Câu “Rảnh đâu mà chơi với bời” mới nghe có vẻ thể hiện sự eo hẹp của quỹ thời gian nhưng ngẫm lại, cơ bản là do người ấy không đặt nặng nhu cầu giải trí, không dành cho giải trí một “quota” xứng tầm hay xem giải trí như thứ… “con ghẻ”.
Với cuộc trò chuyện cùng ca sĩ Ngọc Phạm, hy vọng giải trí được “giải oan”.
|
Sự cân bằng giữa công việc và gia đình giúp ca sĩ Ngọc Phạm luôn dồi dào năng lượng và tỏa sáng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Phóng viên: Chị có thể kể một số hình thức giải trí phổ biến nhất mà chị từng tham gia?
Ca sĩ Ngọc Phạm: Đi du lịch với nhóm bạn thân, học nhảy hay uống vài ly rượu vang, xem phim, nghe nhạc… đều là những cách giải trí rất lành mạnh.
* Phụ nữ tham gia hoạt động giải trí thì có lợi không, thưa chị? Và nếu lợi thì lợi cho ai?
- Có câu “Nếu để phụ nữ là nữ hoàng thì bạn sẽ được làm vua”. Khi biết cách thể hiện mình thông qua những cuộc giải trí phù hợp, phụ nữ có thêm các mối quan hệ, hiểu biết hơn về nhân sinh quan. Khi tư duy cởi mở, bản thân có giá trị, họ sẽ biết cách làm cho gia đình mình trở nên giá trị.
Có khi tôi hẹn hò bạn đồng nghiệp kể chuyện đời, chuyện nghề, cười đến “sái quai hàm”. Những lúc đó, dường như tôi quên chồng và quên cả mình đang là người mẹ 3 con. Tiếng cười hồn nhiên giúp thư thái, giải tỏa bao nhiêu căng thẳng thường nhật. Cũng có khi tôi hẹn bạn đến LamaquaHouse đọc sách, pha trà, chia sẻ, lắng nghe câu chuyện vui buồn, bất như ý của bạn.
Cách giải trí nhẹ nhàng này khiến tôi cảm thấy mình đặc biệt có giá trị. Khi thì tôi tổ chức hát hò bên hè quán cùng các con và cả bạn bè của các con. Có nhiều cách giải trí phù hợp với nhân sinh quan, cảm xúc của mỗi người.
* Theo chị, thời hiện đại có còn những định kiến, rào cản đối với người phụ nữ “dám” giải trí?
- Phần lớn phụ nữ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực văn hóa ngày xưa: phải “tam tòng tứ đức”… và giải trí có khi bị đánh đồng là lố lăng, ham vui vô độ, không chăm chút cho gia đình.
Định kiến kiểu phiến diện đó đã khiến phụ nữ e dè, không dám sống thật và tận hưởng cuộc sống vì mình, vì gia đình, vì cuộc đời đáng lý phải rất vui… Nó như sợi dây vô hình bó buộc người phụ nữ phải sống trong sự chịu đựng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
* Giữa người phụ nữ “dám” giải trí và người phụ nữ hy sinh bản thân…, ai tiến bộ hơn và ai yêu gia đình hơn?
- Quá ham giải trí mà quên mất gia đình, xã hội là ích kỷ với mọi người còn hy sinh là ích kỷ… với bản thân. Nếu mình không biết cách yêu mình và tận hưởng đúng cách thì sự hy sinh chỉ là ép buộc. Điều đó đôi khi dẫn đến nhiều hệ lụy. Cũng có thể do mình tự huyễn hoặc, ngộ nhận. Phải hỏi gia đình điều thực sự họ muốn là gì và họ có cần sự hy sinh của mình như thế không.
Đến thời điểm nào đó, ta sẽ nhận ra không phải sự hy sinh nào cũng cần thiết cho đôi bên. Khi đó, ta mới bắt đầu yêu bản thân thì đã quá muộn. Tại sao ta không cân bằng ngay từ đầu?
* Không ít phụ nữ vẫn nhìn nhận giải trí là xa xỉ hoặc cảm thấy có lỗi khi “bỏ chồng bỏ con để đi tìm niềm vui cho riêng mình”. Bao giờ phụ nữ hết áy náy chuyện mình “trót” giải trí?
- Vẫn là phải xét đến sự phù hợp của gia đình, vợ chồng có luôn truyền thông cho nhau những điều cần cải thiện hay không. Chỉ “trót” thì không cần phải áy náy, đôi khi cũng nên tự thưởng cho mình điều gì đó mình yêu thích để biết trân trọng bản thân, chồng con, gia đình hơn.
Sau đó, chúng ta hoàn toàn có thể giải trí cùng chồng con. Có lần tôi ham vui quá, làm mất một món đồ giá trị cao nhưng khi về nhà, chồng tôi chỉ nhắc nhẹ chứ không trách mắng.
Như vậy, chúng ta sẽ tự biết điều chỉnh cho phù hợp. Mà đôi khi cũng cần xa một chút để gần chồng hơn, quên một chút để nhớ chồng nhiều hơn và… “hư” một chút để chồng biết so sánh với những ngày tháng vợ đã “ngoan” để trân trọng.
* Chị em phụ nữ cần gia đình hỗ trợ như thế nào để mạnh dạn tiếp cận giải trí tích cực, tận hưởng niềm vui cuộc sống?
- Với riêng tôi, đó là tạo được giá trị của bản thân và niềm tin vào bản thân. Tôi và chồng tôi - ca sĩ Jimmii Nguyễn - luôn phân công công việc, con cái. Tôi cũng để chồng được thoải mái giải trí với bạn bè và vì vậy, tôi cũng có quyền giải trí cho riêng mình.
|
Ảnh minh họa |
* Tóm lại, định nghĩa của riêng chị về giải trí và người phụ nữ biết giải trí là gì, thưa chị?
- Theo tôi, giải trí có nghĩa là giải tỏa, giải phóng tâm trí bị tù túng, khai trí để được bình an trong tâm trí mình và hân hoan với người, với đời. Đừng đánh đồng người hay giải trí là hư còn người không bao giờ giải trí là ngoan. Đôi khi người không biết giải trí sẽ ích kỷ khi bắt người khác cũng không được giải trí, từ đó hạn chế cơ hội cho chính mình và người khác được sống vui vẻ, chất lượng.
Tôi nghĩ phụ nữ biết cách giải trí là người phụ nữ quyến rũ và thành công.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)