Hạnh ngộ tình cờ
Năm 2014, nhóm bạn gồm Phan Huy Lê, Cù Minh Khôi, Nguyễn Phương Đông (thành viên sáng lập Vietnam Centre sau này), Nguyễn Thị Ngọc Huyền... “gặp nhau” tại một diễn đàn gồm những người yêu thích văn hóa truyền thống, thích trang phục cổ của Việt Nam. Thời điểm đó, họ chẳng nghĩ cuộc gặp rồi sẽ mở ra những cơ duyên mới, những kết nối mới, dài hơi và nhiều sắc màu hơn. Khi chiếc áo Giao Lĩnh thời Lê hoàn thành, những tưởng mọi thứ sẽ dừng lại như một kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ, nhưng rồi những người trẻ 9X ấy nhận ra, tình yêu của họ không dừng lại ở trang phục mà nối dài sang cả phong tục, tập quán của người Việt xưa. Đại Việt Cổ Phong ra đời.
Nhóm dần thu hút nhiều thành viên trên Facebook, được sự hậu thuẫn từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và hiện số thành viên đã gần 147.000, đủ để thấy người trẻ không hề quay lưng hay thờ ơ với văn hóa dân tộc.
|
Bìa sách Hoa Văn Đại Việt |
Đọc các bài viết với kiến giải chu đáo, kiến thức sâu rộng và hình ảnh minh họa đủ đầy trên group và website, ta càng thấy được sự nghiêm túc và cảm phục tình cảm của người trẻ với văn hóa xưa. Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất về Đại Việt Cổ Phong là tinh thần khiêm cung của nhóm. Họ luôn xem công việc của mình là điều cần phải làm và là “may mắn khi chúng tôi trở thành những người đến với cổ phong sớm hơn”.
Một năm sau ngày thành lập, Đại Việt Cổ Phong chính thức gây quỹ cộng đồng (crowd-funding) cho dự án Hoa Văn Đại Việt - dự án vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ của Việt Nam, khai thác hoa văn của ba thời kỳ chính: Lý - Trần, hậu Lê và thời Nguyễn với 250 mẫu. Sách cung cấp thông tin về ý nghĩa hoa văn, thời gian, niên đại, tính biểu tượng, địa điểm của hiện vật… để người đọc hình dung cụ thể và ứng dụng phù hợp với công việc.
Ý tưởng cho Hoa Văn Đại Việt bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của họa sĩ Cù Minh Khôi, khi anh bắt tay thiết kế phục trang cho phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhưng không thể tìm được tư liệu về hoa văn. Khôi mất khá nhiều thời gian tự sưu tầm, vẽ lại bằng tay, sau đó đồ lại bằng máy. Sau khi thiết kế hoàn thành, anh nhen nhóm suy nghĩ, tạo dựng một thư viện hoa văn trải dài suốt 1.000 năm từ thời Lý đến thời Nguyễn để ai cần sẽ có dữ liệu ứng dụng vào các sản phẩm liên quan đến văn hóa, lịch sử.
|
Một số trang phục trong dự án Dệt nên triều đại của Vietnam Centre |
Cột mốc Hoa Văn Đại Việt
Hoa Văn Đại Việt là công sức của rất nhiều cá nhân, ở nhiều khâu mà chỉ có quyết tâm cao độ của tuổi trẻ, của niềm đam mê đối với văn hóa xưa mới có thể kết nối và tạo thành. Họ phải chia nhau đến từng đình, chùa, miếu, lăng tẩm… chụp lại các hoa văn, họa tiết và ghi chép tỉ mẩn. Nhóm kỹ thuật thì phải so sánh, đối chiếu bản vẽ tay với những hiện vật khác cùng thời để nắm bắt tinh thần của hoa văn, để số hóa hoa văn chính xác.
Thách thức tiếp theo là trong hàng vạn hoa văn, nhóm phải phân biệt được đâu là hoa văn đặc biệt, đâu là hoa văn thông dụng, hoa văn nào đặc trưng cho thời kỳ nào, có chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, Champa hay không…
Bởi mục tiêu xuyên suốt của nhóm là tiếp biến văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại nên khi dự án hoàn thành, Đại Việt Cổ Phong đã chia sẻ miễn phí những hoa văn thông dụng đến cộng đồng. Nhờ đó, nhiều người đã tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và có thể ứng dụng hoa văn vào các sản phẩm thời trang, nội thất, đồ họa, thậm chí là in lên bánh, tổ chức sự kiện, đưa vào game, truyện tranh… giúp văn hóa xưa lan tỏa sâu rộng hơn.
“Ở Việt Nam chưa có dự án nào dựa trên ý chí như vậy cả, trong khi các nước Á Đông khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản rất quan tâm quảng bá hình ảnh văn hóa đến cộng đồng, thậm chí là ra thế giới. Nền văn hóa của Việt Nam đồ sộ, rất đặc sắc và rất đẹp, không hề thua kém các nước trên, nhưng người làm nghệ thuật thì không có chất liệu gì để sáng tác. Điều đó quả thật vô cùng đáng tiếc” - Khôi tâm sự.
Cùng với Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, Hoa Văn Đại Việt là một trong vài quyển sách có sức ảnh hưởng sâu rộng và được xem là hệ quy chiếu, là tư liệu tham khảo giá trị cho những người làm công việc sáng tạo cũng như nghiên cứu về phục trang cổ.
|
Không gian lễ nghi xưa được Vietnam Centre tái hiện |
Dấu ấn trên hành trình phục dựng
Hiện nay, nhiều người đã quen với hình ảnh các hoa văn, họa tiết truyền thống được sử dụng để tạo ra các sản phẩm gần gũi với đời sống hằng ngày, từ lịch để bàn, móc khóa, bao lì xì, sổ tay, ốp điện thoại cho đến quần áo, phụ kiện thời trang… nhưng giai đoạn 2016 - 2017, các ứng dụng này của Đại Việt Cổ Phong được xem là sáng tạo, đưa văn hóa cổ hòa vào nhịp sống đương đại.
Đại Việt Cổ Phong không phải là nhóm trẻ duy nhất ôm ấp tình yêu văn hóa cổ. Còn có những nhóm trẻ khác như SOAC, Cirle Reading, 3D, CUCA, ABG đến Thủ Phất Thanh Đài, Tôi Trải Nghiệm, Zó Project… với biên độ hoạt động trải dài trên nhiều phạm vi lịch sử Việt; bởi cổ phong là xu thế tất yếu, là sự “phản kháng”, “tự vệ” của văn hóa truyền thống trước các yếu tố văn hóa ngoại lai. Thế nhưng có lẽ, Đại Việt Cổ Phong là nhóm hoạt động dài hơi nhất, có sức lan tỏa nhất và tạo được ảnh hưởng nhiều nhất.
Đại Việt Cổ Phong hoặc đã khơi nguồn cảm hứng cho khá nhiều dự án hoặc âm thầm hỗ trợ các dự án liên quan đến cổ phục, như Ỷ Vân Hiên (làm trang phục cho phim Phượng Khấu, một số MV ca nhạc, đưa trang phục triều Nguyễn tiếp cận đời sống hiện đại dưới hình thức trang phục cưới, chụp ảnh kỷ yếu của các nhóm bạn trẻ…), Vietnam Centre (phục dựng trang phục triều Lê sơ, xuất bản sách Dệt nên triều đại, tổ chức triển lãm Vàng son vương dấu tại Úc)… Không quá khi nói Đại Việt Cổ Phong đã giúp lưu chuyển văn hóa cổ, đưa văn hóa hòa nhịp vào các dự án nghệ thuật cũng như đời sống đương đại.
|
Trang phục triều Nguyễn của Ỷ Vân Hiên trên sàn diễn thời trang |
Phục dựng văn hóa không nằm ở những hứa hẹn suông mà phụ thuộc vào hành động. Như chia sẻ của Cù Minh Khôi: “Tôi cảm thấy những người trẻ như mình, nếu suốt ngày chỉ gióng chuông cảnh báo, kêu gọi đừng quay lưng lại với văn hóa truyền thống là chưa đủ. Cần phải bắt tay thực hiện những dự án cụ thể, thiết thực hơn. Nếu tái hiện văn hóa thành hình ảnh, màu sắc xác thực thì mọi người có thể nhìn thấy, có thể yêu dễ dàng hơn là nói miệng và đặt chúng trong các tư liệu cũ hay bảo tàng”.
Lê Phan