Covid-19 làm lay chuyển thế giới, ở những nơi nó đi qua và cả những cung đường chưa từng đặt chân đến. Cặp đôi Hoàng Nam - Ngọc Yến chuẩn bị tổ chức tiệc cưới ở TP.HCM. Kế hoạch cưới đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi, tưởng chỉ đợi đúng ngày đúng giờ là tiến hành, nào ngờ chỉ vì “cô vi” chen chân vào mà xáo trộn tất cả.
Hôn lễ đã định là một ngày đầu tháng Hai, nhưng nhà trai bỗng muốn dời lại khiến cô dâu khóc đứng khóc ngồi. Bà sui trai cho rằng tổ chức tiệc cưới đông đúc hàng trăm người, ăn uống cứ chấm mút chung, người này gắp cho người kia không khéo đại tiệc thành đại họa vì đại dịch.
|
Ảnh minh họa |
Chẳng lẽ cô dâu chú rể, quan viên hai họ toàn bịt khẩu trang? Thậm chí đến cái bắt tay kết tình thông gia cũng không được khuyến khích, ly rượu giao bôi, nụ hôn khởi đầu cuộc sống vợ chồng của tân lang - tân giai nhân, xui thay cũng không được sự cho phép của… “cô vi”.
Nhà trai gốc người Hoa sống ở Q.5, TP.HCM. Họ hàng bên Trung Quốc định sang Việt Nam ăn cưới, tiện thể du lịch, dòm ngó cơ hội làm ăn. Nhưng tình hình dịch bệnh thế này, thì có nâng ly chúc phúc cũng chỉ là qua webcam điện thoại. Việc đặt bàn tiệc không biết nhắm chừng bao nhiêu cho khỏi hố, vì đặt ít thì sợ thiếu mà đặt nhiều thì sợ thừa.
Vì lúc này, ai cũng chỉ muốn trốn trong nhà cho yên lành. Cưới dâu linh đình mong nở mày nở mặt, mà họ hàng chẳng mấy người đến được thì nở mặt với ai? Đám cưới là ngày vui của hai họ, cớ sao phải khổ vậy? Chi bằng hai họ ngồi lại bàn việc tạm hoãn, đợi qua dịch hẵng chọn ngày lành tháng tốt.
Nhưng cô dâu chú rể vẫn một mực quyết tâm tiến hành lễ cưới như đã định. Nguyên nhân sâu xa ít người biết là cặp đôi đã kịp “tạm ứng”, và một em bé đang tượng hình trong bụng cô dâu, mà ngày “sóng yên bể lặng” thì chưa biết đến bao giờ.
Cô dâu ra sức chống đối phương án trì hoãn của nhà trai, với lý do không thể tùy tiện dời tới dời lui một ngày trọng đại như vậy, mất duyên, tạo một tiền lệ xấu, lại không tránh được thiên hạ dị nghị. Họ nhà gái cũng lường trước những khó khăn khi tổ chức cưới giữa mùa dịch, nhưng vì chiều con gái, hơn nữa mọi thứ đã sẵn sàng nên cũng không đồng thuận với họ nhà trai.
Hai bên giằng co mãi không xong, cuối cùng chú rể giành quyền tự quyết. Đôi tình nhân dắt nhau đi thương thảo với nhà hàng, cùng những điều khoản thật cụ thể và linh hoạt. Trong cuộc nói chuyện, chú rể chợt nảy ra sáng kiến thay đổi cách thức đãi từ bàn tiệc mười khách sang đãi tiệc đứng buffet.
Khi đó mỗi khách sẽ tự gắp thức ăn từ mâm công cộng vào dĩa riêng của mình, bảo đảm vệ sinh, văn minh, tiết kiệm. Nhà hàng cũng dễ hơn trong việc điều tiết thức ăn tùy vào thực tế lượng khách tham dự.
Để giữ cho chương trình lễ cưới được trang trọng, tập trung chú ý của quan viên hai họ, thì nhà hàng sẽ thiết kế bàn để thức ăn và bàn ngồi ăn nằm ở vị trí sao cho tiện lợi, thích hợp, không quá san sát mà vẫn ấm cúng.
Phần giao lưu văn nghệ ồn ào và đầy nguy cơ lây truyền “tạp chất” qua micro được cắt giảm, chỉ còn lại tiết mục các cô gái có đôi cánh thiên thần múa chúc phúc cho đôi uyên ương. Tiệc vẫn giữ được vẻ trang trọng, thiêng liêng nhưng nhanh gọn, tiện lợi và độc đáo.
Để nhà trai thông hiểu và đồng thuận ngày đã định, cô dâu chú rể thưa thiệt chuyện đã có em bé và ra Giêng cưới liền là thời điểm thích hợp, dù có chút nghịch cảnh cần phải thích nghi. Dù rất cấm kỵ chuyện cưới “con dâu bốn mắt”, nhưng trong hoàn cảnh này, gia đình nhà trai không màng định kiến, mà chỉ tập trung lo cho hôn sự suôn sẻ.
Bà sui trai gằn giọng: “Có bầu mà tổ chức cưới sức đâu chịu nổi? Càng không nên tập trung đông, người yếu dễ lây nhiễm…”, nhưng rồi bà dịu lại: “À mà thôi, cưới nhanh để cả nhà còn dồn sức lo cho cháu nội. Cắt giảm bớt, không làm rình rang, chủ yếu ra mắt ông bà, hai họ chứng kiến tụi bây từ đây là vợ chồng với nhau. Còn họ hàng ở xa, ai chưa đi được thì khi nào gặp sẽ chúc mừng sau vậy”.
Cô dâu nghe đến đó mừng rơn. Từ đêm nay, cặp đôi đã có thể ngủ ngon đợi ngày lên xe hoa như đã định.
|
Ảnh minh họa |
Dâu rể mới, sui gia mới mùa Covid-19 cũng phát sinh nhiều chuyện phiền lòng nhau. Mẹ chồng của Kim Trinh (quê gốc Hà Giang) nhất quyết không cho Trinh mang con hai tuổi về quê dự đám cưới của em ruột cô. Bà còn gọi điện cho ông sui nói sốc: “Ngoài Bắc lạnh giá, lại gần Trung Quốc, ai bảo đảm an toàn cho cháu tôi? Anh đừng để chuyện vui của nhà anh làm hại cháu tôi”. Ông sui chẳng hiểu mô tê gì, chỉ nói được một câu vô thưởng vô phạt: “Chị bảo sao thế? Cháu chị cũng là cháu tôi mà”.
Trong từng quyết định, lựa chọn của các thành viên trong gia đình có những điều bằng mặt chẳng bằng lòng. Chẳng hạn con dâu mới về, nêm thức ăn rồi cứ lấy cái vá mà nếm tới nếm lui, xong lại thộc vào nồi canh chung khiến nhà chồng bỗng dưng nhợn ngược… Gặp cái trứng cá thiệt ngon, bà nội hăm hở lấy đũa gắp cho cháu nội, cũng khiến cha mẹ đứa nhỏ phập phồng.
Rồi múc muỗng cháo nóng, muốn cho mau nguội để đút cháu ăn, bà ngoại kê lên miệng thổi phù phù trong ánh mắt ái ngại của bà nội lâu ngày ghé thăm… Nhưng đành chịu, những bất đồng, nếu có, cũng chỉ vì họ thực sự yêu thương và muốn giữ sức khỏe cho nhau.
Dẫu sẽ không thoát khỏi lời qua tiếng lại, nhưng đó lại là cơ hội tích cực để nhắc nhở, góp ý nhau, xây dựng nhiều thói quen cần thiết như rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, dùng gắp riêng cho mâm cơm chung, ăn uống những món tăng sức đề kháng… Tất cả cũng chỉ vì một mùa đại dịch an toàn.
Tô Diệu Hiền