Cách đây lâu thật lâu rồi, cái thời mà internet mới bắt đầu xuất hiện và từng bước thâm nhập vào đời sống, người ta đã nghĩ ra những tiểu phẩm hài, ngộ nghĩnh, vui vẻ, về việc con người ta có thể, một lúc nào đó, sẽ yêu nhau, cầu hôn và cả kết hôn luôn trên internet. Khi đó, tất cả đều coi đó là những câu chuyện cười. Cái gì có thể làm được bằng internet, chứ làm sao có thể có được tình yêu và gia đình bằng con đường của công nghệ như thế.
Thế mà rồi cái chuyện tưởng không thể đó lại xảy ra, giữa dịch coronavirus.
Đám cưới của Joseph Yew và Kang Ting
|
|
Cặp đôi Joseph Yew và Kang Ting trở về Singapore sau chuyến du lịch đến Trung Quốc chỉ vài ngày trước đám cưới. Đôi người yêu bị xếp vào diện cách ly. Tuy nhiên, cỗ bàn và thiệp mời đã phát đi, ngày tốt đã định. Không muốn bỏ lỡ ngày vui của mình, họ thông báo cho toàn bộ quan khách cứ đến dự tiệc, mọi lễ nghi đám cưới như cắt bánh, rót rượu mừng, phát biểu chúc phúc đều được cô dâu chú rể live-stream từ nơi cách ly. Vậy là, nhờ internet, đám cưới vẫn được diễn ra và chắc chắn là sẽ trở thành một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời cô dâu chú rể lẫn quan khách.
Cùng vào những ngày đầu tháng 2 này, tại Trung Quốc đã diễn ra một đám cưới đặc biệt khác. Cô dâu Vương Nguyệt Linh, y tá của một bệnh viện đã kết hôn cùng với Đốc Sơn, chú lính cứu hỏa, bằng con đường internet. Gần đến ngày cưới, nhưng cô y tá không muốn rời nhiệm vụ của mình trên tuyến đầu của cuộc chiến chống đại dịch, người chồng chưa cưới thông cảm và đồng ý với quyết định của cô. Họ gọi điện báo tin dừng đám cưới cho bạn bè người thân.
Những người y tá cùng chiến tuyến của Vương Nguyệt Linh đã không muốn nhìn thấy cô buồn, thất vọng, họ tranh thủ giờ nghỉ ăn tối để tổ chức đám cưới cho cô bằng một cuộc gọi video. Cô dâu trẻ trong bộ đồng phục y tá và khẩu trang trên miệng đã nói lời thề hôn nhân cùng chồng và nước mắt họ đã chảy vì xúc động. Xin cam đoan rằng đó chắc chắn sẽ là một trong những đám cưới đẹp nhất mà người chứng kiến hay được biết còn ghi nhớ mãi.
Đám cưới của Vương Nguyệt Linh và Đốc Sơn
|
|
Có một điều không còn lấy gì là xa lạ, mới mẻ nhưng lại một lần nữa được chứng minh: trong những tai ương, địch họa, con người ta có thể học được rất nhiều điều để thích nghi và tồn tại. Đại dịch cúm do virus corona, bên cạnh việc làm cho cuộc sống trở nên bất trắc, nguy hiểm, chúng ta cũng nhận ra rằng có rất nhiều cách để con người đơn giản bớt những thủ tục, những nghi lễ hay cả là những cách sống thông thường.
Tất nhiên, một đám cưới tưng bừng rộn rã với sự chứng kiến của đông đảo bạn bè, người thân, gia đình là vô cùng tuyệt vời. Thế nhưng vẫn còn đó những chọn lựa khác giúp cho mọi việc bớt mệt mỏi và nặng nề khi giản đơn nó bớt mà vẫn giữ được y nghĩa đẹp đẽ của sự kiện, khi ta thực hiện chúng với tất cả lòng thành.
Tuần qua, cùng cho trẻ em nghỉ học để tránh. nguy cơ lây nhiễm bệnh khi tới trường, đã có những trường vẫn tiếp tục giao bài tập, kiểm tra bài học cho con trẻ bằng internet. Việc này khiến tôi nhớ lại cách đây nhiều năm, có những gia đình người Mỹ đi du lịch vòng quanh thế giới mang theo các con. Họ đi cả năm trời và các con của họ vẫn tiếp tục học bằng internet. Câu chuyện từng gây ngạc nhiên với người Việt nay đã trở thành… bình thường. Nhiều phụ huynh thấy con trẻ rất tự nguyện, vui thích với cách học mới mẻ này, họ cũng không cần phải nghĩ xem quản con thế nào, kiếm việc gì cho con làm, vì thấy con còn… bận rộn với bài vở hơn cả khi đi học. Cứ đến giờ là chúng phải ngồi vào bàn online, phải nghe giảng và trả bài cho thầy cô.
Đại dịch chắc chắn rồi sẽ đi qua. Cuộc sống rồi sẽ trở lại như cũ. Các đám cưới sẽ lại được tổ chức bình thường, trẻ em sẽ lại đến trường. Thế nhưng ngoài những mất mát, đau buồn, thiệt hại, có thể sẽ còn lại những bài học, những câu chuyện đẹp đẽ, khi con người học cách chấp nhận, vượt qua, thích nghi. Những câu chuyện ấy khẳng định lần nữa: giá trị của sự vật hiện tượng không nằm trong hình thức của sự việc. Đám cưới có hạnh phúc hay không là ở cách con người thành tâm yêu thương và đến với nhau hay không; việc học có ý nghĩa ở chỗ mang đến tri thức, đạo đức và lối sống, học hành cho con trẻ hay không...
Thanh Hà