Ngành cấp nước đối mặt nhiều thách thức
Nêu nguyên nhân tổ chức tọa đàm, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - nhắc lại những cảnh báo về diễn biến bất thường của khí hậu trong thời gian tới, ảnh hưởng đến nguồn cung nước sạch.
Bà nói: “Với tình hình phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay - bao gồm quy hoạch không gian, dân số, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp - thì cung ứng nước đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của phát triển. Nhưng với những thách thức trong tương lai như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, gia tăng dân số nhanh, cần phải tìm hướng thích nghi”.
|
Các kỹ sư nhà máy nước Thủ Đức (thuộc SAWACO) kiểm tra việc đảm bảo an toàn cấp nước trong mùa khô - Ảnh: Bích Đinh |
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - nhận định, biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế, xã hội là yếu tố quan trọng nhất tác động đến ngành cấp nước của TPHCM. Theo ông, TPHCM sẽ xuất hiện các đô thị mới và lớn, như Cần Giờ, các vùng công nghiệp ở cảng trung chuyển Cần Giờ, Hiệp Phước, Củ Chi, từ đó đòi hỏi phải có hệ thống truyền tải nước mạnh.
Ông Nguyễn Toàn Vẹn - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM) - cho hay, theo các thông tin dự báo về biến đổi khí hậu, nhiệt độ năm nay ở TPHCM tăng 0,3 độ C so với các năm trước; trong 5 năm tới, nhiệt độ sẽ tăng khoảng 0,8-0,9 độ C. Lượng mưa 6 tháng cuối năm nay sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Trung bình hằng năm, Biển Đông có 12-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, với 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền.
|
Quang cảnh tọa đàm “Cung ứng nước sạch cho phát triển kinh tế, xã hội TPHCM trong bối cảnh biến đổi khí hậu” - Ảnh: Phùng Huy |
Theo ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc SAWACO - ngành cấp nước TPHCM đang đương đầu với nhiều khó khăn, như thiếu công nghệ xử lý bậc cao, thiếu hồ dự trữ nước, thiếu bể chứa trung gian, vẫn còn tình trạng khai thác nước ngầm, xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn...
Ông cho hay, SAWACO đang cung cấp đủ nước sạch cho 21 quận, huyện và TP Thủ Đức (riêng huyện Củ Chi do Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn cung cấp), nhưng tỉ lệ sử dụng nước sạch trong dân ở một số khu vực vẫn còn thấp do người dân sử dụng nước giếng khoan. Công suất phát nước bình quân năm 2022 đạt 1.924.417 m3/ngày, bằng 97,58% so với công suất kế hoạch năm 2022; trong 5 tháng đầu năm 2023, cung ứng 1.901.590 m3/ngày, giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM - tỏ ra bất ngờ trước thông tin này: “Tôi rất xót khi có nước sạch mà người dân không sử dụng trong khi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm”.
Tăng nguồn khai thác, chống thất thoát nước
Tiến sĩ Lê Thanh Hòa - Trưởng khoa Địa lý, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - cho rằng, TPHCM may mắn được thừa hưởng nguồn nước từ 2 con sông Đồng Nai và Sài Gòn. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã làm suy giảm nguồn nước; nước mặn ngày càng tiến sâu vào lục địa. Do đó, cần có ý thức bảo vệ lưu vực 2 con sông trên.
|
Nhân viên nhà máy nước Tân Hiệp kiểm tra chất lượng nước trước khi cấp đến cho người tiêu dùng - Ảnh: T.H.W. |
Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - cũng đặc biệt quan tâm đến nguồn nước. Theo ông, ngành cấp nước TPHCM có 3 vấn đề lớn cần quy hoạch, thay đổi để thích ứng trước những tác động, gồm nguồn nước, kỹ thuật cấp nước và công tác quản lý.
