Đảm bảo quyền lợi cho người được nâng mức hưởng bảo hiểm y tế

17/11/2023 - 06:33

PNO - Sáng 16/11, tại hội nghị triển khai Nghị định 75/2023/NĐ-CP (Nghị định 75), ông Nguyễn Trí Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - cho biết, nghị định này bổ sung nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

 Cụ thể, những người có công với cách mạng như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ công an được giải quyết hưởng theo chế độ; dân công hỏa tuyến được nâng mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%.

Nghị định 75 có nhiều quy định mới tăng quyền lợi cho nhiều nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách BHYT - Ảnh: VGP/Thu Cúc
Nghị định 75 có nhiều quy định mới tăng quyền lợi cho nhiều nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách BHYT - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Những đối tượng được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Thời gian hỗ trợ là 36 tháng, kể từ ngày 1/11/2023. Ngoài ra còn có đối tượng là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Để triển khai những chính sách mới này, ông Nguyễn Trí Dũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, chuyển đổi thẻ nhằm đảm bảo quyền lợi của những đối tượng được nâng mức hưởng. Đồng thời, các đơn vị vụ, cục, thanh tra Bộ Y tế phải tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, phòng chống các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các bệnh viện cần thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng, khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Tại hội nghị, đại diện Sở Y tế Hà Giang nêu vấn đề: Nghị định 75 được Chính phủ ký ban hành vào ngày 19/10/2023. Trong đó hiệu lực chính sách hỗ trợ với các đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc xã vùng II, vùng III, thôn đặc biệt khó khăn… lại áp dụng từ ngày 1/11/2023. Thời gian này tương đối ngắn nên có những trường hợp sẽ chưa thể đổi thẻ kịp. Đại diện của sở đặt câu hỏi, liệu có thể lùi thời điểm hưởng từ 1/1/2024 với các trường hợp này được không? Bởi những đối tượng này chỉ được hỗ trợ trong 36 tháng, nếu lùi thời điểm áp dụng cũng đồng nghĩa với việc lùi thời điểm kết thúc hỗ trợ.

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - khẳng định, việc áp dụng hiệu lực từ ngày 1/11 mang ý nghĩa “để người dân hưởng sớm ngày nào tốt ngày ấy”. Nếu áp dụng muộn, nhiều người khó khăn mắc bệnh nặng, hiểm nghèo không được hưởng chính sách sẽ rất thiệt thòi. Do đó, bà đề nghị các địa phương cố gắng thực hiện đúng 1/11 để đảm bảo quyền lợi của các đối tượng được hỗ trợ trên.

Trả lời thắc mắc của một bệnh viện địa phương về vấn đề người bệnh lùi lịch khám khi đã quá hạn trong giấy hẹn, bà Trần Thị Trang cho hay, Nghị định 75 quy định “trường hợp quá thời gian hẹn khám lại, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày được hẹn khám lại, người bệnh liên hệ nhân viên y tế để đăng ký lịch khám phù hợp hoặc tự đến khám lại”. Theo đó, trường hợp đến khám trễ, bệnh nhân buộc phải liên hệ với nhân viên y tế trong thời gian 10 ngày kể từ ngày được hẹn khám để được bố trí, sắp xếp lịch khám khác. Nếu liên hệ sau thời hạn này thì sẽ không được chấp nhận.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI