PNO - Dù lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng vẫn còn hiệu lực nhưng rừng ở tỉnh Đắk Lắk tiếp tục “chảy máu”. Cụ thể, chỉ cách phân trường của chủ rừng chưa đầy 8km, một “công trường” tập kết gỗ trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại.
Khoảng 10g ngày 27/11, một nguồn tin từ người dân xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) cho chúng tôi biết, có một bãi tập kết gỗ khối lượng lớn đang hoạt động ngay giữa rừng (nằm trong địa giới hành chính của xã Ea H’leo). Nhóm phóng viên lập tức xuất phát từ TP. Buôn Ma Thuột, di chuyển gần 100km đến xã Ea H’leo, vượt thêm nhiều km đường rừng mới tiếp cận được bãi tập kết gỗ. Nhiều vết bánh máy cày còn hằn trên đường mòn.
Lội bộ lần theo dấu máy cày thêm khoảng 8km, chúng tôi đến một đỉnh núi giữa rừng. Bãi gỗ hiện ra “hoành tráng” chẳng khác một “công trường” khai thác gỗ. Hàng trăm lóng gỗ đủ kích cỡ đã được xẻ hộp vuông vức chồng chất lên nhau. Mùn cưa mới tinh, trắng xóa hiện rõ bên các lóng gỗ vẫn còn chảy nhựa. Phía trên ngọn núi, vô số gỗ xẻ hộp được tập kết tại một bãi đất, quanh bãi đất đầy dấu vết những đống tro, chai, can đựng xăng dầu, nước và những khúc gỗ cháy xém của lâm tặc để lại. Tại hiện trường còn có một chiếc máy cày kéo theo rơ-moóc, sẵn sàng cho việc chuyển gỗ khỏi rừng.
Hiện trường bãi tập kết gỗ đang được kiểm lâm huyện Ea H’Leo và bảo vệ của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả (CT Chư Phả - trụ sở tại xã Ea H’leo) bảo vệ. Trước những câu hỏi chúng tôi đặt ra về bãi gỗ “khủng” này, họ chỉ biết lắc đầu và khẳng định, họ chỉ có nhiệm vụ vảo vệ hiện trường chứ không biết gì hơn. Bãi tập kết gỗ này nằm trong diện tích rừng do CT Chư Phả quản lý; chỉ cách trạm quản lý bảo vệ rừng phân trường số 1 của CT Chư Phả chưa đầy 8km, nhưng không hiểu vì sao lại không bị phát hiện và ngăn chặn sớm.
Các dấu vết tại hiện trường cho thấy, để khai thác, vận chuyển một lượng gỗ lớn như thế ra bãi tập kết, bọn phá rừng phải mất rất nhiều thời gian và cần nhiều nhân lực. Như vậy, ai là người đã khai thác số gỗ trái phép này rồi tập kết ở vị trí nói trên? Lực lượng bảo vệ rừng có “tiếp tay” cho lâm tặc khai thác gỗ trái phép? Trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đến đâu?
Sáng 28/11, ông An Ngọc Tân - Giám đốc CT Chư Phả, cho biết: “Ngày 21/11, khi CT phối hợp với đoàn liên ngành đi phá các lò than thì nhận được tin báo của Hạt kiểm lâm Ea H’leo về bãi tập kết gỗ nói trên. Lực lượng phối hợp của CT và của hạt kiểm lâm đã kiểm tra, xác định bãi tập kết gỗ thuộc tiểu khu 22, nằm trong diện tích rừng do CT quản lý”. Theo ông Tân, để xảy ra việc khai thác gỗ trái phép này là trách nhiệm của chủ rừng, đã không nắm bắt kịp thời tình hình để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ rừng.
“Chúng tôi sẽ xử lý trách nhiệm của những cán bộ được giao bảo vệ rừng đã để xảy ra sự việc theo quy chế của CT. Tôi là người đứng đầu CT, cũng phải nhận trách nhiệm chưa kiểm soát chặt chẽ, có thiếu sót trong công tác chỉ đạo”- ông Tân nói. Về vấn đề có dấu hiệu “bảo kê” của lực lượng bảo vệ rừng hay không, ông Tân nói ngay: “Tôi khẳng định là không có! Tôi cho là vụ này diễn ra vào những ngày mưa sau cơn bão số 13, 14; đường tuần tra dốc, nước chảy xiết, nên anh em không đi tuần tra được để phát hiện kịp thời” - ông Tân giải thích.
Đã xác định được ba đối tượng vận chuyển gỗ?
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Ea H’leo, ngày 21/11, nhận được tin báo của người dân, hạt đã tổ chức lực lượng kiểm tra và phát hiện bãi gỗ trên với hai máy cày có gắn rơ-moóc, hai xe cày tay, một xe máy, hai cưa xăng do các đối tượng bỏ lại. Gần hiện trường tập kết gỗ, nhiều cây mới bị chặt hạ, có dấu vết kéo gỗ về tập kết. Hạt đã phối với CT Chư Phả kiểm đếm được 126 lóng, hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VII, tổng cộng 45,109m3.
Ngày 22/11, hạt đã mời Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, CT Chư Phả, UBND xã Ea H’leo cùng đi kiểm tra để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Cũng theo báo cáo của hạt kiểm lâm, tang vật và lâm sản vi phạm đang được hạt và CT Chư Phả trông coi tại hiện trường, địa hình tập kết gỗ có dốc cao, đường đi rất khó khăn và chưa phát hiện đối tượng khai thác gỗ nào. Hạt kiểm lâm nhận định, đây là một vụ khai thác, vận chuyển và tập kết gỗ quy mô lớn, có tổ chức, cần được điều tra làm rõ.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Trương Văn Hồng - Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Ea H’leo, cho biết: “Ngày 21/11, anh em có phát hiện ba người đang bốc gỗ lên xe cày để chở ra khỏi rừng nên tạm giữ đưa về UBND xã lấy lời khai, lập biên bản, có ghi địa chỉ rõ ràng. Các đối tượng khai là được thuê vận chuyển chứ không thừa nhận là người khai thác gỗ. Sau đó, người thân của các đối tượng đã đem giấy tờ tùy thân đến và cơ quan chức năng đã cho bảo lãnh về. Chúng tôi đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu để chuyển cho cơ quan điều tra vào ngày 29/11. Đồng thời, lực lượng của hạt tiếp tục phối hợp với đơn vị chủ rừng đưa toàn bộ tang vật về trụ sở CT Chư Phả để phục vụ điều tra”.
Theo ông Hồng, công tác bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân và chủ rừng; UBND cấp xã, huyện và lực lượng kiểm lâm; đồng thời còn có quy chế phối hợp các ngành. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về CT Chư Phả - đơn vị được Nhà nước giao đất, giao rừng để quản lý.
Cũng chiều 28/11, Trung tá Phùng Minh Trí - Phó trưởng Công an huyện Ea H’leo, cho biết: “Hiện cơ quan điều tra mới chỉ phối hợp khám nghiệm hiện trường. Ngày 27/11, Thường trực Huyện ủy đã mời Công an và hạt lên chỉ đạo, yêu cầu hạt khẩn trương hoàn tất hồ sơ để chuyển cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định”.
Chiều 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, biểu dương Đội tuyển bóng đá nam quốc gia sau khi đội tuyển giành chức vô địch ASEAN Mitsubishi Electric Cup™ 2024.
14g30 ngày 6/1/2025, chuyến bay Vietnam Airlines chở đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vừa giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài.