông bà cố, tuy không mời họ hàng nhưng cũng bày mâm cúng tươm tất, con cháu về đông đủ.

Dù lớn hay nhỏ, mỗi lần nhà có đám, anh chị tôi rất bận rộn. Chúng tôi có thể tranh thủ sáng đi làm trưa ghé qua, nhưng 2 người phải nghỉ 1 ngày để lo sắp xếp. Tuy mọi người cũng phụ nấu nướng dọn dẹp, nhưng mệt nhất vẫn là chủ nhà.

Kết thúc một ngày đám tiệc, tan cuộc vui, những bộn bề vẫn chờ người ở lại. Sắp xếp bàn ghế, xử lý thức ăn thừa, lau khô chén đũa cất vô tủ… Linh tinh vụn vặt mà mất cả buổi tối. Sau này, khi chị dâu nói ra, chúng tôi mới nhìn lại. Có lẽ do không phải nhà mình nên mọi người đã không để ý.

Mời người thì họ cũng mời lại mình. Họ hàng tôi đông nên 1 năm nhà tôi cũng đi trả lễ hơn chục đám giỗ, đều là chú bác cậu dì ruột, không từ chối được. Chủ yếu là anh tôi phải đi, vì anh là người mời khách. Thỉnh thoảng tôi cũng đi dự, thấy giỗ tổ chức lớn chỉ khiến gia chủ mệt mỏi, vì dù có đãi hơn chục bàn thì mâm cúng vẫn là 1, không thêm được.

Càng mời nhiều người, phụ nữ dưới bếp càng vất vả, đàn ông thì nhậu quên đường về. Nhà tôi cũng không thích đám giỗ rình rang, nhưng một phần muốn làm theo ý nguyện của ba má - mong con cháu sum vầy, một phần là ngại với họ hàng nên cố duy trì. Anh em đông, lẽ nào giỗ cha mẹ mỗi năm 1 lần lại không làm nổi.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Nhưng giờ thì gia đình nhỏ của anh tôi quả thật không “gánh” nổi. Nhà từ đường 1 năm 10 đám giỗ, ngoài ra còn mâm cúng tết cũng rất lớn theo nếp xưa, đều do chị dâu phụ trách chính. Chưa kể, đại gia đình hay rủ nhau về chơi, bày ra ăn uống, dù mọi người đặt món hoặc tự xuống bếp, xong việc cũng chia nhau ra dọn dẹp nhưng chủ nhà vẫn mệt.

Vì chuyện này, vợ chồng anh đã nhiều lần cãi nhau. Chị muốn anh nhắc khéo các anh em là ai cũng đi làm bận rộn nên bớt làm phiền, giỗ thì thu gọn lại trong nhà là được, gia chủ cũng cần nghỉ ngơi. Anh tôi ngại nói ra mất lòng.

Anh chị chịu đựng nhiều năm, rồi quyết định giỗ ba má chỉ có người trong nhà, cũng không để một mình chị dâu nấu mà mỗi người phụ trách một món. Ông bà mất đã lâu, không cần giỗ lớn, đến ngày mua trái cây, nấu 1, 2 món ngon cúng là được.

Đến đây thì mọi người phải chấp nhận. Đại gia đình tôi đông nhưng việc thờ cúng phụ thuộc vào vợ chồng anh, giờ anh không làm nổi thì phải thay đổi quan điểm.

Xét đến cùng, ông bà, cha mẹ không còn, giỗ chỉ là tưởng niệm. Gia đình anh em hòa thuận mới là điều ba má tôi mong muốn, chứ không phải cúng giỗ, tụ tập linh đình. 

Nguyên Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Hà Hồng 01-11-2023 10:16:03

    ĐÁM GIỖ LÀ: 1- Tưởng nhớ tới người đã khuất vào ngày họ mất
    2- Là cơ hội tụ tập thân hữu mà gặp gỡ
    Ngoài ra không còn một lý do nào khác- vì: người chết không bao giwof có nhu cầu, yêu cầu mà tất cả là mong muốn của người sống đối xử với người đã chết muốn thể hiện qua thờ cúng. Nữa là cơ hội để gặp gỡ thân hữu chia sẻ tình cảm. Nếu ngoài ra thì đều là sai lệch. Nên việc làm cũng giỗ phải vui vẻ, thực tâm chứ không phải là trách nhiệm hay nghĩa vụ. Thế mới là nhà có phúc và con cháu hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn.
    Tôi nghĩ, một trong những nội dung mà các tổ chức đoàn thể (thanh niên, công đoàn, phụ nữ) nên lập khóa Đào tạo tiền hôn nhân với các nội dung cơ bản:
    1- Tình yêu đôi lứa trước hôn nhân, trong hôn nhân
    2- Tình yêu của vợ chồng đối với cha mẹ của nhau, anh em và họ tộc của nhau
    3- Tình yêu và trách nhiệm đối với vợ chồng; bố mẹ, con cái, gia định, họ tộc.
    4- Các nguyên tắc trong giao tiếp, lễ nghĩa và chia sẻ công việc gia đình, công việc riêng tư giữa vợ và chồng;
    5- Xây dựng nền nếp trong gia đình từ khi xác định làm vợ chồng.

  • Dolphinnguyen 24-10-2023 18:25:51

    Yêu cầu của chị dâu là đúng. Bạn có thê chuyển từ cúng mặn sang cúng chay, nói là cha mẹ bạn đã quy y gì gì đó, thông báo để mọi người khỏi đi tiền. Và đặt tiệc họ nấu sẵn, ít mâm thôi . Ai tới trễ thì mời ăn bánh uống nước ngọt Xong tiệc họ tự dọn. Người nhà không phải rửa chén vv...vài năm đầu có người còn khó chịu, dần rồi họ cũng quen thôi.

  • TrTran 24-10-2023 12:09:09

    Quan niệm của tôi: giỗ là ngày tưởng niệm nên làm vừa phải để anh chị em con cháu ngồi lại cùng nhau để nhớ về người thân yêu của mình. Không cần làm mâm cao cổ đầy mà chủ yếu đúng nghi lễ và ấm cúng. Mời khách đông vừa ồn ào, gia chủ vừa mệt và tốn kém. Không nên.

  • Coduho 23-10-2023 18:14:23

    Với cuộc sống hiện nay quả thật đám giỗ là cả một gánh nặng cho người trong cuộc, khi cuộc sống ngày một vội vã. Thôi thì hạn chế, gói ghém lại mời anh em trong gia đình thôi.

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh