Đám cưới bên lằn ranh sinh tử

16/09/2014 - 07:19

PNO - PN - Đây là một sự kiện đặc biệt không chỉ riêng đối với H. và Th. mà còn là lần đầu tiên xảy ra ở Bệnh viện (BV) Nhân Ái, nơi chữa trị những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cho nên, mới 5g sáng ngày 13/9, tại phòng cấp cứu Khoa Nội C, BV Nhân Ái, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, các y bác sĩ đã tất bật lau dọn phòng ốc, vệ sinh lần nữa cho chị Phạm Thị Kim Th. (SN 1987, ngụ tỉnh Bến Tre), bệnh nhân lao não, lao phổi giai đoạn lâm sàng 4. Ngay lúc này, trên chiếc xe lăn ngoài hành lang phòng cấp cứu, anh Vũ Minh H. (SN 1984, ngụ TP.HCM) đã mặc xong bộ veston với sự giúp đỡ của mẹ, cứ thấp thỏm ngóng vào. Hôm ấy là ngày H. xin phép mẹ trao nhẫn cưới cho Th.

Dam cuoi ben lan ranh sinh tu

Đi cùng em đến cuối đường

Cả tập thể y bác sĩ ca trực tối 12/9 của Khoa Nội C đều nán lại chứng kiến phút giây thiêng liêng của đôi bạn trẻ. Khi chiếc soirée trắng muốt được trải phủ lên cơ thể chỉ còn da bọc xương của Th., và H. được mẹ đỡ đứng dậy từ chiếc xe lăn, run run nắm lấy tay Th. đeo nhẫn cưới… thì nước mắt, nụ cười của mọi người đã lẫn vào nhau.

Xơ Trần Thị Điều - y sĩ thuộc dòng Mến Thánh giá Gò Vấp, trực tiếp phục vụ ở đây, nhân chứng của câu chuyện tình cảm động này bật thốt: “Thật là kỳ diệu, mới hôm qua H. vẫn phải thở oxy, còn Th. gần như chết não… Vậy mà hôm nay, cô gái ấy đã nhướng mắt, ngọ nguậy những ngón tay “khoe” nhẫn cưới với xơ! Khi xơ hỏi: “Con có thích chiếc nhẫn này không?”, Th. chớp mắt liên tiếp mấy lần để xác nhận”.

Tuổi thơ của Th. là một chuỗi dài bất hạnh. Năm Th. lên bốn, cha cô, một nông dân chân chất, hiền lành bất ngờ trúng số. Có tiền, cha Th. thay đổi, ông bắt đầu chơi bời và đánh đập mẹ con Th. Nhiều lần bị chồng đánh dã man, chịu không nổi, bà Nguyễn Ngọc Yến, mẹ của Th., đã giao con cho má chồng nuôi và bỏ trốn. Th. thường xuyên bị nội và các cô mắng chửi, đánh đập. Năm 13 tuổi, sau trận đòn nặng nề, Th. bỏ trốn khỏi nhà. Suốt chín năm chạy trốn, bà Yến vẫn luôn mong ngóng tin tức về con. Khi biết con đi bụi, bà tìm theo, khuyên Th. về ở với mình. Nhưng, nỗi uất hận bị cha mẹ bỏ rơi, bị người thân bạo hành đã khiến Th. từ chối sự chăm sóc của mẹ. Từ đó, bà Yến chỉ có thể âm thầm dõi theo con, con bỏ đi đến đâu, bà chạy theo làm thuê làm mướn gần chỗ đó. Thấy con gái càng lớn càng xinh đẹp, bà Yến vô cùng lo lắng, sợ con bị hại.

Nỗi lo của người mẹ ấy thành sự thật khi một ngày, bà nghe tin Th. chơi ma túy bị sốc thuốc phải nhập viện. Tại BV một quận vùng ven TP.HCM, bà được biết, Th. nghiện ba năm nay và đã bị nhiễm HIV. Sau khi được mẹ chăm sóc ở BV lần đó, Th. mới cảm nhận được tình thương mẹ dành cho mình. Cô quyết tâm tu tỉnh để làm lại cuộc đời. Thế nhưng, cuộc đời không mỉm cười với Th. Hồi phục, giúp mẹ buôn bán lặt vặt ở khu Nguyễn Cư Trinh, Q.1 chẳng bao lâu, Th. bị những cơn sốt về chiều hành hạ. Năm sáu tháng trời, Th. gần như bỏ ăn uống, thân thể chỉ còn da bọc xương. Đưa con gái đi khám, bà Yến đau xót khi Th. đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Vay mượn tiền bạc, bà đưa con gái đi điều trị ở Trung tâm Mai Hòa (H.Củ Chi TP.HCM), rồi tháng 5/2014, Th. được chuyển về BV Nhân Ái.

Khi Th. nhập viện, thân hình mảnh dẻ, đôi mắt tròn to, long lanh, mái tóc dài chấm lưng của cô đã hút hồn biết bao chàng trai ở Khoa Nội B. Thế nhưng Th. lại chỉ quan tâm đến H., một thanh niên cũng vướng vào ma túy, phải hứng chịu căn bệnh thế kỷ. Th. đồng cảm với H. nhiều chuyện, nhất là việc đã cai vẫn nghiện, đã định hoàn lương, đi làm giúp mẹ thì phát hiện nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS (H. từng quyết chí tu tỉnh, về làm thợ giày, kiếm tiền phụ mẹ chăm sóc gia đình…).

Dam cuoi ben lan ranh sinh tu

Những ngày cuối đời, cuộc sống đã trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn với đôi vợ chồng Th. và H.

H. kể: “Th. thấy em buồn, nên thường sang phòng em an ủi. Được khoảng một tháng, em lên những cơn nóng lạnh về chiều, Th. kề cận, chăm sóc em từng ly từng tí. Ban đầu em thấy cũng bình thường vì cô ấy chăm sóc nhiều người cũng chu đáo lắm. Nhưng rồi hai tuần sau, Th. nói thương em, muốn làm người yêu của em. Em giật mình, từ chối Th. vì thấy hoàn cảnh hai đứa không còn sống được bao lâu nữa. Mấy ngày sau, cô ấy trở bệnh nặng, bị chuyển qua đây và nằm suốt tới nay đã bốn tháng. Vắng Th., em thấy nhớ. Em xin các bác sĩ qua đây chăm sóc Th. Nhìn cơ thể ngày một tiều tụy của Th. em thương quá, nên em xin mẹ được thực hiện nghi thức cưới Th., để chúng em được là vợ chồng...”.

Trọn một giấc mơ

Dù BV Nhân Ái đã sẵn sàng chuẩn bị tâm lý để bố trí cho các đôi vợ chồng cùng bệnh AIDS chỗ ở riêng tư trong thời gian điều trị; dù ở BV đã nảy sinh rất nhiều chuyện tình giữa các bệnh nhân với nhau… nhưng chưa bao giờ có ai đề nghị cưới! Muốn làm giấy đăng ký kết hôn nhưng “cô dâu” chưa bao giờ được khai sinh, còn “chú rể” thì đã 30 tuổi vẫn chưa có chứng minh nhân dân; đã vậy cả hai đều trở bệnh nặng, phải vào khoa săn sóc đặc biệt, cần theo dõi…

Chị Hương, hàng xóm nơi mẹ H. đang ở trọ biết chuyện đã cầu cứu Báo Phụ Nữ. Chị nói: “Mong Báo giúp giấc mơ của H. thành sự thật. Gia đình em ấy cơ cực lắm. Cho dù tiện tặn tới đâu, người mẹ đó cũng không đủ tiền lo đám cưới cho H.!”.

Báo Phụ Nữ vào cuộc, lập tức những cánh tay thiện nguyện nối dài, soirée cho cô dâu, veston cho chú rể, cặp nhẫn cưới, đều sẵn sàng. Chúng tôi xin bác sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc BV Nhân Ái, một “ngoại lệ”. Ông đồng ý: “Nhưng chỉ chụp ảnh cưới trên giường bệnh thôi nhé…, vì bệnh nhân không đủ sức di chuyển”. Thế là sau một tuần chuẩn bị, đám cưới diễn ra.

Khi con trai giục giã vượt hàng trăm cây số lên đây để “làm đám cưới”, suốt cả tháng vừa hồi hộp, lo âu, toan tính đủ điều, bà Trần Thị Hồng Nhung không ngờ giây phút ngắn ngủi ấy lại quý giá với con trai mình đến vậy. Người mẹ nghẹn ngào ôm con trai, nắm tay con dâu, nhắn hai con hãy tiếp tục chăm sóc cho nhau… Ngay sau khi đeo nhẫn vào tay cho Th., H. quay sang hỏi mẹ: “Mẹ ơi, từ hôm nay, có phải mẹ đồng ý nhận Th. làm con dâu rồi không mẹ?”.

Điều chúng tôi ray rứt là mãi đến ngày cưới mới hay tin bà Yến, mẹ của Th. không thể đến vì… không có tiền mua vé xe đò! Qua điện thoại, bà nức nở: “Tôi quá vui mừng cho con gái của tôi. Nhưng tôi cũng buồn vì con tôi không được sống mấy ngày nữa để cảm nhận được niềm hạnh phúc mà nó được hưởng ở cuộc đời này”. Không được chứng kiến phút giây hạnh phúc thiêng liêng của con gái duy nhất, nhưng bà nói: “Tôi vô cùng mãn nguyện. Tôi cảm ơn chàng trai đã yêu thương Th. Cảm ơn cả mẹ của cậu ấy”.

Vậy là ở ngay lằn ranh sinh - tử, chàng thanh niên ấy đã làm được một điều kỳ diệu, thực hiện trọn giấc mơ đưa người con gái anh yêu thương đi đến cuối cuộc đời… Một ngày sau đám cưới, sức khỏe Th. và H. đều có biểu hiện tích cực. Ai cũng biết, tương lai không xa, cả hai sẽ phải rời cõi tạm, nhưng với những ngày cuối đời này, ắt hẳn cuộc sống đã trở nên ý nghĩa hơn với H. và Th.

 Nghi Anh

Bạn đọc đồng hành cùng Báo Phụ Nữ

Chi phí đám cưới đều do bạn đọc Báo Phụ Nữ đóng góp. Khi nghe câu chuyện tình kỳ diệu này, nhiều bạn đọc đã đồng hành cùng Báo, người tặng bộ áo cưới, người cho một cặp nhẫn vàng, người tình nguyện trang điểm, người chi phí xăng xe, hỗ trợ chụp ảnh. Một bạn đọc không tháp tùng được cùng đoàn cũng đã chu đáo gửi chúng tôi hàng chục chiếc bánh giò, bánh chưng vừa ăn lót dạ, vừa để biếu đội ngũ y bác sĩ trực đêm. Chị Bách Aly đã trao tặng năm triệu đồng “tiền mừng cưới” để… bổ sung vào bữa ăn cho 300 bệnh nhân của BV.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI