Trước khi diễn ra phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận trách nhiệm về những yếu kém của chính quyền TP trong năm 2016 và hứa sẽ khắc phục trong năm 2017. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, dù khó khăn đến mức nào, cũng phải đảm bảo mức chi cho đầu tư phát triển, y tế, giáo dục, xã hội…
|
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong |
Phương tiện đo lường thực phẩm còn thô sơ
Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Đạt về nhiều dự án chậm triển khai, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, các dự án hiện đang triển khai đúng tiến độ, kết quả tốt, nhưng cũng có dự án triển khai rất chậm. Hiện còn hơn 500 dự án “treo”. “Nhiều dự án treo khiến người dân trong vùng dự án bị tác động rất lớn, làm ăn khó khăn. Chúng tôi sẽ giao cơ quan chức năng xử lý nghiêm các dự án kéo dài. Các dự án không thể triển khai thì phải thu hồi”, ông Phong khẳng định.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề tình trạng xe dù bến cóc, ông Phong trả lời: “Tôi đã nhận rất nhiều tin nhắn về xe dù bến cóc, mỗi lần nhận, tôi đều điện cho giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và hạn chót cuối năm nay phải xử lý xong. Sở GTVT không phải giậm chân tại chỗ mà cần có nhiều nỗ lực. Nếu đến cuối năm không dẹp được, UBND sẽ nghiêm khắc xử lý. Tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ có hình thức xử lý phù hợp, thích đáng”.
Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (AVTSTP), ĐB Huỳnh Đăng Linh lo lắng: “Sắp tới TP thành lập Ban quản lý ATVSTP, nhưng hiện nay, công cụ, phương tiện đo lường thực phẩm còn thô sơ. Việc lấy mẫu thực phẩm ở chợ đầu mối, phải sau năm - sáu ngày mới có kết quả, như thế rất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”.
Ông Phong cho biết, hướng tới, UBND TP.HCM sẽ tăng cường cho các quận huyện thành lập đội kiểm tra ATVSTP. Theo ông Phong, AVTSTP đang là vấn đề mà người dân TP vô cùng bức xúc, và “đảm bảo bữa ăn người dân an toàn là trách nhiệm của chính quyền TP”. UBND TP.HCM đã trình Thành ủy đề xuất triển khai Ban ATVSTP, Trung tâm kiểm nghiệm ATVSTP… nhằm tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm.
Dự án nhà cao tầng gây tắc nghẽn giao thông
Trước đó, vào buổi sáng, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn đã trả lời chất vấn các ĐB. ĐB Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi: “Việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, đặc biệt là các trung tâm thương mại, cao ốc, có tính toán đến việc gây ùn tắc giao thông không? Khi có nhũng nhiễu, dân báo lên phường, phường báo quận, quận báo TP. Khắc phục tình trạng này như thế nào khi phải báo và xử lý lòng vòng?”.
Không trả lời vào trọng tâm câu hỏi của ĐB Bích Châu, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn lòng vòng giải thích về chỉ tiêu quy hoạch về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu về dân số, số tầng cao… đồng thời cho rằng việc chuyển thanh tra xây dựng quận huyện về Sở Xây dựng là phù hợp, góp phần quan trọng nâng chất đội ngũ thanh tra xây dựng.
Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Tuấn, bà Châu phản ứng: “Trả lời chưa đi sâu, bám sát vào nội dung. Tôi hỏi hiện nay, lực lượng thanh tra xây dựng quy về một đầu mối dẫn đến quy trình xử lý cán bộ nhũng nhiễu dài ra. Làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng này?”. Ngay sau đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc ông Tuấn trả lời rõ ràng, đi sâu vào vấn đề ĐB và cử tri đặt ra.
Giám đốc Trần Trọng Tuấn thừa nhận, một số vụ sai phạm xây dựng do kiểm tra chéo nên có xảy ra chậm trễ như ĐB phản ánh. Về các công trình cao tầng ảnh hưởng giao thông, theo ông Tuấn, lãnh đạo TP có chỉ đạo, có kiểm tra. TP cũng đang triển khai các công trình giao thông đảm bảo sự kết nối đồng bộ, nhằm khắc phục, ngăn ngừa ùn tắc giao thông cục bộ ở các điểm này. Ông Tuấn khẳng định trong thời gian tới, sở sẽ báo cáo UBND TP cách khắc phục ách tắc giao thông ở các khu vực có dự án này. Tuy nhiên, ông không nói rõ trách nhiệm trong việc cấp phép xây dựng quá dày đặc tại khu vực nội đô. Ông cho rằng với các công trình này có sự thẩm định của Sở GTVT thì Sở Xây dựng mới cấp phép.
ĐB Trương Lâm Danh chất vấn tình trạng nhà cửa xây dựng lấn chiếm cửa xả kênh rạch và hỏi, liệu có khó khăn gì khiến việc xử lý sai phạm này sau thời gian dài không có gì tiến triển. Ông Trần Trọng Tuấn trả lời: “Việc lấn chiếm hố ga, hạ tầng đô thị thuộc trách nhiệm của Sở GTVT, Thanh tra giao thông”. Ngay lập tức, ông Trương Lâm Danh chất vấn tiếp: “Tôi đồng ý nếu lấn đường là việc của Sở GTVT. Nhưng toàn bộ nhà xây trên đó, chúng ta phát hiện rồi, xử lý như thế nào? Tại sao từ đầu năm tới giờ chưa xử lý? Đội ngũ thanh tra xây dựng đông đảo, có 50% đảng viên, việc xử lý này gặp khó khăn vướng mắc gì không?”.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê nêu một hệ lụy của việc xây dựng nhà lấn chiếm là ngập úng: “Ngập là hệ lụy của việc buông lỏng quản lý về xây dựng, dẫn đến khu đô thị dị dạng, nhà cửa xây cất trên đường thoát nước, tuyến giao thông. Việc không kết nối giao thông này tiêu tốn ngân sách nhà nước, tốn tiền của người dân”.
Ông Tuấn cho rằng, việc xây nhà trên cống chắc chắn không có giấy phép xây dựng. Nhưng theo ông Tuấn, “trách nhiệm này là của UBND phường, xã”.
Quỳnh Mai
Phòng khám có "Bác sĩ Trung Quốc": Phát hiện sai phạm chủ yếu dựa vào báo chí?
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm về trách nhiệm quản lý phòng khám có “bác sĩ Trung Quốc”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận, vấn nạn này đã tồn tại nhiều năm. Phòng khám Trung Quốc lừa gạt tiền bạc, gây tai biến, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân… Theo ông Bỉnh, công tác quản lý ngành nghề y tế tư nhân trên địa bàn TP.HCM rất phức tạp.
“Tình trạng phòng khám Trung Quốc kéo dài nhiều năm rồi, biến tướng đa dạng, khó quản lý. Ở đây có nhiều vấn đề nhạy cảm… Vừa rồi, qua phản ánh của báo chí, chúng tôi đã triển khai tái kiểm tra. Ngoài ra, chương trình của Thanh tra là hàng năm đi kiểm tra ba-bốn lần đối với phòng khám nước ngoài, trong đó có phòng khám Trung Quốc”, ông Bỉnh nói.
Về chất lượng khám, ông Bỉnh khẳng định sẵn lòng phối hợp với báo chí. “Tất cả những bài báo đưa, chúng tôi liên hệ với các phóng viên, cử người đến kiểm tra... Nhiều khi báo chí viết đưa ra thông tin vụ việc, nhưng khi Sở Y tế tới nơi thì mọi việc nó đã xảy ra rồi (?). Hồ sơ chứng từ không còn lưu lại”, ông Bỉnh phân bua. Người bệnh mạnh dạn đến bệnh viện công để thẩm định lại việc chẩn đoán, điều trị sai, lừa đảo. Trên cơ sở đó, ngành y tế sẽ xử phạt nặng những phòng khám vi phạm.
Từ ngày 9 đến 22/11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra 20 phòng khám có “bác sĩ Trung Quốc”. Trên 10 phòng khám không đạt các tiêu chuẩn của ngành y tế. Nhiều phòng khám không lập hồ sơ bệnh án, ghi chép bệnh án không đầy đủ, cấp thuốc không đúng quy định...
“Quy định chế tài các phòng khám vi phạm vẫn còn thấp. Các phòng khám mà ĐB nêu, năm qua, chúng tôi đã phạt 900 triệu đồng và chỉ rút giấy phép sáu tháng. Các đối tượng này lại chuyển tới địa điểm khác hoạt động và tiếp tục lừa gạt bệnh nhân”, ông Bỉnh cho biết.
Vụ "Chế biến cải bắc thảo từ rác thải" là đặc biệt nghiêm trọng
Trả lời phóng viên bên lề kỳ họp, liên quan đến bài báo “Bóc trần đường dây chế biến cải bắc thảo từ rác thải” trên báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 7/12, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
“Về mặt chuyên môn y tế, cho dù những sản phẩm cải muối, kim chi đã được chế biến qua muối, lên men… có thể giết chết một số vi khuẩn. Thế nhưng, việc lấy nguyên liệu từ những bãi rác chợ đầu mối chắc chắn không bảo đảm an toàn vệ sinh. Sản phẩm hư, thối rữa, không còn đạt phẩm chất thì tiểu thương mới mang đi vứt bỏ. Sở Y tế sẽ phối hợp với sở ngành có liên quan xử lý nghiêm vụ việc này”, ông Bỉnh nói.
Nam Anh (ghi)
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Thi Thị Tuyết Nhung: Phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương về tình trạng lấn rạch
Tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh việc xin cấp giấy phép xây dựng rất khó khăn do chưa phù hợp quy hoạch. Cụ thể, 13 hộ ở đường 35 khu phố 6 P.Bình Thuận, Q.7 không xin được giấy do vướng quy hoạch làm đường 20 năm nay.
Tiếp đó, tôi cũng nhận được ý kiến phản ánh ở đường 47, khu phố 5, P.Bình Thuận, Q.7 cũng cùng quy hoạch đường dự phóng 20 năm như vậy, nhưng có tới 18 căn nhà tồn tại, xây dựng lấn chiếm trên 800m2 đất trên kênh rạch dành để làm đường dự phóng (báo Phụ Nữ TP. HCM đã có bài viết phản ánh “Phù phép” đất kênh rạch thành nhà ở trước mắt chính quyền - PV).
Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Quy chế phối hợp giữa Sở với UBND các cấp trong việc sử dụng thanh tra xây dựng như thế nào? Tại sao đường 47 tồn tại 18 căn nhà, còn đường 35 người dân xin xây dựng lại trả lời chưa phù hợp, khiến người dân rất bức xúc? Tôi đề nghị cần xem xét lại cách quản lý của chính quyền địa phương, cần thanh kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đem lại sự công bằng cho người dân.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Trương Lâm Danh: Kiên quyết xử lý để tránh tình trạng ngập
Việc người dân lấn chiếm kênh rạch, đặc biệt là các tuyến cống, hố ga, cửa xả đang diễn ra hết sức nhức nhối. Theo đó, đã phát hiện lấn chiếm 40 vụ cửa xả, hố ga, 42 tuyến kênh rạch. Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của địa phương, phải kiên quyết xử lý và phục hồi toàn bộ để đảm bảo việc thoát nước, tránh tình trạng gây ngập. Trường hợp địa phương để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, phát hiện mà không xử lý, theo tôi, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm do không hoàn thành nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Vũ Thanh Lưu: Việc giải tỏa cần tính toán giảm chi ngân sách tối đa
UBND TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, đây là vấn đề cấp bách, nhất là tại địa bàn Q.8, khu vực có nhiều nhà lấn chiếm ven và trên kênh rạch. Khu vực này hiện ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, theo tôi, việc giải tỏa nên giảm chi tối đa ngân sách. Cần có cơ chế đột phá, huy động nguồn vốn xã hội hóa, khai thác tốt quỹ đất sau khi chỉnh trang. Cần hỗ trợ nguồn vay hoặc hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư. Song song đó, khi di dời, cần có phương án tối ưu đảm bảo cuộc sống người dân.
Mai Phan (ghi)