Tìm được bạn đời nhờ mạng xã hội
Biến cố ập đến với chị Bùi Thị Điểm (sinh năm 1989, H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vào năm 1990. Lúc mới tròn một tuổi, chị không may bị bại não sau một trận sốt cao, cứ thế chân tay dần co quắp, đi lại khó khăn, mỗi khi di chuyển đều cần người giúp.
Sau nhiều năm chạy chữa, chị đã tự làm được những việc sinh hoạt cá nhân mà không phải phụ thuộc người thân, có thể di chuyển những đoạn ngắn bằng đầu gối và phát âm dù khó khăn. Chị Điểm lớn lên trong mặc cảm, tự ti, chẳng biết chia sẻ cùng ai. Đến lúc trưởng thành, chị cũng chưa từng dám nghĩ đến việc lấy chồng vì sợ trở thành gánh nặng cho người bạn đời.
Không thể đi lại, chị ngày ngày quanh quẩn ở nhà, phụ giúp bố mẹ một vài việc nhỏ. Chiếc điện thoại như người bạn thân giúp chị kết nối với xã hội.
|
Từ ngày có con, tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và niềm vui |
Năm 2014, trong một lần lướt mạng xã hội, chị vô tình kết bạn và làm quen cùng anh Triệu Nguyên Chuyên, sinh năm 1988, quê ở H.Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, là thợ mỏ ở Quảng Ninh (thời điểm quen chị Điểm, anh Chuyên đang học nghề mỏ ở Cẩm Phả - PV). Sau vài tin nhắn, anh Chuyên nhận thấy chị là người vui tính, nhí nhảnh. Chị Điểm cũng thẳng thắn thừa nhận sức khỏe bản thân không được bình thường.
Biết hoàn cảnh của chị, anh lại càng khâm phục nghị lực, thấy thương chị hơn. Về phía chị Điểm, những tin nhắn hỏi han mỗi ngày của anh Chuyên đến khiến tim chị đập loạn nhịp. Họ nói chuyện với nhau hằng ngày suốt hai năm. Dịp nghỉ lễ 30/4/2016, anh Chuyên ngỏ ý muốn về Hưng Yên gặp mặt, chị Điểm chần chừ, sợ khi tận mắt thấy những khiếm khuyết của mình, anh sẽ không còn muốn làm bạn nữa.
Anh Chuyên tâm sự: “Khi đó tôi quả quyết lắm, nói là làm thôi. Từng tin nhắn, lời tâm sự của Điểm như thúc giục tôi phải đến gặp em. Ngay hôm sau, tôi bắt xe từ Quảng Ninh về Hưng Yên thăm Điểm”.
Lần đầu chạm mặt, cô gái cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để che những khiếm khuyết trên cơ thể song không thể giấu được vẻ tự ti, mặc cảm trong ánh mắt. Dù đã hình dung từ trước, anh Chuyên không khỏi ngạc nhiên. Ngoài đời, cô gái mà anh vẫn nói chuyện hằng ngày khá nhỏ bé, phát âm không rõ, di chuyển chủ yếu bằng đầu gối nhưng làm mọi việc rất nhanh nhẹn. Chứng kiến nghị lực phi thường đó, anh Chuyên càng nể phục Điểm.
Chiếc sổ hộ khẩu bị giấu
Anh Chuyên trở lại Quảng Ninh làm việc, nhưng hình ảnh về cô gái nhỏ bé quê Hưng Yên cứ vương vấn trong trí nhớ. Anh lấy hết can đảm tỏ tình qua tin nhắn, Điểm đọc tin bật khóc và… từ chối.
Chị nói: “Tôi tự thấy mình không xứng đôi với anh, chỉ muốn dừng lại ở tình bạn. Thời điểm đó, tôi còn “chạy trốn” bằng cách không đáp lại tin nhắn, không nghe điện thoại của anh. Nhưng tôi càng cố đẩy anh ra xa thì anh lại càng yêu thương tôi nhiều hơn. Anh kiên nhẫn đứng đó dang rộng vòng tay để che chở, quan tâm tôi. Để chứng minh tình cảm của mình, những khi được nghỉ, anh lại bắt xe về Hưng Yên thăm tôi. Trước sự chân thành và nghiêm túc của anh, tôi đã xiêu lòng”.
Những tưởng hạnh phúc đã đến, nhưng gia đình hai bên lại một mực phản đối. Bà Trần Thị Thái, mẹ chị Điểm, lo lắng: “Tôi nghĩ Chuyên quê ở tận Bắc Kạn, đang có công việc ổn định ở Quảng Ninh, lại trai tráng khỏe mạnh thì chẳng có lý do gì để cậu ấy về tận Hưng Yên yêu một đứa con gái khuyết tật như con mình”.
Bố mẹ anh Chuyên thì giấu sổ hộ khẩu, tuyên bố từ mặt con trai và gọi điện thuyết phục Điểm chủ động chia tay. Anh Chuyên hồi tưởng: “Thời điểm đó, chúng tôi quá mệt mỏi. Tôi rơi vào tình thế phải lựa chọn rất khó khăn. Điểm muốn dừng lại vì mặc cảm bản thân, còn tôi quyết tâm bảo vệ tình yêu của mình”.
Những ngày sau đó, anh Chuyên kiên trì giải thích và thuyết phục bố mẹ. Chị Điểm cũng nỗ lực để chứng minh cho gia đình thấy bản thân hoàn toàn có thể chủ động trong cuộc sống hôn nhân.
Cuối năm 2016, anh Chuyên và chị Điểm tổ chức đám cưới ở Hưng Yên. Đám cưới không có đại diện phía nhà trai cũng chẳng trầu cau, xe hoa, loa đài. Cô dâu tủi thân, bật khóc ngay trước mặt mọi người nhưng rồi liền lau nước mắt nhìn chồng như dặn lòng phải cố gắng sống hạnh phúc để bố mẹ yên tâm.
|
Bé Trung Đức trong một lần đi du lịch cùng mẹ |
Giữa năm 2017, tổ ấm nhỏ của anh chị đón trái ngọt là bé Trung Đức. Đứa trẻ khỏe mạnh là minh chứng cho một tình yêu chân thành, làm cầu nối cho hai bên nội - ngoại thêm tin vào chuyện tình đặc biệt này. Có con, kinh tế khó khăn, anh Chuyên trở lại Công ty than Khe Chàm làm công nhân mỏ. Để đỡ đần cơm nước cho chồng, đầu năm 2019, chị Điểm gửi con cho ông bà ngoại và theo chồng ra Quảng Ninh.
Hằng ngày, trước giờ đi làm, anh Chuyên tranh thủ đi chợ để vợ chuẩn bị cơm cho hai người.
Mong ước trong tương lai ư? Anh Chuyên muốn bản thân đủ sức khỏe để làm việc, chắt chiu mua được căn nhà nhỏ gần mặt đường để chị Điểm thuận tiện hơn khi có việc ra ngoài hoặc những lúc chị muốn ngắm cảnh phố phường.
An Bình
Ảnh: Nhân vật cung cấp