Về nguồn nước, TPHCM có 5 nguồn, lượng nước khá dồi dào nhưng tới đây, sẽ xuất hiện nhiều vấn đề do chịu ảnh hưởng của khí hậu cực đoan, nước biển dâng. Ông gợi ý, ngành cấp nước cần khai thác nguồn nước mưa và tính đến việc tái sử dụng nước.
Về kỹ thuật cấp nước, việc quy hoạch phải đảm bảo tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất, phục vụ sự phát triển công nghiệp. Ông nói: “Nhu cầu nguồn nước tăng lên cũng đòi hỏi chất lượng nguồn nước tăng lên. Mọi hoạt động đều cần nước sạch”.
Về công tác quản lý, theo ông Võ Kim Cương, cũng như vấn đề chất lượng nước, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng: “Ngành cấp nước là một trong những ngành tiên phong phát triển khoa học kỹ thuật, trong đó, quan trọng nhất là khâu xử lý nước, cung ứng nước, tiếp đến là khâu dự trữ nước, chống thất thoát nước”.
Nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng
Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Thị Hồng Na - giảng viên chính bộ môn kiến trúc, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, để sử dụng nước hiệu quả trong công trình, kiến trúc xanh, cần thay đổi hành vi và thiết bị, trong đó ưu tiên lựa chọn các thiết bị tiết kiệm nước. Chẳng hạn, thiết kế bồn cầu phải có 2 chế độ xả, vòi phải đạt được các chỉ số nước tiết kiệm.
|
Ban biên tập Báo Phụ nữ TPHCM tặng hoa cảm ơn các chuyên gia dự tọa đàm “Cung ứng nước sạch cho phát triển kinh tế, xã hội TPHCM trong bối cảnh biến đổi khí hậu” - Ảnh: Phùng Huy |
Bà đề xuất: “Trong quy hoạch thiết kế, vận hành cảnh quan, nên có những giải pháp bảo tồn tối đa hệ thống cây xanh hiện hữu, phát triển cây xanh mới theo hướng ưu tiên cây bản địa, cây nhiều tầng, tán để giữ nước”. Cũng theo bà, cần lắp đặt thiết bị đo đạc, định lượng, thống kê, kiểm tra, kiểm soát định kỳ lượng nước rò rỉ để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Bà cũng đề xuất, cần lan tỏa thông điệp tiết kiệm nước trong cộng đồng.
Đưa ra khái niệm kinh tế tuần hoàn trong cấp thoát nước, tiến sĩ Đặng Thương Huyền - Trưởng phòng Thí nghiệm tài nguyên Trái đất và môi trường, Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí, Trường đại học Bách khoa TPHCM - nhắc đến việc tối ưu hóa, bảo tồn và lưu trữ nguồn nước đã qua sử dụng. Tuy nhiên, đối với việc này, đang có những thách thức rất lớn về khoa học công nghệ, chi phí vận hành, bảo trì hằng năm cũng như nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tái chế, tái sử dụng.
Phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên - Trưởng khoa Kiến trúc, Nội thất, Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nguyễn Tất Thành - cũng cho rằng, tiết kiệm nước cần phải trở thành văn hóa. Theo bà, người ta nói nhiều đến tiết kiệm nước nhưng ít ai nghĩ đến việc tiết kiệm nước: “Tiền nước cần phải cao để nâng cao ý thức tiết kiệm nước. Người ta chỉ có thể tiết kiệm khi thấy giá không hề rẻ”.
Ông Lê Thanh Hòa đề xuất, cần có hệ thống thu gom nước sông, nước mưa và nước thải sinh hoạt về các hồ sinh thái để biến thành nguồn nước dự trữ, phòng khi có biến cố, đồng thời cần sử dụng kỹ thuật tiên tiến, an toàn để xử lý nước. |
Bà Hạnh Nguyên dẫn chứng, Israel là đất nước gần như không có nước nhưng lại là nước có nền nông nghiệp đứng đầu thế giới: “Họ tái sử dụng nguồn nước bằng mọi cách. Đó là thành quả của văn hóa nước mà người Israel đặt ra. Họ dạy cho trẻ con rằng người Israel không có giọt nước nào và phải trở thành đất nước được mọi người kính nể về dự trữ nguồn nước. Từ đó, nước trở thành văn hóa; mỗi gia đình, mỗi người dân đều nghĩ cách sử dụng nước sao cho phù hợp”.
Tiến sĩ Lê Thanh Hòa nhắc đến khái niệm “dấu chân nước” trong vấn đề tiêu thụ nước ở các nước phát triển. Theo đó, các quốc gia này đánh giá 3 yếu tố trong tiêu thụ nước, đó là lượng nước tiêu thụ vào mùa mưa, mùa khô và lượng nước trung hòa các chất ô nhiễm trong đô thị.
Theo ông, việc đánh thuế cao vào lượng nước thải giúp tạo nguồn kinh phí đầu tư vào công nghệ xử lý môi trường. Ngoài ra, người ta cũng đánh thuế các sản phẩm xuất khẩu sử dụng nguồn “nước ảo”. Chẳng hạn, khi dùng nguồn nước ở Việt Nam để tạo sản phẩm xuất ra nước ngoài thì sản phẩm đó phải chịu mức thuế cao để có kinh phí xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường và phát triển hệ thống xử lý nước cho các đô thị.
Doanh thu chỉ đủ duy trì hoạt động Theo ông Bùi Thanh Giang, doanh thu của SAWACO chỉ đảm bảo duy trì hoạt động, chưa có lợi nhuận để đầu tư phát triển, mở rộng toàn diện các lĩnh vực cũng như nâng cao chất lượng. Trước mắt, trong năm 2023, SAWACO đảm bảo cấp nước an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân thành phố. SAWACO cũng tiếp tục thực hiện đề án “Phát triển hệ thống cấp nước TPHCM giai đoạn 2020-2050”, trong đó duy trì chỉ tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm, giảm tỉ lệ nước thất thoát, thất thu, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, chất lượng phục vụ khách hàng, tăng cường giám sát chất lượng nước và triển khai chương trình uống nước tại vòi. |
Từ năm 2017, nước sạch đã đến với 100% hộ dân Ông Cao Thanh Bình cho hay, năm 2014, HĐND TPHCM đã thảo luận tại nghị trường và đã thông qua nghị quyết về các nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2015, trong đó nêu chỉ tiêu phấn đấu cung cấp nước sạch đến 100% hộ dân. Sau 3 năm, ngày 20/2/2017, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị, công bố đã đạt chỉ tiêu này và tập trung cải thiện chất lượng nước sạch, chống thất thoát nước sạch. |
Có kế hoạch bảo đảm an ninh nguồn nước Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, sở đã phối hợp với SAWACO trám lấp 40 giếng khoan ở TP Thủ Đức và tới đây, sẽ trám lấp giếng khoan ở huyện Nhà Bè và quận Tân Phú. Theo định hướng, 2 đơn vị sẽ phối hợp kéo giảm lượng nước ngầm bị khai thác hiện nay là 420.000m3 xuống còn 30.000m3 trong giai đoạn 2025-2030. Phó giáo sư Nguyên Hạnh Nguyên cho rằng, TPHCM cần coi an ninh nước là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, bên cạnh 2 vấn đề lớn khác là giao thông và ô nhiễm môi trường. Bởi theo bà, TPHCM sẽ trở thành đại đô thị với dân số 15 triệu người. Theo tiến sĩ Lê Thanh Hòa, quy hoạch đô thị TPHCM hiện nay còn lộn xộn, khu dân cư và thương mại lẫn lộn nhau, các chức năng đô thị không rõ, gây khó cho việc cấp thoát nước và thu hồi nước thải sinh hoạt. Các khu công nghiệp cũng phát triển một cách lộn xộn. Do đó, vấn đề cấp nước, thoát nước đòi hỏi sự tham gia của tất cả đơn vị liên quan. |
Thu Lê - Tú Ngân - Tuyết Dân