edf40wrjww2tblPage:Content
25 đến 26/12/1944: Chiến thắng Phay Khắt và Nà Ngần của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân:
Từ căn cứ địa Cao Bằng, ngay sau lễ thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã xuất quân thực hiện chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu” của lãnh tụ tụ Hồ Chí Minh.
17g ngày 25/12/1944, bằng một trận đánh táo bạo và mưu trí, đơn vị đã tiêu diệt đồn Phay Khắt (đóng tại xã Cam Lộng, Nguyên Bình, Cao Bằng) và 7g sáng hôm sau (25/12) lại tiêu diệt tiếp đồn Nà Ngần (cách Phay Khắt 25 km) diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, tịch thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Chiến thắng Phay Khắt - Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trận Phay Khắt và Nà Ngần ngày 25 và 26/12/1944 là 2 trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiêu diệt 2 đồn nhỏ là đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần, do đích thân Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng tài ba của Việt Nam - Ảnh tư liệu
Làng Phay Khắt thuộc xã Tam Lộng, tỉnh Cao Bằng. Đồn của Pháp ở đây có gần 20 binh lính do một đồn trưởng người Pháp chỉ huy.
5g chiều 25/12/1944, các đội viên đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đóng giả lính khố xanh, do một viên đội "sếp" dẫn đầu bất ngờ tập kích, bắt sống 17 lính trong đồn và một viên cai. Đúng lúc đó đồn trưởng người Pháp cưỡi ngựa lên châu trở về cùng vài binh lính đi theo không mang súng. Một đội viên đã nổ súng giết chết viên đồn trưởng. Trận đánh diễn ra trong vòng mươi phút.
Đồn Nà Ngần cách Phay Khắt khoảng 25 km, có 22 lính khố đỏ do hai sĩ quan người Pháp chỉ huy. Sáng sớm 26/12, bộ đội Việt Minh cải trang làm lính dõng và lính tập, dùng trang phục của lính Pháp mới lấy được ở Phay Khắt tiến vào bắn chết 4 người và bắt sống số còn lại. Hai sĩ quan chỉ huy người Pháp không có mặt trong đồn vì đã đi lên tỉnh. Phần lớn tù binh được thả về quê quán.
Theo hồi ký đại tướng Võ Nguyên Giáp và tài liệu quân sử Quân đội nhân dân Việt Nam thì tại Nà Ngần, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiêu diệt 5, bắt sống 37 quân nhân. Những người này được cho lựa chọn hoặc theo Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hoặc phải trở về quê sinh sống. Đa số chọn về quê, và được cấp giấy đi đường và một số tiền nhỏ.
Phay Khắt, Nà Ngần và những chiến công oanh liệt
Cách nay 65 năm, theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập. Chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần và những chiến công oanh liệt được ghi vào những trang chói lọi của lịch sử dân tộc ta.
Ngay sau khi ra đời, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, “trận đầu nhất định phải thắng”, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập chiến công oanh liệt: Ngày 25/12/1944, hạ đồn Phay Khắt; ngày 26/12/1944, hạ đồn Nà Ngần. Những chiến thắng này báo hiệu cho toàn dân tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu để chuẩn bị cho thời kỳ đứng lên giành lấy chính quyền, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Hai chiến thắng đó đã mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu, đánh liên tục và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành của quân đội ta. Và những tháng ngày “trứng nước” đó, đội quân 34 chiến sĩ nhanh chóng phát triển trong nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, mở rộng cơ sở chính trị trong quần chúng, hợp nhất với Đội Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân, cùng các “đội quân đàn em” khác trên mọi miền đất nước đóng vai trò nòng cốt hỗ trợ cho toàn dân ta vùng dậy khởi nghĩa giành thắng lợi.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố với toàn thể quốc dân Việt Nam và các nước trên thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
Để giữ vững quyền tự do và độc lập vừa giành được, dân tộc ta đã phải trải qua hai cuộc kháng chiến ròng rã 30 năm (1945-1975) đánh thắng Pháp và Mỹ, đều có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần.
Khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp, quân đội ta ước chừng tám vạn người mà thực chất mới chỉ là đội quân du kích, trang bị vũ khí rất thiếu thốn, thô sơ. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, đội quân ấy liên tiếp mở các cuộc phản công và tiến công trên khắp chiến trường: đập tan cuộc càn quét, cướp phá của gần hai vạn quân Pháp khi Pháp tiến công Việt Bắc trong Thu Đông 1947; tập trung lực lượng mở chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 đập vỡ tuyến phòng thủ đường số 4 mà thực dân Pháp cố công xây dựng, chấm dứt thời kỳ ta buộc phải chiến đấu trong vòng vây.
Tiếp đó, quân ta mở ba chiến dịch tiến công: chiến dịch Trần Hưng Đạo, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Hà Nam Ninh; tiến công gần 30 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh và các đơn vị kỹ thuật của quân Pháp tại mặt trận Hòa Bình và giành thắng lợi vang dội.
Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, để đập tan nỗ lực quân sự cuối cùng của phía Pháp, Đảng ta chủ trương điều một bộ phận chủ lực mở các cuộc tiến công nhằm những hướng địch sơ hở ở miền rừng núi, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở đồng bằng. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta đã thực hiện thành công chủ trương chiến lược này, giành thắng lợi to lớn và toàn diện trong tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, góp phần quyết định buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt tham vọng tái chiếm Đông Dương, sau chín năm ròng rã lao vào cuộc chiến tranh xâm lược và chịu nhiều tổn thất nặng về sinh lực, của cải và uy tín.
Theo Tuổi Trẻ Online (Nguồn: Việt Nam những sự kiện lịch sử)